Giá trị xuất khẩu gạo Việt tăng đột biến dù sản lượng giảm

Thứ năm, 30/03/2023, 09:12
3 tháng đầu năm, sản lượng xuất khẩu giảm 20% nhưng giá trị thu về cao hơn 30% nhờ giá gạo Việt liên tục tăng.

Báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho thấy, quý I, xuất khẩu gạo đạt 1,79 triệu tấn, tương đương 952 triệu USD, giảm 19,3% về khối lượng nhưng tăng 30,2% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022.

Giá trị gạo xuất khẩu tăng cao trong bối cảnh sản lượng giảm là do giá tăng liên tục. Giá gạo xuất khẩu bình quân 3 tháng đầu năm ước đạt 531 USD một tấn, tăng 9,2% so với cùng kỳ năm 2022. Trước đó, giá gạo bình quân tháng 1-2 lần lượt là 519,3 USD và 528,5 USD một tấn.

Tại Việt Nam, gạo 5% tấm ở mức 450 USD một tấn, tăng 5 USD so với đầu tháng. Theo các thương nhân, các chuyến hàng đến Trung Quốc đang phục hồi, Indonesia cũng đang mua thêm để cải thiện dự trữ quốc gia.

Thu hoạch lúa ở TP Thủ Đức. Ảnh: Quỳnh Trần

Thu hoạch lúa ở TP.Thủ Đức. Ảnh: Quỳnh Trần

Tại hội nghị về xuất khẩu gạo vào cuối tháng 2, ông Nguyễn Ngọc Nam, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), dự báo giá gạo sẽ vẫn ở mức cao trong quý II. Các doanh nghiệp gạo vẫn được hưởng lợi trong thời gian tới. Đơn hàng nhập khẩu của các thị trường truyền thống như Trung Quốc, Indonesia, châu Phi vẫn tăng đột biến.

Trong 2 tháng đầu năm, giá trị xuất khẩu gạo sang Indonesia tăng gấp 304,6 lần - cao nhất trong các thị trường xuất khẩu. Tương tự với thị trường Trung Quốc - tăng gần 2 lần so với cùng kỳ năm.

Theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên Hợp Quốc (FAO), nhiều quốc gia có nguy cơ khô hạn trong nửa cuối năm, sản lượng lương thực có thể sụt giảm. Do đó, để đảm bảo an ninh lương thực, nhiều nước đang tăng cường thu mua gạo dự trữ. Đây là cơ hội giúp xuất khẩu gạo Việt được hưởng lợi nhiều hơn.

Theo VNE

Các tin cũ hơn