Bị bạn lừa ngày cá tháng tư: Lao đến trường quên cả đánh răng

Thứ tư, 01/04/2015, 10:25
Lao đến trường trong tình trạng áo cài lệch cúc, khóa quần quên kéo, quên đánh răng, Đặng Văn Trình (Đại học Kiến trúc Hà Nội) không thể quên được ngày cá tháng 4 năm ấy.

Rơi vào hoàn cảnh dở khóc dở cười vì… quên

Đặng Văn Trình (đại học Kiến trúc Hà Nội) cho biết: “Còn nhớ năm ngoái trong lúc đang ngủ thì thằng bạn cùng lớp gọi đến quát ầm lên “sao mày không đi học, hôm nay nộp bản vẽ của cả nhóm mà. Có đến ngay không thì bảo, muộn 30 phút rồi đấy…”.

Ảnh minh họa

Sấp sấp ngửa ngửa không thèm đánh răng, mặc xong quần áo, vớ được bản vẽ là Trình đi luôn. Đến lớp thì ngơ ngác không thấy ai, gọi lại cho thằng bạn thì thuê bao không liên lạc được. Gọi cho lớp trưởng thì mới nhớ ra hôm qua có đọc thông báo chuyển học từ buổi sáng sang buổi chiều. Có bạn đi qua còn thì thầm vào tai “bạn ơi khuy áo lệch rồi kìa”, xấu hổ lắm luôn”.

“Không chỉ có khuy áo lệch đâu, quần cũng đang trong tình trạng ống thấp ống cao, khóa quần thì…. Không biết nói gì, chỉ cắm đầu cắm cổ chạy một mạch vào nhà vệ sinh sửa sang lại quần áo, đầu tóc, sau đấy mới về đi đánh răng được. Trong đầu lúc đấy chỉ nghĩ không biết có bao nhiêu người nhìn thấy rồi, không biết có nhớ mặt mình không”- Đặng Trình cười ngất khi kể lại câu chuyện.

“Năm nào mình cũng nhớ ngày đấy và đi trêu chọc bạn bè. Nhưng có 1 năm quên thôi là y rằng bị lừa ngay”- Nguyễn Thị Thảo (trường đại học Hòa bình) chia sẻ - “Do năm đấy đang cãi nhau với người yêu, đang buồn, chả thiết quan tâm gì nữa nên bị lừa.

Đứa bạn thân gọi điện bảo “Tao nhìn thấy anh người yêu mày đi với con nào ấy, ôm chặt lắm, đi vào quán trà sữa tụi mình hay ngồi ấy”. Tò mò và tức nữa nên mình phóng xe đến đấy luôn, thấy anh đang ngồi với gái thật, nhảy vào ngồi mà không cần mời, ôm anh ấy, rồi còn nói ngọt ngào lắm. Ui chao đến lúc biết thì mới bẽ bàng… Đó là mẹ anh ấy”.

“Lúc anh người yêu mình từ tốn nói “Giới thiệu với em đây là mẹ anh…” mình chỉ biết há mồm ra ngạc nhiên vì mẹ anh ấy quá trẻ, sau đó mặt đỏ lựng lên vì xấu hổ. Chỉ muốn tìm một cái lỗ để chui ngay xuống, quá mất mặt. Sau đấy cả buổi mình không thể nói gì được nữa, cứ cúi gằm mặt xuống đất và trả lời lí nhí câu hỏi của cô ấy”- Thảo đỏ mặt khi kể lại sự việc.

Bị lừa nhưng nạn nhân vẫn vui vẻ chấp nhận

Sau khi bị “sập bẫy” của bạn học cùng lớp, Đặng Văn Trình (đại học Kiến trúc Hà Nội) mới tá hỏa khi biết đang trong ngày nói dối. Tuy rằng có xấu hổ một chút nhưng Trình vẫn vui vẻ và tìm cách “nói dối” cậu bạn khác. Trình cho hay: “Vui mà, ngày hôm đấy ai cũng có quyền nói dối, là một ngày để mọi người giải trí nên giận làm gì. Sau đấy mình vẫn lừa được một bạn khác để lấy may đấy thôi”.

Tuy rằng sự việc đi quá xa, khiến Nguyễn Thảo (đại học Hòa Bình) khá mất mặt trước mặt mẹ người yêu mình nhưng khi biết bị lừa trong ngày nói dối thì cô bạn đã nguôi ngoai sự việc đi phần nào.

“Lúc đấy giận nó lắm, nhắn tin mắng nó xối xả. Nhưng sau đấy nhận được tin nhắn xin lỗi và kèm theo giải thích vì hôm nay là cá tháng tư, mọi người đều nói dối nên mình cũng cho qua…. Nói đi nói lại cũng nhờ có vụ việc đấy mà mình và người yêu đã làm lành với nhau, còn biết thêm độ trẻ trung và xì tin thôi rồi của mẹ anh ấy nữa”- Thảo tươi cười nhớ lại.

Cô bạn nói thêm “Bây giờ ngày cá tháng tư này phổ biến lắm, không chỉ có tụi trẻ chúng mình chơi với nhau, người lớn cũng tham gia đấy chứ. Mẹ người yêu mình cũng nói dối con trai để bắt anh ấy đèo đi uống trà sữa đấy thôi. Bố mình còn nói dối để nịnh mẹ mình ấy. Những điều nói dối không có hại, làm mọi người vui vẻ thì không sao mà”.

Hãy giúp ngày lễ nói dối trở nên văn minh

“Nói dối giúp mọi người vui vẻ và xả stress thì được, nhưng đừng đi quá xa, khiến mọi người bị rắc rối bởi lời nói dối của mình được”. Nguyễn Thị Thảo nói lên suy nghĩ của mình.

“Sẽ có nhiều bạn không suy nghĩ gì, cứ thế nói dối mà không biết điều ấy sẽ khiến người khác thấy khó chịu. Tùy từng đối tượng và nên chọn mức độ nói dối bình thường thôi. Làm sao bản thân người nói dối vừa có may mắn trong ngày, nhưng nạn nhân vẫn vui vẻ chấp nhận ấy”.

Đồng ý với quan điểm của Nguyễn Thảo, Đặng Văn Trình (đại học Kiến Trúc Hà Nội) bổ sung thêm: “Bây giờ người lớp cập nhật và tìm hiểu xu thế của lớp trẻ nhanh lắm. Mình muốn bố mẹ mình cảm thấy cá tháng tư là một ngày lễ vui mà tham gia. Biết đâu đấy sẽ có những điều bất ngờ bố giành cho mẹ, cho hai anh em mình trong ngày đấy thì sao. Những lời nói dối ngọt ngào, làm người khác hạnh phúc thì là nói dối tốt đẹp”.

Theo Infonet

Các tin cũ hơn