Đường tiêu thụ của xe gian, biển đẹp diễn ra thế nào?

Thứ sáu, 11/07/2014, 15:37
Mua chiếc xe máy cũ với giá rẻ, nhiều người có thể không biết đó là xe gian bởi từ đăng ký, số khung, số máy, biển kiểm soát đều có thể bị chúng làm giả.

Hé lộ đường dây làm biển giả, đăng ký giả

Đầu tháng 7, cảnh sát 141 (công an Hà Nội) cùng các cơ quan chức năng đã trao trả chiếc xe SH bị mất trộm cách đây 6 năm cho nạn nhân. Theo chủ xe, chiếc xe tay ga này khi qua dân buôn đã được đeo biển kiểm soát đuôi 8888 (biển này vốn của một chiếc xe khác).

Chiếc xe SH tìm về với chủ sau 5 năm lưu lạc.
Chiếc xe SH được trả về đúng chủ sau 6 năm lưu lạc.

Thực trạng xe máy đeo biển kiểm soát giả, hoặc tráo biển xe khác tham gia giao thông không còn lạ ở Hà Nội. Trong vai một khách đi mua xe máy cũ, PV theo chân Toàn, một “cò” xe để tìm hiểu rõ hơn về thực trạng này.

Không còn sôi động như vài năm trước đây, song nhắc đến hoạt động mua bán xe cũ, nhiều người nhớ ngay đến chợ xe Dịch Vọng, hay khu đường Láng, Chùa Vua, “chợ Giời” trên phố Huế.

Đến một cửa hàng trong chợ xe Dịch Vọng, bà chủ niềm nở khi thấy Toàn đi cùng khách lạ. "Em muốn mua xe gì, cửa hàng chị có hầu hết các loại, màu sắc đủ cả", bà chủ đon đả.

Thấy khách nói tìm mua Airblade cũ, người phụ nữ này hớn hở cười và cho biết loại xe này ở cửa hàng còn 2 chiếc

Đoán khách băn khoăn về nguồn gốc, biển số xe, bà chủ lập tức tiếp lời: "Xe tại cửa hàng chị, em cứ yên tâm về nguồn gốc, chất lượng sẽ bảo hành lâu dài".

Biển kiểm soát được làm giả tinh vi trên phôi thật.
Biển kiểm soát được làm giả khá tinh vi.

Như đã ưng chiếc xe vừa lựa, phóng viên hỏi mượn đăng ký rồi tỏ vẻ tò mò cách để nhận biết đâu là đăng ký, biển số giả - thật, chủ cửa hàng khoe gia đình có người quen trong ngành công an nên khi xe vào chợ đều đã qua sàng lọc. "Có vấn đề gì em cứ mang xe qua chị hoàn tiền", bà chủ khẳng định.

Vờ gật đầu chọn xe, PV ngỏ ý với anh bạn muốn mua một chiếc biển kiểm soát đẹp nên Toàn giới thiệu đến khu vực Chùa Vua (gần phố Huế, quận Hai Bà Trưng). "Anh cần biển đẹp loại gì bọn em cũng làm được hết", một thanh niên ở cửa hàng sửa xe máy kiêm làm biển số giả mời chào khi thấy khách vừa đến đầu phố.

Thấy nam thanh niên nói vừa bị cậy cốp, kẻ gian móc mất cả đăng ký xe, nhân viên cửa hàng tự hào bảo có quen cả một đường dây làm đăng ký - loại mà cả công an kiểm tra cũng khó phát hiện.

Đăng ký giả nhưng phôi thật

Nói về biển số giả, một cảnh sát giao thông (công an Hà Nội) khẳng định, chỉ cần nhìn bằng mắt thường lực lượng chức năng có thể xác định được đâu là biển số - đăng ký giả, thật.

"Quá trình kiểm tra giấy tờ, phương tiện bằng mắt thường, cảnh sát giao thông sẽ dựa trên bố cục biển số, con dấu, kiểu cách chữ in ấn để phán đoán, nhận diện, phát hiện các trường hợp khả nghi, tiến hành tra cứu kỹ", cảnh sát nói.

Theo một cán bộ Đội 6, Phòng cảnh sát hình sự (công an Hà Nội), thông thường khi tiêu thụ xe gian, không có giấy tờ, dân buôn sẽ tìm cách làm giả đăng ký để nâng giá bán, cũng như tạo lòng tin với người mua.

"Gọi là đăng ký giả nhưng có khi phôi lại thật. Tội phạm dùng hóa chất tẩy xóa các thông tin cũ rồi in đè tinh vi số mới lên phôi cho phù hợp", vị cán bộ chia sẻ.

Thượng úy Phạm Ngọc Thành (Đội phó đội cảnh sát giao thông số 6, công an Hà Nội) - người có nhiều kinh nghiệm trong việc phát hiện xe gian cho hay, nhiều người dân, nhất là tỉnh ngoài không hề biết mình mua phải xe gian, chỉ đến khi bị lực lượng chức năng kiểm tra giấy tờ, cho biết việc mới hay gặp “quả lừa”.

"Chúng tôi từng ghi nhận có trường hợp kẻ gian tẩy xóa số khung, số máy rồi tinh vi dập số mới mang đi tiêu thụ", thượng úy Thành cho biết thêm.

Lực lượng chức năng khuyến cao khi mua xe máy cũ, người dân nên nhờ người có kinh nghiệm, thợ xe đi cùng. Khi mua, cần có sự tham gia của 3 bên (chủ cũ, người bán và người mua) để làm thủ tục sang tên đổi chủ dễ dàng. Làm được như vậy, người dân sẽ tránh được “quả lừa”.

Theo Zing

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích