Trong khi nạn “đinh tặc” đang nở rộ trở lại ở TP HCM và các tỉnh lân cận thì đây là vụ hiếm hoi bị bắt tận tay, day tận trán.
Động cơ của vợ chồng Long cũng như mọi “đinh tặc” khác là rải vật nhọn, sắc để làm thủng ruột xe của người đi đường. Họ phải vào tiệm (của chính “đinh tặc” hoặc đồng bọn ở gần đó) để thay ruột xe với giá cắt cổ. Nạn nhân có biết chuyện cũng phải ngậm đắng nuốt cay, phần vì thiếu bằng chứng phần vì không còn lựa chọn nào khác.
Nạn rải đinh đã “ra đời” khoảng 20 năm nay, có thời điểm rộ lên như dịch, có lúc lắng xuống bởi sự trấn áp của các cơ quan chức năng. Tuy vậy, dẹp “đinh tặc” giống như “chặt đầu Phạm Nhan”, chưa bao giờ triệt hẳn được, đồng nghĩa rằng người đi đường luôn phải đối mặt với những cái bẫy chết người.
Không chỉ gây thiệt hại vật chất, “đinh tặc” còn là kẻ sát nhân. Một trưa đầu tháng 7 cách đây 5 năm, 2 thanh niên đi xe máy hướng từ Đồng Nai về TP HCM, khi đến đoạn thuộc xã Bình Thắng, thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương thì bất ngờ bánh sau bị xẹp khiến xe mất thăng bằng làm cả hai ngã xuống đường. Cùng lúc, xe tải đi cùng chiều trờ tới cán ngang làm 1 người chết tại chỗ và 1 người bị thương nặng. Tại hiện trường, người dân càng hãi hùng khi phát hiện những chiếc đinh tự chế còn găm trong bánh xe của 2 nạn nhân.
Đau đớn hơn cho các nạn nhân là vụ này không tìm được hung thủ. Họ chết và bị thương một cách oan ức bởi hành vi cố ý giết người mà chẳng ai chịu trách nhiệm. Còn bao nhiêu vụ như thế nữa, rất nhiều nạn nhân từ bị hủy hoại tài sản đến mang thương tật suốt đời bởi nạn rải đinh vậy mà kẻ thủ ác vẫn ngoài vòng pháp luật, tiếp tục thách thức, trêu ngươi và gieo rắc nỗi ám ảnh.
Đây đó có thời điểm tưởng đã đẩy lùi được “đinh tặc” bởi sự xung kích của các CLB “hiệp sĩ” nhưng cách làm đó hoàn toàn không ổn. Trong khi đã có đầy đủ cả hệ thống các cơ quan công quyền thì tại sao chống lại loại tội phạm thâm hiểm và dai dẳng như “đinh tặc” mà phải dựa vào những lực lượng tự phát với “tinh thần Lục Vân Tiên”?!
Hầu hết các vụ đều khó lượng hóa thiệt hại nên “đinh tặc” chỉ bị xử phạt hành chính. Thoát hình sự hóa nên chúng không sợ. Đây chính là điểm mà các nhà làm luật cần nghiên cứu bổ sung trong lúc Bộ Luật Hình sự (sửa đổi) đang được bàn thảo tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII.
Ngoài ra, không thể bỏ qua trách nhiệm của các lực lượng hữu trách. Nếu các địa phương liên kết lại, thường xuyên tổ chức trấn áp bằng nhiều hình thức và vận dụng tối đa công cụ pháp lý để trừng phạt thì “đinh tặc” làm gì còn đất sống. Và nữa, những cấp cao hơn sao không đặt ra chế tài đối với lãnh đạo các địa phương: Nơi nào để xảy ra nạn rải đinh, lãnh đạo địa phương ấy phải bị xử lý trách nhiệm?!