Nguyễn Đăng Quang - ông chủ Masan
Ông chủ Masan dính tin đồn bị bắt vào cuối năm 2012, không lâu sau khi Nguyễn Đức Kiên, còn được gọi là bầu Kiên và hàng loạt lãnh đạo cấp cao của ngân hàng Á Châu bị cơ quan điều tra triệu tập. Thời điểm dính tin đồn bị bắt, ông Nguyễn Đăng Quang cho biết đang đưa con đi du học ở nước ngoài. Tin đồn xuất hiện trên một số phương tiện thông tin, sau đó dần lan rộng khiến dư luận, nhà đầu tư hoang mang.
Trước tin đồn bị bắt, ông Nguyễn Đăng Quang giải quyết bằng việc xuất hiện và phát biểu tại buổi lễ mang tính nội bộ. |
Để dập tắt tin đồng, ông Quang chọn cách xuất hiện trước truyền thông, trong lễ kỷ niệm 10 năm của Masan Consumer - một công ty con của Masan, ngay vào lúc tin đồn bùng phát mạnh nhất. Xuất hiện tại sự kiện này, với vai trò là người phát biểu mở đầu buổi lễ, ông Quang gần như đã dập tắt tin đồn thất thiệt trên thị trường trước đó. Song song với việc xuất hiện “người thật việc thật”, ông cũng lên tiếng mạnh mẽ bác bỏ các tin đồn thất thiệt liên quan đến mình.
Điều này đã tác động rõ rệt và ngay tức thời lên thị trường chứng khoán, với dấu hiệu ổn định tại mốc tham chiếu của cổ phiếu MSN trong bối cảnh hàng trăm mã khác giảm sàn.
Hồ Hùng Anh - Chủ tịch HĐQT Techcombank
Cùng thời điểm hàng loạt quan chức, đại gia Việt rơi vào vòng lao lý vào cuối năm 2012, ông Hồ Hùng Anh - Chủ tịch HĐQT ngân hàng Kỹ thương cũng dính tin đồn bị bắt. Một số thông tin trên thị trường cho biết, ông Hùng Anh cùng ông Nguyễn Đăng Quang đã bị cơ quan điều tra triệu tập để làm rõ một số vấn đề sai phạm pháp luật. Tuy nhiên, người phát ngôn trước truyền thông của Techcombank khẳng định, ông Hùng Anh không bị bắt và các tin đồn liên quan tới việc ông này bị tạm giữ để điều tra hoàn toàn thất thiệt, sai sự thật.
Chủ tịch HĐQT Techcombank chọn cách xuất hiện và chụp ảnh, phát biểu trước công chúng khi dính tin đồn bị cơ quan điều tra triệu tập |
Về phía ông Hùng Anh, cách dập tắt tin đồn được chọn là xuất hiện trước truyền thông. Cũng vì lý do này mà tấm ảnh chụp ông chủ Techcombank xuất hiện trong một buổi lễ xếp hạng tín nhiệm được chia sẻ rất nhiều trên các phương tiện thông tin đại chúng. Sau sự kiện nói trên, tin đồn về ông Hồ Hùng Anh bị cơ quan điều tra triệu tập cũng bị dập tắt.
Trần Bắc Hà – Chủ tịch HĐQT BIDV
Cũng vấp phải tin đồn bị bắt ở thời điểm tương đối nhạy cảm của năm 2012, ông Trần Bắc Hà - Chủ tịch HĐQT ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam có cách xử lý khá bài bản là nhờ đến cơ quan điều tra. Trước đó, ông cũng chọn cách dập tắt tin đồn tạm thời bằng việc xuất hiện trên các phương tiện thông tin đại chúng. Trả lời truyền thông, ông Hà cho biết, thông tin thất thiệt nói trên xuất hiện khi ông đang chủ trì buổi họp tại BIDV.
Sự cố tin đồn bị bắt xảy ra với ông Trần Bắc Hà có thể đem về cho những kẻ tung tin hưởng lợi hàng trăm tỷ đồng. |
Trong ngày Chủ tịch HĐQT BIDV dính tin đồn bị bắt, trên thị trường cũng xuất hiện 2 tin đồn khác là giá xăng có thể tăng 6% và Ngân hàng Nhà nước phá giá tiền đồng 2 - 3% so với tỷ giá ở thời điểm đó. Các thông tin nói trên đã khiến cho thị trường chứng khoán giảm mạnh. Chỉ trong hơn nửa ngày, gần 34.000 tỷ đồng (khoảng 1,6 tỷ USD) đã “bốc hơi” do vốn hóa giảm mạnh cả ở 2 sàn Hà Nội và TP.HCM. Cũng theo ông Hà, những kẻ tung tin đồn nói trên có thể đã kiếm được ít nhất 500 - 700 tỷ đồng từ các thị trường chứng khoán, vàng, tỷ giá.
Tỷ phú đôla Phạm Nhật Vượng
Bỏ qua tất thảy mọi tin đồn và tập trung vào công việc là cách ứng xử của ông Phạm Nhật Vượng. |
Nếu như tỷ phú này không chia sẻ về tin đồn, ít người biết, ông đã từng hơn một lần bị đồn chết hoặc sắp chết. “Các cụ đã có câu, chó cứ sủa, đoàn người cứ đi. Tôi cứ tập trung vào việc của mình thôi”, ông đã trả lời như vậy với truyền thông, khi được hỏi về các tin đồn liên quan tới nguồn gốc tài sản, việc kinh doanh, sức khỏe.
Theo đánh giá của những người đã từng tiếp xúc với tỷ phú này, ông là người điềm đạm, thẳng thắn khi bày tỏ quan điểm. Với những tin đồn liên quan đến mình, ông đối mặt bằng việc cứ làm những việc âm thầm, để rồi cho ra mắt các công trình, dự án mới.
Theo Zing