Được mệnh danh là những con bò "ăn cỏ non, nghe nhạc giao hưởng", thịt bò Kobe (thuộc vùng Kinki, Nhật Bản) được xem là loại đắt đỏ nhất thế giới. Nguyên nhân của việc thịt bò Kobe đắt đỏ là bởi chúng rất hiếm, do nguồn cung ít ỏi, chi phí chăm sóc cao cũng như chất lượng thơm ngon độc đáo. Dù ngày nay rất nổi tiếng và được săn mua trên toàn thế giới (người Nhật Bản muốn đặt mua cũng phải mất tới vài tháng chờ đợi), nhưng trong thời phong kiến (những năm 1600-1860), bò Kobe chỉ để sử dụng lấy sức kéo và người dân bị cấm giết mổ loài động vật vốn rất quan trọng với nền nông nghiệp Nhật thời đó. Ảnh: Tonymcnicol. |
|
Khi văn hóa phương Tây tràn vào Nhật Bản, loại thịt bò trứ danh này mới được khai thác làm thực phẩm. Tuy nhiên, sản lượng đàn bò này vẫn rất thấp. Tại Hyogo, trong 5.500 con bò được nuôi dưỡng, số lượng đạt tiêu chuẩn để ghi tên Kobe chỉ khoảng 3.000 con, một nửa trong số này được giết thịt để cung cấp ra thị trường mỗi năm. Như vậy, tính trung bình, mỗi ngày trên toàn thế giới chỉ có khoảng 3 con bò Kobe được giết thịt, tương đương 1,2 tấn thịt được cung ứng. Ảnh: Getty Images. |
|
Thông thường, 60% bê con sẽ sinh trưởng khỏe mạnh. Chúng được cai sữa khi đạt 8-10 tháng tuổi, rồi được chuyển cho các trang trại để bắt đầu quá trình nuôi tập trung, với khẩu phần ban đầu bao gồm thức ăn thô và thức ăn gia súc, như cỏ tươi xanh, cỏ ủ chua, rơm, phế phẩm từ các nhà máy đóng hộp. Ảnh: Tonymcnicol. |
|
Chúng được cho chăn thả, nhưng không quá xa chuồng trại. Mỗi trang trại chỉ được nuôi 10 - 15 con bò trong kỳ vỗ béo và vài ba con bê. Trong 10 tháng đầu kể từ khi cai sữa, bò Kobe chỉ được phép có cân nặng giới hạn 250 - 280kg/con. Ảnh: Tonymcnicol. |
|
Vào giai đoạn vỗ béo, những con bò được massage mỗi ngày. Thời gian massage phụ thuộc vào giai đoạn sinh trưởng của từng con, lượng mỡ trong cơ thể chúng. Yêu cầu quan trọng đối với người nuôi bò Kobe là mỡ và thịt của chúng phải được phân bố đều, trong đó, mỡ chiếm khoảng 35%. Trong thời gian này, người nuôi cũng không được phép để bò tăng quá 0,6kg/ngày. Ảnh: Tonymcnicol. |
|
Vào khoảng tháng 8 đến tháng 10 hàng năm, khi nhiệt độ ngoài trời lên tới 30 độ C, những con bò thường bị nóng và điều này khiến chúng bỏ ăn. Khi đó, người nuôi sẽ cho bò uống bia để kích thích vị giác của chúng, đồng thời giúp thức ăn dễ tiêu hóa hơn. Ảnh: Tonymcnicol. |
|
Tại các trại nuôi, bò Kobe được đóng dấu tai cẩn thận, và chúng cũng có giấy "khai sinh" riêng. Giấy này đảm bảo nguồn gốc thuần chủng của bò mẹ cũng như ba đời tổ tiên của con bò. Ảnh: Tonymcnicol. |
|
Bò lấy thịt được thiến để đảm bảo sự tinh khiết trong từng thớ thịt. Trải qua 18 - 19 tháng vỗ béo, những con bò có tuổi thọ khoảng 3 năm sẽ đạt tổng trọng lượng trên 700kg. Khi đó, chúng sẽ được phân loại theo chất lượng thịt để mang tên loại bò đắt nhất thế giới (Kobe) hay chỉ theo tên của trang trại. Ảnh: Tonymcnicol. |
|
Những con bò xuất chuồng phải được mổ ngay tại khu vực chăn nuôi, sau đó đóng dấu hàng loạt cơ quan chuyên trách Nhật Bản, trong đó có đơn vị chuyên quảng bá thịt bò Kobe. Những con bò đủ tiêu chuẩn sẽ được mang bán đấu giá. Con ngon nhất sẽ chỉ có tổng lượng thịt khoảng 470kg, và có mức giá tương đương 1 tỷ đồng. Ảnh: Getty Images. |
|
Thịt bò Kobe được chia thành 5 loại, từ A1 đến A5, với mức giá chênh lệch khá lớn. Điều làm nên sự khác biệt của bò Kobe chính là vị ngọt tan đầu lưỡi khi thực khách nếm chúng. Bởi toàn bộ quá trình nuôi bò chỉ được thực hiện tại một số vùng nhất định của Nhật Bản thì mới cho ra đúng loại thịt mang hương vị đặc trưng, nên giá bò Kobe luôn ở mức cao ngất ngưởng. Trung bình, mỗi kg thịt bò ngon được định giá từ 500 USD đến 3.000 USD. Ảnh: Tonymcnicol. |
Theo Zing