Chiều 14/4, bà Võ Thị Thu Sương, Chánh Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM, cho biết đơn vị đã ra quyết định xử phạt Công ty Grab theo Điều 102 Nghị định số 15/2020 về vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử.
Làm việc với cơ quan chức năng, đại diện công ty này cho biết, do hợp tác với một đơn vị thứ 3 cung cấp dữ liệu bản đồ mã nguồn mở chạy trên ứng dụng Grab nhưng không rà soát, theo dõi thường xuyên dẫn đến khi cập nhật đã xuất hiện thông tin sai lệch nghiêm trọng về chủ quyền biển đảo của Việt Nam. "Sở đã nhắc nhở phía công ty phải có xây dựng biện pháp ngăn ngừa để không xảy ra sự việc tương tự", bà Sương nói.
Bản đồ vi phạm chủ quyền trên ứng dụng Grab. Ảnh: Chụp màn hình ứng dụng Grab
Trước đó, trong hai ngày 8-9/4, người dùng ứng dụng đặt xe trực tuyến Grab phát hiện bản đồ tại trung vực quần đảo Trường Sa chỉ thể hiện tên tiếng Việt đối với đảo Sơn Ca và Sinh Tồn.
Nhiều đảo, quần đảo và khu vực khác thể hiện bằng tiếng Trung Quốc và tiếng Anh, trong đó có nhiều tên bị ghi trái phép cho các khu vực thuộc chủ quyền Việt Nam.
Bãi Chữ Thập, thuộc chủ quyền Việt Nam đang bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép, bản đồ Grab chú thích "Nansha District" tức "huyện Nam Sa". Nam Sa là tên gọi phi pháp mà Trung Quốc dùng để gọi quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Bãi đá Vành Khăn thuộc chủ quyền Việt Nam bị chú thích theo cách gọi phi pháp của Trung Quốc là Meiji Jiao, tức đảo Mỹ Tế và ghi chú đảo Mỹ Tế, Tam Sa, Trung Quốc. Thành phố Tam Sa là chính quyền phi pháp do Trung Quốc lập ra để quản lý nhiều quần đảo, bao gồm cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.
Ngoài ra, một số đảo khác thuộc chủ quyền của Việt Nam tại Biển Đông cũng bị chú thích sai lệch.