Gần đây dư luận xôn xao chuyện một người phụ nữ không chồng đã bán đi 5/7 đứa con của mình? Tuy nhiên có một sự thực phũ phàng khác mà nhiều người chưa biết. Chị từng là một cô gái xinh đẹp, nhưng sớm mồ côi cha mẹ và gặp nhiều trắc trở trong tình duyên. Chị đã bị trai làng hư hỏng lợi dụng, hãm hiếp trong suốt nhiều năm và trở nên điên loạn? Chính quyền địa phương có biết hay không trước hoàn cảnh của chị, các cơ quan chức năng cấp huyện thì tỏ ra bất ngờ khi hay tin sự việc động trời này.
Hồng nhan bạc phận
Đến đầu xóm 3, xã Lạng Sơn, huyện Anh Sơn (Nghệ An), hỏi nhà chị Nguyễn Thị Tâm, nhiều người cười và hỏi lại chúng tôi rằng: “Các anh đến thuê đẻ à…”. Bảy lần sinh, năm lần chị đã bán đi những đứa con, có đứa vừa lọt lòng để lấy tiền sống tiếp, đẻ tiếp.
Bác Nguyễn Văn Hạnh, một thợ sửa xe đầu làng cho chúng tôi biết: Chị Nguyễn Thị Tâm (44 tuổi) sinh ra trong một gia đình có ba chị em gái. Thuở xuân thì, Tâm đẹp nức tiếng trong vùng và trở thành mục tiêu săn đón của biết bao người đàn ông. Thế nhưng, sau khi hai chị gái lấy chồng, thương mẹ ở một mình nên chị Tâm khước từ mọi lời cầu hôn để nuôi mẹ. Năm chị ngoài 20 tuổi, mẹ chị qua đời và tưởng như sau khi làm trọn chữ hiếu, hạnh phúc đôi lứa sẽ đến với chị.
Nhưng cuộc đời ai học được chữ ngờ, bởi người đàn ông cùng làng tên là Trần Văn Tr., người đã theo đuổi chị cả chục năm trời, cùng chị lo lắng cho mẹ chị trong những ngày cuối đời lại không đủ bản lĩnh vượt qua những quan niệm và định kiến xã hội để đón chị về làm vợ.
Người ta kể rằng, khi hai người chuẩn bị làm đám cưới, họ đã rủ nhau đi xem bói. Thầy bói cho rằng, cung mệnh của hai người chỉ có thể sinh con đẻ cái với nhau nhưng không thể sống cùng nhà. Anh Tr. sau đó đã không đủ tự tin bảo vệ tình yêu của mình và mọi chuyện trở nên dang dở.
Chị Nguyễn Thị Tâm – người đàn bà bất hạnh |
Họ không làm đám cưới nhưng vẫn đi lại với nhau và thậm chí hai đứa con chung đã lần lượt ra đời. Cháu đầu tên là Nguyễn Trọng Thiện (SN 1989) và cháu sau là Nguyễn Thị Thương (SN 1996). Thế nhưng, cuộc tình của họ vẫn chỉ dừng lại ở việc vụng trộm, chẳng đâu vào đâu. Chị Tâm vẫn sống một mình trong căn nhà lụp xụp do người mẹ để lại. Ở bên kia quả đồi đối diện, anh Tr. cũng tự mình xây một căn nhà và sống cảnh đơn chiếc, không gia đình.
Năm lần sinh con tủi nhục
Đến đầu năm 1998, chị Tần lại mang bầu lần thứ ba. Cũng từ đây, người làng thấy chị không dịu dàng như trước nữa. Có những lúc người ta thấy chị gắt gỏng, nói năng tục tằn hơn. Cuộc sống của chị từ đây bắt đầu kín đáo hơn, ngôi nhà nhỏ ấy trở nên kín đáo lạ thường. Đêm đến, thi thoảng, người dân trong làng bắt gặp đôi ba bóng dáng đàn ông xuất hiện rồi vội biến mất.
Cậu con trai thứ ba ra đời vào cuối năm 1998 được đặt tên là Thôi. Cái tên Thôi với chị cũng đầy ý nghĩa nội tâm. Chị muốn nhắn nhủ với bản thân mình là chấm dứt những chuyện tình đau đớn, nghiệt ngã và vụng trộm trong đêm tối. Hơn hết, chị muốn tự hứa, sẽ không sinh thêm đứa con nào nữa.
Nhưng rồi, điều bất ngờ đã xảy ra khi vào năm 2002, người trong làng lại thấy chị Tâm mang bầu đứa thứ 4. Khi cậu con trai này lọt lòng thì chị đã bán cháu Thôi và cậu con trai sơ sinh ấy cho một người dân ở huyện Đô Lương. Việc chị Tâm bán một lúc hai đứa con khiến cho nhiều người tin rằng, chị đã bị tâm thần. Cũng từ ngày đó hai đứa con đầu của chị là Thiện và Thương cũng bỏ mẹ đến ở với dì, rồi vào Nam làm thuê kiếm sống.
Cứ mỗi khi màn đêm buông xuống, người ta nghe rất rõ những âm thanh man rợ, tiếng la hét, vật vã trong căn nhà rêu mốc, lụp xụp ấy. Sáng sớm, chị lại cầm dao, vác gậy đứng trước sân nhà chửi bới, trù ẻo đám đàn ông. Cuộc sống thường ngày của chị Tâm trong căn nhà hoang lạnh ấy, dần dần ít được người làng quan tâm, để ý đến.
Đầu năm 2004, nghe tiếng trẻ sơ sinh khóc lóc, họ mới nhận ra chị Tâm đã sinh hạ đứa con thứ 5. Cháu bé tên gì, bố nó là ai thì ngoài chị Tâm ra không ai có thể biết được. Bởi chỉ sau đó ít ngày, chị đã bán đứa con ấy về xã Lĩnh Sơn với giá… 300 ngàn đồng (?).
Cuộc sống của chị Tâm cứ thế trôi đi trong sự vô cảm của chính quyền địa phương và sự ruồng rẫy của người đời. Năm 2006 và năm 2011 chị sinh tiếp hai cháu trai và cũng cho người khác để lấy tiền. Có đứa khi bị dứt tình mẫu tử mới có 4 ngày tuổi.
Mặc dù bị tâm thần nhưng 7 lần chị Tâm sinh con đều ở trong căn nhà lụp xụp, không đèn, không điện. Cả 7 lần ấy, chị tự sinh mà không một ai hay biết; chị tự cắt rốn, tắm rửa cho con. Khi nghe tiếng khóc của trẻ con, xóm làng mới biết chị đã sinh con và đến thăm hỏi.
Cháu Phùng Thị Hải, một người cháu (con chị gái) của chị Tâm cho biết: “Trong cả 7 lần dì sinh, khi mọi người đến thì mọi thứ đều đã đâu vào đấy. Dì để con trong giường và tự mình đi ra sau giặt quần áo. Con của dì, đứa nào cũng xinh đẹp và khỏe mạnh”.
Hỏi về điều này, chị Tâm cho biết: “Mọi thứ với tôi rất dễ dàng, tôi không thấy đau đớn. Nhiều lần thành quen nên chưa bao giờ tôi gặp khó khi sinh cả, con tôi sinh ra bao giờ cũng khỏe mạnh…”.
Bị cưỡng hiếp…hóa điên dại?
Dân làng có người bảo chị Tâm bị điên, nhưng cũng có những người không tin vào điều đó. Chị Trương Thị Xuân, một hàng xóm tốt bụng của chị Tâm cho biết: “Tâm đáng thương lắm các chú ạ! Nhờ các chú kêu đến các cơ quan giúp nó. Là phận đàn bà với nhau tôi hiểu mà. Cả năm đứa con nó bán và cho ấy là cả 5 lần nó bị người ta hãm hiếp mà có thai đấy. Chúng tôi là những người tận mắt nhìn thấy. Trung niên trong làng, thanh niên ngoài làng cũng có, đủ tầng lớp”.
Theo lời kể của chị Xuân: “Có hôm mới 6 – 7h tối, có kẻ đã đến hãm hiếp Tâm. Còn lại, hầu hết là đêm khuya, chừng 11 – 12h đêm”. Chồng của chị Xuân là ông Võ Văn Lý tâm sự: “Biết đó nhưng không làm sao được, bọn đàn ông ngủ với chị Tâm đều lưu manh, có cả con nghiện, chẳng ai dám đến đó đâu, vì sợ bị trả thù. Khi nghe tiếng la hét của chị thì chúng tôi chỉ dám bật ánh điện lên để nó biết nó sợ thôi. Ban đầu thì nó còn biết sợ, nhưng sau thì không. Việc này phải nhờ đến công an, pháp luật thôi, các chú nên giúp chị ấy. Nếu công an đến, chúng tôi sẽ kể hết cho họ nghe mọi chuyện”.
Nhà của chị Tâm. |
Khi chúng tôi hỏi về việc này, chị Tâm đã rơi lệ: “Chuyện qua rồi, đừng bắt tôi phải nói ra họ là ai. Cũng là người làng đây, có cả anh em trong dòng tộc. Đêm nào họ cũng đến, bắt tôi phải chịu, tôi biết kêu ai, kêu sợ họ đánh, họ trả thù, họ dọa đốt nhà…”.
Một số người cho biết, trong xã có đám trung niên hay rượu chè. Chúng khi say xỉn rồi như thú tính, cứ tìm đến nhà chị Tâm để giải cơn khát dục. Trong xóm có vài ba người thi thoảng ghé qua nhà bắt ép chị. Rồi có cả những thanh niên choai ngoài xã cũng tìm đến.
Chị Nguyễn Thị Tân, chị gái chị Tâm cho biết: “Nghe em nó kể, thương em nhưng không biết làm sao được. Chính quyền ở đây thiếu trách nhiệm lắm. Em nó sống độc thân, bị bệnh tật như vậy nhưng lại bị cắt hộ nghèo, chẳng có một chế độ nào cả”.
Các cơ quan chức năng bất ngờ trước thông tin sự việc động trời này
Còn cháu Phùng Thị Hải, cháu của chị Tâm đưa cho chúng tôi một lá đơn kêu cứu rồi nói: “Gia đình cháu có đơn gửi cho UBND xã rồi nhưng họ bảo, việc này phải nộp bên công an. Cháu đưa sang công an nộp, họ lại bảo, đơn này là nên nộp bên phụ nữ. Cháu đưa sang bên phụ nữ nộp, họ lại bảo, chuyện tâm thần không nộp ở đây được. Thế là cháu đưa đơn về, xin gửi cho các chú xem”.
Khi chúng tôi trao đổi với các cơ quan chức năng huyện Anh Sơn, họ đều ngỡ ngàng. Bà Nguyễn Thị Thanh Nga, phó chủ tịch Hội LHPN huyện Anh Sơn thừa nhận: “Trách nhiệm này là của chính quyền và các đoàn thể cấp xã. Chúng tôi cũng có lỗi khi sự việc xảy ra lâu nhưng chậm nắm bắt. Ngay đầu tuần tới, hội sẽ lập đoàn xuống kiểm tra, tìm hiểu, kiến nghị các cấp xử lý”.
Tương tự như bà Nga, một cán bộ Phòng LĐTB – XH huyện này phân trần: “Chuyện ở địa phương nếu xã không báo cáo lên, huyện cũng khó mà biết được. Nếu sự việc đúng như phản ánh thì chính quyền cơ sở đã rất thiếu trách nhiệm”.
Thượng tá Thái Khắc Thống, Phó trưởng Công an huyện Anh Sơn tỏ ra bất ngờ: “Tôi đã làm việc tại huyện này 8 năm. Chuyện chị Tâm bị hãm hiếp như vậy, giờ tôi mới nghe. Chúng tôi sẽ thành lập tổ điều tra để làm rõ việc này. Nếu đúng như vậy thì đây thật sự là chuyện nghiêm trọng rồi”.
Khi tiễn chúng tôi ra về, nhiều người dân ở xóm 3, xã Lạng Sơn cũng như gia đình chị Tâm cầu mong chúng tôi hãy bảo vệ họ. Họ là những người nông dân hiền lành, lương thiện và nơm nớp lo sợ bị kẻ xấu trả thù. Cũng chính vì sự lo sợ ấy mà chị Tâm đã phải nhẫn chịu những hành vi thú tính của những kẻ đồi bại hàng chục năm trời mà không được sự can thiệp, giúp đỡ của xóm làng, người thân.
Theo Báo Đất Việt