Theo luật sư Nguyễn Văn Hậu (Phó Chủ tịch Hội luật gia TP.HCM), cơ sở để các cơ quan chức năng thực hiện việc khám xét tiệm vàng Hoàng Mai vào ngày 24/4 là cho rằng có thanh niên đã đến đây đổi 100 USD ra tiền Việt Nam. Như vậy, trong trường hợp này chỉ có số tiền 100 USD được gọi là tang vật vi phạm hành chính, gần 15.000 USD còn lại, ngoại tệ khác và 559 lượng vàng SJC không phải là tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.
"Theo quy định của Luật xử lý vi phạm hành chính thì cơ quan chức năng không được quyền áp dụng biện pháp niêm phong hay thu giữ đối với số vàng và ngoại tệ còn lại. Tôi cho rằng, trong trường hợp này công an đã có dấu hiệu lạm quyền", ông Hậu nói.
Ngoài ra, luật sư Hậu cũng cho rằng, về mặt trình tự thủ tục, quyết định áp dụng biện pháp khám nơi cất giấu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính của các cơ quan quan chức năng quận Bình Thạnh đã không phù hợp với quy định của Luật xử lý vi phạm hành chính. Bởi quyết định này được Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thạnh ký một ngày trước khi có tang vật vi phạm hành chính. Đồng thời trên thực tế, cơ quan công an còn khám chỗ ở và niêm phong số tài sản khác rất lớn của chủ tiệm vàng.
“Trong quá trình thực thi công vụ, các cơ quan có thẩm quyền cần phải tôn trọng quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở và quyền được bảo hộ quyền sở hữu của công dân đã được Hiến pháp 2013 quy định. Việc lạm quyền của cơ quan công vụ trong bất cứ trường hợp nào cũng sẽ là vi hiến và cần phải xử lý nghiêm minh”, vị luật sư nêu.
Tiệm vàng Hoàng Mai. Ảnh: Q. T. |
Cùng quan điểm, luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch (Công ty Luật Anphana) nói thêm, thời điểm công an bắt quả tang, tiệm vàng Hoàng Mai không có bất kỳ một hành vi kinh doanh trái phép nào về vàng miếng và hiện nay Nhà nước cũng không cấm người dân cất giữ vàng miếng. Họ cũng không có nghĩa vụ cung cấp hóa đơn chứng từ về nguồn gốc số vàng mà mình đang cất giữ nếu cơ quan không chứng minh được là họ có hành vi kinh doanh trái phép.
Tuy nhiên, luật sư Trạch cũng cho rằng, thực tế hiện nay có rất nhiều tiệm vàng thu mua, bán công khai nhiều loại ngoại tệ mà không được sự cấp phép của các cơ quan có thẩm quyền. Cũng chính từ sự “bát nháo” này và để quản lý thị trường ngoại hối, Nhà nước đã ban hành nhiều Nghị định, Thông tư để kiểm soát. Việc các cơ sở, doanh nghiệp tư nhân mua bán kinh doanh vàng có thu đổi, mua bán ngoại tệ mà không được sự cấp phép của các cơ quan có thẩm quyền là hành vi vi phạm pháp luật. Cũng đã có nhiều cơ sở, doanh nghiệp bị các cơ quan chức năng theo dõi phát hiện, bắt quả tang và xử lý.
Vị luật sư cũng lưu ý rằng, theo quy định của pháp luật, khi phát hiện hành vi mua bán ngoại tệ trái phép, cơ quan chức năng không chỉ thu giữ số ngoại tệ này và cũng không chỉ xử phạt đơn vị kinh doanh thu mua mà ngay cả người giao dịch cũng bị phạt hành chính với số tiền rất lớn 50–100 triệu đồng. Vì vậy, để đảm bảo quyền lợi của mình không mất “cả chì lẫn chài”, người dân nên đến ngân hàng hoặc các trung tâm được phép mua bán, trao đổi ngoại tệ để thực hiện giao dịch.
Các luật sư cho rằng chủ tiệm vàng có quyền khiếu nại hoặc khiếu kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại từ việc niêm phong số tiền và vàng. Ảnh: A. X. |
Trong khi đó, phát biểu trên báo Tuổi Trẻ, Chánh văn phòng UBND quận Bình Thạnh Phan Văn Định cho rằng, căn cứ vào đề xuất của công an quận ngày 22/4, Chủ tịch UBND quận ký quyết định khám xét tiệm vàng Hoàng Mai vào ngày 24/4 nhưng do sơ suất nên ghi nhầm là ngày 23. Do đó, dù không có vụ bắt quả tang mua bán ngoại tệ trái phép thì vẫn có thể khám xét nhà bà Mai. Căn cứ để chủ tịch UBND quận ra quyết định khám xét được quy định tại điều 129, Luật xử lý vi phạm hành chính.
"Tìm kiếm tang vật gì thì phải dựa vào hành vi vi phạm có trong hồ sơ của Công an quận Bình Thạnh đề xuất, mà hồ sơ nghiệp vụ của ngành công an là tài liệu mật, chúng tôi không thể công khai được", ông Định nói.
Nói về quy định chủ tịch UBND cấp quận, huyện khám xét nơi ở của công dân để thu giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính nhưng chủ tịch quận Bình Thạnh đã ra lệnh khám xét cả nơi kinh doanh của bà Mai, người phát ngôn của UBND quận này cho biết, trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của bà Mai chỉ ghi địa chỉ cấp phép, không ghi rõ phạm vi là tầng trệt, tầng lửng hay toàn bộ tòa nhà như thế nào. Địa chỉ này cũng là nơi ở của bà Mai. Vì vậy, việc chủ tịch quận ra lệnh khám xét toàn bộ ngôi nhà là đúng, phù hợp quy định pháp luật.
Còn thượng tá Nguyễn Hoàng Thắng, Trưởng Công an quận Bình Thạnh cho biết, cơ quan này tiếp tục tạm giữ số ngoại tệ đã tạm giữ của bà Mai, để làm rõ các vi phạm có liên quan. Hành vi vi phạm tới đâu thì xử lý tới đó theo quy định pháp luật. Riêng về những vấn đề liên quan tới đề xuất chủ tịch UBND quận ra lệnh khám xét, quá trình khám xét và kết quả khám xét tạm giữ, niêm phong những gì, có đúng quy định hay không thì “chúng tôi đang kiểm tra lại, sẽ thông tin trong thời gian gần nhất”.
Trưa 24/4, tình nghi tiệm vàng Hoàng Mai thu đổi ngoại tệ trái phép sau khi bắt quả tang một thanh niên vào đổi 100 USD ra tiền đồng, Công an quận Bình Thạnh đã ập vào khám xét. Ngoài 100 USD tang vật, lực lượng chức năng còn thu giữ gần 15.000 USD, nhiều ngoại tệ khác và niêm phong gần 560 lượng vàng SJC trong két sắt và tủ của gia đình để điều tra về nguồn gốc. 3 ngày sau số vàng này được giải tỏa niêm phong.
Vụ việc cũng được Công an quận Bình Thạnh báo cáo với Công an TP.HCM.
Theo VNE