Người chú nhân ái
Đã hơn 70 ngày trôi qua, kể từ khi xảy vụ án khiến dư luận phải bàng hoàng, sau khi tiến hành ca phẫu thuật nâng ngực thất bại bác sĩ Nguyễn Mạnh Tường (40 tuổi, ở Cổ Nhuế, Từ Liêm) đã đem chị Lê Thị Thanh Huyền (39 tuổi, ở Hoàn Kiếm, Hà Nội) ném xuống sông Hồng nhằm phi tang chứng cứ để trốn tránh tội ác.
Suốt hơn 2 tháng qua ông Phạm Đức Quang lặn lội mọi ngõ ngách tìm cháu dâu.
Tuy nhiên, sự việc sau đó đã bại lộ, Nguyễn Mạnh Tường bị bắt giữ, phía người nhà nạn nhân sau khi biết sự việc đã đổ xô đi tìm kiếm cùng với đó là sự vào cuộc của cơ quan công an, cảnh sát đường thủy...
Xuyên suốt cuộc hành trình tìm kiếm không ngừng nghỉ, có lẽ không ai không khỏi khâm phục ông Phạm Đức Quang (cậu ruột chồng nạn nhân). Mặc dù không phải máu mủ ruột thịt chung huyết thống với chị Huyền nhưng từ những ngày đầu cho đến tận bây giờ chưa có một ngày nào ông Quang ngơi nghỉ việc tìm kiếm người cháu dâu của mình.
Tâm sự về sự quyết tâm của mình, ông Quang bảo rằng: “Kể từ khi nghe tin dữ của cháu, lòng tôi như lửa đốt. Những tháng ngày qua tìm kiếm đã nhiều lần tưởng chừng như tìm được cháu nhưng lại không phải. Ngày nào chưa tìm thấy cháu Huyền lòng tôi còn chưa thể yên”.
Có nhiều người thân khuyên ông Quang nên nghỉ ngơi một thời gian vì cứ đi biền biệt ngày này qua ngày khác như thế thì sức đâu nhưng ông không nghe, cứ hay tin báo của nhà ngoại cảm hay người nào chỉ dẫn là ông lại ngay lập tức lên đường.
“Mỗi ngày đều có người gọi điện báo tin về địa điểm nghi vấn và hàng chục cú điện thoại của phóng viên các báo, đài hỏi thăm về tình hình tìm kiếm tôi đều cố gắng trả lời đầy đủ vì biết họ đều đang quan tâm về vụ việc của cháu Huyền”, ông Quang chia sẻ.
Ông Quang cho biết, dù chưa tìm thấy thi thể nhưng gia đình đã chọn đất lập mộ ở khu vực Canh Diễn (Từ Liêm, Hà Nội), quê của anh Nguyễn Hữu Huy (chồng chị Huyền). "Mộ cứ để bỏ ngỏ đấy thôi, khi nào tìm thấy thi thể sẽ tiến hành an táng cháu. Thương nhất là mấy đứa trẻ nhà cháu Huyền, hai đứa suốt ngày dính lấy mẹ, đứa bé tối hay ngủ cùng mẹ giờ không có nữa, đêm nào cũng giật mình tỉnh giấc, không được một giấc ngủ trọn vẹn”.
Nhớ về những tháng ngày đi tìm kiếm chị Lê Thị Thanh Huyền, ông Quang cho biết: “Đó có lẽ là khoảng thời gian đáng nhớ nhất trong cuộc đời tôi. Do cả nhà đều bận công việc, tôi thì mới về hưu, sức khỏe vẫn còn nên đảm nhận việc đi tìm cháu, liên tiếp khi nhận được thông tin, tôi cùng người nhà lại tức tốc lên đường với hy vọng sẽ đưa được thi thể của cháu Huyền về với gia đình”.
Lần cùng chồng chị Huyền đi ra tận cửa biển Ba Lạt tìm thi thể, ông Quang bảo, hôm ấy, nghe tin từ những nhà ngoại cảm tiềm năng, ông cùng anh Nguyễn Hữu Huy đã thuê thuyền đi ra cửa biển, khi đến nơi cũng đã đến đêm, hai người phải ngủ lại trên thuyền, tối không có chăn đắp, mưa lạnh, hai cậu cháu phải ôm nhau ngủ.
“Đến sáng hôm sau, sóng to, gió thổi mạnh thuyền chòng chành bị mắc cạn, tôi và cháu Huy cùng chủ thuyền phải nhảy xuống biển để đẩy thuyền, ì ạch mãi hơn 1 tiếng đồng hồ mới đẩy được thuyền ra ngoài để đi về. Cũng may chuyến ấy không bị mất mạng”, ông Quang nói.
Đặc biệt, có lần nghe ở bến Hồng Vân (Thanh Trì, Hà Nội) có tin báo về thi thể người nổi trên mặt nước, đang ở tận Hưng Yên, ông Quang cùng người nhà vội vã đi tới nơi vì cứ ngỡ đó là chị Huyền. Thế nhưng, may mắn không mỉm cười, thi thể đó lại là của một nạn nhân xấu số khác.
Cảm kích trước tấm lòng của ông Quang, ông Lê Văn Viễn (77 tuổi, bố đẻ nạn nhân Huyền) bảo rằng: “Ông Quang đã bỏ hết công việc để đi tìm kiếm thi thể cháu Huyền, cứ nghe thấy tin là ông ấy lại đi từ cửa biển tới chui xuống cống, gia đình tôi biết ơn ông ấy vô cùng”.
Ông tiến sĩ lo chuyện bao đồng
Trong khi cuộc tìm kiếm thi thể nạn nhân Lê Thị Thanh Huyền gần như rơi vào bế tắc, người nhà đau đớn trong vô vọng thì bất ngờ vào ngày 3/12, Tiến sĩ Vũ Văn Bằng cùng đoàn các nhà khoa học vào cuộc tìm kiếm.
Bằng cách phân tích mẫu nước và dùng máy địa bức xạ, tiến sĩ Bằng đã xác định được những điểm nghi vấn trên sông cùng như trên cung đường ném xác của bác sĩ Nguyễn Mạnh Tường.
Tiến sĩ Vũ Văn Bằng cùng người nhà tìm kiếm xác chị Huyền.
Đáng lẽ tiến sĩ Bằng sau khi kết thúc tìm kiếm trên sông Hồng và đi hết đường ném xác trong khu vực nội thành là đã hoàn thành nhiệm vụ nhưng ông không từ bỏ mà quyết cùng gia đình tiếp tục tìm kiếm.
Tiến sĩ Bằng đã xác định được điểm ném xác trên cầu Thanh Trì từ đó là cơ sở để gia đình chị Huyền sàng lọc và thôi tìm kiếm theo những lời chỉ dẫn của nhà ngoại cảm rằng thi thể chị Huyền được phi tang tại một nơi khác.
Đặc biệt, trong suốt 2 tuần, tiến sĩ Bằng đã cùng ông Phạm Đức Quang cùng người nhà chị Huyền mang máy địa bức xạ đi hết những điểm nghi vấn có thi thể và còn về tận Hà Nam quê của bác sĩ Tường để tiến hành tìm kiếm.
Nói về hành trình tìm kiếm của mình tiến sĩ Bằng tâm sự: “Thời gian đầu xảy ra vụ việc, tôi đi nước ngoài công tác nên không hay biết, khi về nước, nhận lời mời của bên phía cơ quan công an, tôi cùng các nhà khoa học đã tham gia tìm kiếm. Khi được thấy, được nghe những lời tâm sự của người nhà nạn nhân tôi vô cùng đồng cảm và mong muốn cùng gia đình đi tìm kiếm thi thể”.
Ông Bằng cũng chia sẻ rằng, cho đến thời điểm hiện tại tuy chưa thể tìm thấy thi thể nhưng cũng đã xác định được những điểm mấu chốt để cơ quan công an và lực lượng tìm kiếm tiến hành điều tra, xác minh. Đặc biệt, nhờ có khoa học, gia đình nạn nhân Huyền cũng thôi bị “loạn” thông tin và có một lịch trình tìm kiếm rõ ràng hơn để không hao công, tốn của.
“Có người bảo tôi là đi lo chuyện bao đồng, không phải việc của mình mà sao ham thế, tôi chỉ cười vì đây là công việc tôi đã làm nhiều năm nay. Với trường hợp của chị Huyền, tôi nghĩ không chỉ riêng bản thân mà nếu là bất cứ nhà khoa học nào khác cũng sẽ cố gắng tận tình giúp đỡ họ”, tiến sĩ Bằng nói.
Công cuộc tìm kiếm thi thể của Tiến sĩ Bằng cùng với gia đình nạn nhân tuyệt đối là do ông tự nguyện chứ không hề đòi hỏi bất cứ một chi phí tiền bạc nào.
Theo Người Đưa Tin