|
Nhiều kiện hàng bị rách, bóc dỡ khi mới đến các sân bay. Ảnh: Phạm Anh |
Ngày 11/6, theo quan sát của PV Tiền Phong cùng đoàn công tác của Cục Hàng không kiểm tra an ninh tại sân bay Tân Sơn Nhất, nhiều túi, kiện hàng của khách ở khu vực quốc tế đến bị bung khóa, rách, ọp xẹp… khi đưa khỏi container của tàu bay.
Chủ một kiện hàng bị “bung” là chị Sang (Long An) bay từ Mỹ về. Chị Sang đi từ Houston (Mỹ), quá cảnh qua Moscow (Nga) và Singapore mới về đến Tân Sơn Nhất. Theo dòng chữ dán trên kiện hàng, được biết, gói hàng này đã bị cơ quan an ninh của Mỹ mở kiểm tra.
Khi mở kiện hàng kiểm tra, chị Sang phát hiện một số gói thực phẩm đã bị đánh cắp. Tuy nhiên, vị khách này không khiếu nại lên cơ quan chức năng. Theo an ninh sân bay, trường hợp như chị Sang đều được nhân viên chụp ảnh lại để lưu hồ sơ, để chứng minh rõ nhân viên sân bay “không ăn gì” ở đó.
Ông Tô Tử Hùng, Phó trưởng Phòng An ninh hàng không (Cục Hàng không Việt Nam) kể: Đầu tháng 6, một nhân viên vệ sinh của Vietnam Airlines (tại Tân Sơn Nhất) bị lực lượng an ninh phát hiện mang theo một chiếc điện thoại Iphone 4 giấu trong quần lót. Anh ta nói nhặt chiếc điện thoại trên ở máy bay chứ không móc trộm. Tuy nhiên, qua kiểm tra, chúng tôi xác định được chiếc điện thoại trên là của hành khách người Hàn Quốc và trả lại. Nhân viên đó đã bị phạt 7,5 triệu đồng vì lý do không trung thực.
Theo ông Hùng, năm 2014, có 48 vụ việc báo cáo về hành khách bị mất cắp tài sản. Từ đầu năm đến 1/5/2015 có 25 vụ việc. Nhân viên của các hãng Vietnam Airlines, Jetstar pacific…đều có liên can.
Là đơn vị phục vụ mặt đất các hãng hàng không tại Nội Bài, ông Phương Hồng Minh, Phó Tổng giám đốc Công ty phục vụ mặt đất Hà Nội (HGS) cho biết, hành lý của khách dễ bị mất cắp tại hầm tàu bay và khu vực phân loại hàng hóa. Những nhân viên bốc dỡ được ví von là những “bàn tay vàng” vì họ phát hiện đồ vật gì trong hành lý rất nhanh.
Để ngăn ngừa việc “chôm” hàng của khách, công ty yêu cầu nhân viên bốc xếp không được mang đồ vật giá trị (tiền, điện thoại, máy tính bảng…) vào khu làm việc. Đồng phục của nhân viên thiết kế không có túi. “Đời sống, chế độ của nhân viên chúng tôi thấy ổn,… nhưng khách vẫn phản ánh bị mất đồ trong túi hành lý”, ông Minh nói.
Móc ngoặc “chôm” đồ?
Phó Cục trưởng Đào Văn Chương băn khoăn: “Liệu có hay không sự móc ngoặc, thông đồng giữa nhân viên sân bay với lực lượng bốc xếp để trộm đồ trong hành lý của khách?”. “Không có sự thông đồng giữa nhân viên soi chiếu và nhân viên bốc xếp. Nếu có, tôi sẽ chịu trách nhiệm”, ông Hoàng Thanh Quang, Giám đốc Trung tâm An ninh hàng không (Sân bay Nội Bài) khẳng định.
Theo ông Quang, hành lý của khách bị mất cắp chỉ có hai đối tượng là khách lấy của nhau, hai là người của hàng không lấy. “Tuy nhiên, làm rõ hành lý bị lấy ở Nội Bài hay là đến Nội Bài rồi khai báo mất? Đồ bị lấy thì cất dấu ở đâu, mang đi ra sao… Tại sao hệ thống an ninh tốt vẫn để lọt! Các anh em làm việc quần áo không túi, nhưng còn đế giầy, nơi cất giấu nào khác thì sao?”, ông Quang chỉ rõ.
Ông Cao Văn Thái, Phó trưởng Ban An ninh An toàn (Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam) cho rằng, việc chống mất cắp “lắm văn bản nhưng chưa đủ đô để giết con vi rút ăn cắp”. Lực lượng an ninh hàng không chưa bị phát hiện trong đường dây, nhưng cũng không loại trừ.
Theo Tiền Phong