Chiến lược trên được ông Nguyễn Văn Thứ - Chủ tịch Công ty cổ phần Thực phẩm G.C (G.C Food - GCF) nêu tại phiên họp thường niên ngày 7/4. Công ty này đặt mục tiêu chiếm khoảng 15-20% thị trường nha đam tại Hàn Quốc và Nhật Bản ba năm tới. Đây là mức đủ để tạo ra vị thế có sức ảnh hưởng tốt đến nhu cầu mua hàng của các nhà sản xuất tại hai nước này. G.C Food đang chiếm hơn 8% thị phần tại Hàn Quốc và hơn 9% ở Nhật Bản.
Hiện tại, Thái Lan là nhà cung cấp lớn nhất tại hai thị trường này với thị phần khoảng 40%. Theo ông Thứ, hàng của Thái có công nghệ sản xuất hiện đại nên vẫn nhỉnh hơn về tính đa dạng sản phẩm. Sản lượng của họ lớn và nhờ ngành phụ trợ phát triển, đặc biệt bao bì đóng gói, nên giá bán đang thấp hơn hàng Việt khoảng 10-15%.
Dẫu vậy, ông Thứ cho rằng, về chất lượng, nha đam Việt Nam có thể cạnh tranh được với hàng Thái. Thời gian tới, nếu biết tận dụng lợi thế về chi phí nhân công rẻ, mở rộng nguồn nguyên liệu, tăng sản lượng, giá bán nha đam Việt sẽ cạnh tranh hơn. Hiện G.C Food lên kế hoạch 2023-2025 sẽ mở rộng vùng nguyên liệu lá nha đam lên 500ha để tăng công suất nhà máy đạt 40.000-45.000 tấn thành phẩm mỗi năm. Doanh nghiệp này cũng nghiên cứu đa dạng hóa sản phẩm từ cây nha đam nguyên liệu như nước uống, mỹ phẩm.
"Đặc biệt, nông sản của Việt Nam còn hưởng lợi lớn về thuế suất ưu đãi nhờ các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký với Hàn Quốc, Nhật Bản, trong khi Thái chưa có", ông nói.
Nhật và Hàn là hai quốc gia có nhiều sản phẩm đồ uống, sữa và các loại thực phẩm khác chứa nha đam. Riêng Hàn Quốc, bên cạnh nhu cầu thị trường nội địa, họ còn mạnh về xuất khẩu các sản phẩm nước giải khát nha đam sang Bắc Mỹ, châu Âu. Với nhu cầu cho cả thị trường nội địa lẫn xuất khẩu, nước này cần trung bình khoảng 30.000 tấn nha đam mỗi năm. Con số này với Nhật Bản là 15.000 tấn. Do đó, đây là hai thị trường xuất khẩu chính của doanh nghiệp này.
G.C Food dù mới gia nhập ngành nha đam hơn 10 năm, là doanh nghiệp sản xuất nha đam dẫn đầu thị trường Việt với sản lượng 12.000-15.000 tấn một năm, có mặt ở 20 quốc gia trên thế giới. Công ty sở hữu nhà máy chế biến nha đam Vietfarm (Ninh Thuận) quy mô hàng đầu cả nước với công suất 35.000 tấn lá tươi mỗi năm, cho ra 15.000 tấn thành phẩm.
Công ty cũng là đơn vị duy nhất tại Việt Nam bán hàng cho các thương hiệu lớn như OKF - doanh nghiệp sản xuất nước nha đam đứng đầu thế giới, Lotte - doanh nghiệp sản xuất nước nha đam thứ 5 thế giới hay Morinaga - công ty sữa lớn thứ hai tại Nhật Bản.
Dây chuyền chế biến nha đam ở nhà máy rộng 2ha, tỉnh Ninh Thuận. Ảnh: GCF
Ngoài hai thị trường truyền thống, GCF có định hướng mở rộng thêm ở khu vực Trung Đông, Trung Quốc và châu Âu. Trước mắt, Đông Âu - khu vực có thói quen dùng nha đam gần giống châu Á, sẽ là thị trường mà công ty này chú trọng. Nếu thành công, đây sẽ là thị trường đóng góp 15-20% tổng doanh thu trong giai đoạn 2023-2025.
Theo ông Thứ, tháng 4 và 5 là mùa cao điểm của các đơn hàng xuất khẩu. Thời gian này, công ty đang tăng tốc sản xuất để kịp tiến độ với sản lượng từ 2.000-3.000 tấn, doanh thu 3-5 triệu USD. Với tiềm năng trên, G.C Food hứa bao tiêu lá nha đam với giá thu mua tại vườn khoảng 1.500 đồng một kg. Nếu chăm sóc tốt, mỗi hộ gia đình có thể tạo ra thu nhập không dưới 300 triệu đồng một ha mỗi năm.
Doanh thu công ty năm 2025 dự kiến cũng sẽ tăng hơn gấp đôi so với năm ngoái, đạt khoảng 860 tỷ đồng.