Hiện trường vụ sập giàn giáo khiến 3 người chết, 5 người bị thương ở phường Tân Phong, quận 7. |
Chiều 13/7, tại cuộc họp về sự cố sập giàn giáo tại Công trình xây dựng tòa nhà 17 tầng khiến 3 người chết và 5 công nhân bị thương (không phải 4 người như thông tin ban đầu), thiếu tướng Phan Anh Minh - Phó giám đốc Công an TP HCM cho hay, 2 nguyên nhân có thể gây ra sự cố. Thứ nhất là khi đổ bêtông có mưa giông, làm xô lệch giàn giáo nên cần kiểm tra lại thiết kế có chịu lực hay không. Thứ hai là thiết kế giàn giáo sai kỹ thuật, không kiểm tra mức độ chịu lực.
Phó giám đốc Công an TP HCM cũng đề nghị thu giữ giàn giáo để đi kiểm định xem có gỉ sét hay không để tìm nguyên nhân tai nạn. Ngoài ra, cần có tổ chức giám định độc lập để có kết quả, khi đó mới có thể xem xét trách nhiệm.
Trong khi đó, Giám đốc Sở Xây dựng TP HCM Trần Trọng Tuấn cho biết, qua kiểm tra ban đầu cho thấy công trình do sụp từ trên xuống chứ không phải đổ theo chiều ngang. Nên nguyên nhân không phải do mưa mà có thể do chất lượng giàn giáo không đảm bảo, hoặc quá trình thi công giàn giáo có vấn đề, đồng thời cũng không loại trừ khả năng có sự đột biến về tải trọng.
"Sở đồng tình là cần phải thuê đơn vị giám định độc lập để tìm nguyên nhân xảy ra vụ tai nạn", ông Tuấn nói và cho rằng trách nhiệm để xảy ra sự cố thuộc về nhà đầu tư, đơn vị tư vấn giám sát, thi công, nhà thầu, ban quản lý dự án... Vì vậy, Sở Xây dựng sẽ kiểm tra chấp hành pháp luật của những đơn vị này, đặc biệt là năng lực hành nghề của các cá nhân tham gia trong hoạt động xây dựng.
Chủ tịch UBND TP HCM Lê Hoàng Quân chủ trì cuộc họp chiều 13/7. |
Chủ tịch UBND TP Lê Hoàng Quân đề nghị các sở, ngành kiểm tra, giám định các nguyên nhân sai phạm của chủ đầu tư, tư vấn giám sát. Đặc biệt là năng lực hành nghề của các cá nhân, đơn vị thi công tham gia trong hoạt động xây dựng để xem xét khởi tố vụ án, bởi đây là vụ việc đặc biệt nghiêm trọng.
"Không thể để tình trạng sống chết mặc bay, tiền thày bỏ túi được. Từ đầu năm đến nay đã có đến 37 vụ tai nạn lao động làm 41 người chết rồi, trong đó riêng lĩnh vực xây dựng chiếm gần phân nửa", ông Quân nói.
Theo người đứng đầu chính quyền TP HCM, hiện công tác xây dựng, các biện pháp quản lý còn chưa chặt chẽ; trách nhiệm của nhà thầu như thế nào vẫn chưa cụ thể. Vì vậy, Sở Xây dựng cần tăng cường công tác quản lý hơn nữa khi thành phố có hàng nghìn công trình xây dựng. Các nhà thầu chủ yếu thuê mướn lao động các địa phương khác, đa số là lao động thời vụ, không có trình độ chuyên môn, ý thức lao động kém.
"Các sở, ngành liên quan cần nghiên cứu soạn thảo quy chế quản lý ở các công trình xây dựng để xác định trách nhiệm và có biện pháp chế tài để cá nhân. Đơn vị nào để xảy ra vi phạm phải có biện pháp chế tài nghiêm khắc", ông Quân yêu cầu.
Trước đó, 8h ngày 10/7, nhiều người làm việc ở lầu một công trình trên đường Nguyễn Văn Linh (quận 7), gần giao lộ Nguyễn Hữu Thọ. Bất ngờ giàn giáo công trình sập xuống, đè nhóm công nhân. 5 người được cứu, 3 nạn nhân tử vong.
Về công tác hỗ trợ cho các nạn nhân bị tai nạn, đại diện Sở Lao động Thương binh và Xã hội TP cho hay UBND quận 7 đã hỗ trợ 5 triệu đồng cho mỗi người bị thương, hỗ trợ gia đình có người tử vong 10 triệu đồng. Đơn vị thi công trình gây ra sự cố, Công ty xây dựng Hòa Bình cũng hỗ trợ tạm thời cho mỗi nạn nhân bị thương nhẹ là 10 triệu đồng, nạn nhân bị thương nặng là 20 triệu đồng. Đối với người mất, đơn vị thi công sẽ lo tất cả chi phí ma chay, xe đưa về quê, 36 tháng lương, 93 triệu đồng tiền bảo hiểm, quỹ học bổng cho con nạn nhân đến 18 tuổi. Còn chủ đầu tư hỗ trợ cho nạn nhân bị thương nhẹ là 10 triệu đồng, nạn nhân bị thương nặng là 20 triệu đồng và người tử vong là 30 triệu đồng. |
Theo VNE