Tiềm năng xuất khẩu sản phẩm Halal của Việt Nam vào Singapore

Thứ sáu, 14/04/2023, 16:22
Sự năng động và kinh nghiệm của một quốc gia sản xuất sẽ là lợi thế cho các doanh nghiệp Việt Nam khi chuyển đổi, tham gia thị trường Halal toàn cầu, trong đó Singapore được coi là cửa ngõ quốc tế.

Đại biểu tham quan một số sản phẩm Halal Việt Nam tại một triển lãm. (Nguồn: TTXVN phát)

Ngày 14/4, phóng viên TTXVN tại Singapore đã phỏng vấn ông Cao Xuân Thắng, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Singapore, về tiềm năng thị trường sản phẩm Halal của Đảo quốc Sư tử cũng như những thuận lợi và khó khăn của các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam khi tham gia lĩnh vực này.

Đánh giá về tiềm năng thị trưởng sản phẩm Halal của Singapore, Tham tán Thương mại Cao Xuân Thắng nêu rõ tỷ trọng nông nghiệp chiếm một phần rất nhỏ trong Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Singapore, có thể nói nền nông nghiệp gần như không đáng kể.

Hiện nay, Singapore chỉ mới tự chủ được khoảng 10% nhu cầu thực phẩm, 90% còn lại là nhập khẩu. Tuy nhiên, thực phẩm chế biến lại là một trong những mặt hàng xuất khẩu lớn của quốc gia Đông Nam Á này, với kim ngạch xuất khẩu khoảng 9 tỷ USD/năm, trong đó các mặt hàng có chứng nhận Halal chiếm tới 70% giá trị xuất khẩu (khoảng 50.000 mặt hàng).

Giới chuyên gia ước tính thị trường thực phẩm Halal của Singapore sẽ giữ mức tăng trưởng khoảng 7-10% trong những năm tới đây.

Với tỷ lệ chiếm tới 13,3% dân số và rất nhiều khách du lịch hằng năm là người Hồi giáo, cộng đồng người Hồi giáo tại Singapore thuộc nhóm dân cư có thu nhập cao và khả năng mua sắm, tiêu dùng lớn. Singapore cũng có hệ thống phân phối các sản phẩm Halal rộng khắp, với rất nhiều chuỗi siêu thị và cửa hàng tiện lợi.

Bên cạnh đó, với vai trò là trung tâm thương mại của khu vực và thế giới, các sản phẩm tạm nhập tái xuất vào thị trường thứ 3 chiếm khoảng 54% tổng kim ngạch xuất khẩu (tương đương 380 tỷ SGD năm 2022), trong đó có các sản phẩm Halal.

Đồng thời, Singapore có hệ thống chứng nhận tốt, được thừa nhận bởi các quốc gia Hồi giáo như Brunei, Indonesia, Malaysia và các đối tác thương mại lớn như Các tiểu vương quốc Arập thống nhất (UAE), Australia, châu Âu và Mỹ.

Theo Salaam Gateway, Singapore là cửa ngõ lý tưởng cho sản xuất, thương mại, tái xuất các sản phẩm thực phẩm Halal vào các quốc gia Hồi giáo lớn thông qua hệ thống hạ tầng logistics rất phát triển.

Nhận định những thuận lợi và khó khăn của các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam khi tham gia lĩnh vực này, Tham tán Thương mại Cao Xuân Thắng cho rằng tiêu chuẩn Halal của người Hồi giáo không chỉ dành riêng cho thực phẩm, đồ uống, dịch vụ ăn uống mà cả các sản phẩm tiêu dùng khác.

Cộng đồng Hồi giáo ngày càng yêu cầu cao hơn về tiêu chuẩn đạo đức cho các sản phẩm và dịch vụ tiêu dùng, Chứng chỉ Halal ngày càng thu hút sự tin cậy của người tiêu dùng toàn cầu, thậm chí không phân biệt tôn giáo.

Ngành công nghiệp Halal đang được đánh giá là ngành công nghiệp nghìn tỷ USD, với sức tiêu thụ ngày càng cao và không chỉ tiêu thụ trong thế giới Hồi giáo. Vì vậy, nếu phải quyết định giữa hai dòng sản phẩm cùng mục đích sử dụng, các doanh nghiệp nhập khẩu, phân phối, bán lẻ đều ưu tiên lựa chọn sản phẩm có chứng chỉ Halal.

Theo ông Cao Xuân Thắng, sự năng động và kinh nghiệm của một quốc gia sản xuất sẽ là lợi thế cho các doanh nghiệp Việt Nam khi chuyển đổi và tham gia thị trường Halal toàn cầu, trong đó Singapore được coi là cửa ngõ thương mại quốc tế gần nhất.

Tuy nhiên, do có sự không đồng nhất về tiêu chuẩn Halal ở các nước, chứng chỉ Halal có thể được công nhận ở nước này, nhưng chưa chắc đã được công nhận ở nước khác, nên các doanh nghiệp sản xuất thực phẩm Halal sẽ gặp khó khăn về mặt chi phí để duy trì các phương thức sản xuất khác nhau cho các thị trường tiêu chuẩn Halal khác nhau.

Một khó khăn nữa cho các doanh nghiệp muốn tiếp cận thị trường Halal là vấn đề chi phí thẩm định cơ sở sản xuất Halal, chi phí xác nhận từng sản phẩm Halal và thời gian thẩm định cấp phép kéo dài. Đây có thể coi là những rào cản phi thuế quan mà các doanh nghiệp Việt Nam có thể phải đối mặt.

Gợi mở hướng đi nhằm đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm Halal vào Singapore, Tham tán Thương mại Cao Xuân Thắng cho rằng các doanh nghiệp Việt Nam cần nhanh chóng, chủ động chuyển đổi phương thức sản xuất, quản lý sản xuất để đáp ứng các tiêu chuẩn chung và tiêu chuẩn cụ thể Halal của từng quốc gia khác nhau; đảm bảo khả năng đáp ứng điều kiện để không bị các rào cản về tiêu chuẩn khi xâm nhập thị trường Hồi giáo. Đây cũng là một bước tiến để các nhà sản xuất chuyển đổi, cung cấp các sản phẩm chế biến sâu, có giá trị gia tăng cao và tăng cường xuất khẩu mở rộng thị trường.

Theo ông Cao Xuân Thắng, hoạt động xúc tiến đưa các sản phẩm vào thị trường, quảng bá sản phẩm, quảng bá thương hiệu là việc khó khăn, tốn kém công sức và chi phí, nhất là các sản phẩm Halal.

Khi đã tiếp cận được thị trường Singapore, việc duy trì tồn tại còn khó khăn hơn, do đó các doanh nghiệp Việt Nam cần hết sức lưu ý đảm bảo ổn định chất lượng hàng hóa, đảm bảo các điều kiện tiêu chuẩn chứng nhận.

Ông cho rằng nếu mất uy tín về tiêu chuẩn chất lượng, sẽ gần như không còn cơ hội để xuất khẩu vào thị trường khó tính này.

Tham tán Thương mại Cao Xuân Thắng cho biết thêm trong thời gian tới đây, Thương vụ Việt Nam tại Singapore sẽ tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam trưng bày, quảng bá sản phẩm, quảng bá thương hiệu, kết nối giao thương với các đối tác tại Singapore; tiếp xúc với các cơ quan quản lý, cơ quan chức năng liên quan đến tiêu chuẩn Halal của Singapore, nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam tìm hiểu, cập nhập thông tin về lĩnh vực này.

Việt Nam có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển ngành Halal với vị trí địa lý thuận lợi, có nhiều thế mạnh về nông nghiệp, thực phẩm, du lịch, dịch vụ…; thị trường rộng lớn và hội nhập quốc tế sâu rộng, toàn diện khi tham gia nhiều liên kết kinh tế hàng đầu khu vực, trong đó có các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.

Chính phủ Việt Nam đặc biệt quan tâm tới việc khai mở và hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tham gia hiệu quả vào thị trường Halal toàn cầu.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Quốc Doanh đánh giá ngành nông nghiệp Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu, đóng vai trò quan trọng đối với phát triển kinh tế-xã hội, thể hiện vai trò trụ đỡ của nền kinh tế, đặc biệt trong các giai đoạn khó khăn.

Nhiều nông sản của Việt Nam đã đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, phù hợp với yêu cầu chứng nhận Halal và được người Hồi giáo ưa chuộng. Tuy nhiên, hiện nay thực phẩm Halal xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam là nông, thủy sản thô và sơ chế.

Hiện Việt Nam chưa có cơ chế xúc tiến thương mại riêng đối với sản phẩm Halal và đang đứng trước sự cạnh tranh gay gắt từ nhiều nước có cơ cấu xuất khẩu tương đồng...

Điểm nghẽn lớn nhất để xuất khẩu sản phẩm Halal Việt Nam vào thị trường toàn cầu là việc đạt chứng nhận Halal đa dạng, phù hợp với yêu cầu riêng của từng thị trường.

Nhiều sản phẩm của địa phương Việt Nam đã đạt các tiêu chuẩn như OCOP, chứng nhận nông nghiệp hữu cơ... nhưng chưa có chứng nhận Halal. Hơn nữa, đối với tổ chức chứng nhận Halal, lãnh đạo và các chuyên gia đánh giá phải theo đạo Hồi... trong khi nguồn nhân lực đáp ứng các tiêu chí này còn rất hạn chế.

Theo TTXVN

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích