Vì sao "cuộc hẹn đánh nhau" của 2 teengirl lại kéo được lượng "fan" cuồng nộ đến vậy?

Thứ ba, 04/08/2015, 09:09
Đám đông "diễu hành" trong tiếng gào thét, cổ vũ, đám đông tạo ra cảnh tượng hỗn loạn như thể có ngôi sao nổi tiếng nào đó bất ngờ xuất hiện. Rồi cuối cùng, ai nấy đều "choáng" khi vỡ lẽ nguyên nhân chỉ vì một lời "hẹn nhau gây chiến" trên Facebook giữa 2 teengirl Sài thành.

Vụ việc hàng trăm người, đa phần là những người trẻ bỗng dưng tập trung đông đúc bất thường tại phố đi bộ Nguyễn Huệ từ 19h đến 20h tối 3/8 khiến nhiều người bất ngờ. Các tuyến đường dẫn vào phố đi bộ bỗng dưng bị ùn ứ dù đã hết giờ cao điểm, số lượng xe gửi tại các điểm giữ xe xung quanh phố đi bộ cũng đông đúc như ngày lễ. Rất đông các gia đình, trẻ nhỏ đang vui chơi và chờ xem nhạc nước tại phố đi bộ bị "choáng" khi xuất hiện các đám đông gào thét, quay clip, hô hào khẩu hiệu.

Hàng trăm người bất ngờ kéo đến vây kín phố đi bộ Nguyễn Huệ vào tối 3/8 - (Ảnh: Facebook)

Khi biết nguyên nhân gây ra sự hỗn loạn là do có một "cuộc hẹn" xuất phát trên Facebook giữa 2 cô gái để giải quyết mẫu thuẫn, nhiều người càng bất ngờ hơn. Một facebook-er bình luận sự việc: "Chỉ 2 cô gái mà có thể lôi kéo được hàng trăm người tập trung tại một địa điểm gây mất trật tự đến thế? Không hiểu giới trẻ đang nghĩ gì hay chỉ muốn hùa theo cho vui, thỏa mãn sự hiếu kỳ?"

Chân dung cô gái được cho là nhân vật chính gây ra tình trạng trên - (Ảnh: Facebook)

Trên mạng xã hội, nhiều tài khoản facebook cũng chụp được ảnh đám đông này và nhận xét: "Lại thêm một kiểu rủ nhau đi thành băng nhóm để "phô trương" thế lực. Có lẽ các em vẫn chưa ý thức được hành vi của mình là vi phạm pháp luật mà chỉ muốn chứng tỏ bản lĩnh, cá tính."

Hình ảnh được đăng tải trên trang cá nhân của 1 trong 2 đối tượng cùng nhóm bạn - (Nguồn: Facebook)
Facebook tên N.H.A thì thể hiện sự lo lắng: "Ôi trời đất ơi, 2 con bé vắt mũi chưa sạch mà có thể khiến cả 1 con đường giữa trung tâm Sài Gòn náo loạn đông nghẹt, thực sự chính thức sợ sự a dua a tòng trên cái cộng đồng mạng này rồi!"

"Không hiểu nổi" là trạng thái của rất nhiều người dùng mạng xã hội khi chứng kiến câu chuyện này.

Trước đó, trên facebook của 2 cô gái tên V.H.T.V và H.V đều có đăng tải các đoạn clip nói về cuộc hẹn “giải quyết” đầy căng thẳng lúc 19g tối ngày 3/8 và thu hút hàng chục nghìn lượt like, theo dõi.
Trên thực tế, dễ dàng nhận ra 2 cô gái tuổi teen này chưa hề có hoạt động gì nổi trội, không xinh xuất sắc mà cũng chưa thể gọi là "hot girl". Trước khi sự việc này xảy ra, T.V hay H.V cũng hoàn toàn là những cái tên xa lạ, ít người biết đến. Nhưng điều kỳ lạ là lượng followers trên Facebook của hai cô nàng này rất lớn, lên đến cả trăm nghìn người. Ngoài nội dung liên quan đến sự vụ tối qua, rất nhiều hình ảnh, clip, các status khác, dù bình thường nhưng cũng thu hút rất nhiều người theo dõi, bình luận.
Chỉ cần một dòng status up lên là như được lập sẵn chế độ tự động, ngay lập tức rất nhiều "fan cuồng" vào hô hào em thích chị từ tính cách đến style; rồi xin kết bạn... Điều này khiến dư luận tự hỏi, phải chăng hình mẫu "thần tượng" của nhiều teen bây giờ đã thay đổi, không cần xinh, chẳng cần giỏi hay tài, chỉ cần tỏ ra "điên, ngông", ăn nói bất cần đời, thách thức là có ngay lượng fan hùng hậu.
Thậm chí khi sự việc xảy ra, mạng xã hội lập tức "dậy sóng" và chia thành 2 phe đối lập, các fanpage ủng hộ cũng như anti các nhân vật chính liên tục được mở ra, với vô số lời bênh vực "vô điều kiện" mà không cần biết đúng sai.

Một hình ảnh của V.H.T.V có thể thu hút đến hơn 30 nghìn lượt like và hơn 4 nghìn bình luận.
Trong khi đó, cô gái H.V cũng có một lượng fan đông đảo, lập cả fanpage để ủng hộ mình.

Giải thích về nguyên do vì sao hàng nghìn bạn trẻ "hào hứng" rủ nhau đến phố đi bộ chỉ vì biết thông tin sắp có một vụ "giải quyết" mâu thuẫn trên facebook, PGS.TS Tâm lý Huỳnh Văn Sơn cho rằng không phải ai cũng có thể kiểm soát mình, quản lý bản thân trước những sự hấp dẫn của thông tin, sự "đình đám" của một sự vụ. Đó là mấu chốt dẫn đến sự lôi kéo của người này hay người khác

Các đối tượng đi theo cổ vũ, kích động cũng được đưa về Công an phường Đa Kao (Quận 1) để xem xét xử lý hành chính - (Ảnh: Quỳnh Trân)
"Có thể nói mạng xã hội trở nên quá thông dụng và sự lan tỏa của nó quá nhanh chóng đến mức khó kiểm soát. Thực chất của hành động kéo đến xem trận chiến theo lời hẹn xuất phát từ sự tò mò thiếu tiết chế của khá nhiều người. Hơn thế nữa, đó là biểu hiện của hội chứng đám đông, hội chứng của sự lôi kéo thụ động để bị cuốn theo vòng xoáy của thông tin, cảm xúc và sự hiếu kỳ của con người", PGS. TS Huỳnh Văn Sơn cho biết.

Trên thực tế, việc đám đông facebook hùa theo một sự việc để ném đá, lên án, chia sẻ thông tin một cách vô ý thức xảy ra rất nhiều trong thời gian gần đây. Người ta sẵn sàng ném đá một nữ sinh bị quay cảnh nóng, tích cực chia sẻ những tin đồn giật gân câu like, hoặc thấy bạn bè đang lên án ai thì mình cũng lập tức lên án người đó dù chưa biết thực hư ra sao. PGS Sơn cho rằng, thái độ ném đá thiếu cân nhắc, thái độ hùa theo, kích động quá mức bởi những nhóm đông hay những cá nhân là điều rất dễ xảy ra.

"Việc sống quá nhanh, quá lệ thuộc vào những giá trị thiếu cân bằng, những giá trị thiếu sự cân đối và nhân văn đẩy người ta đi đến những sự lựa chọn mang tính chủ quan và thiếu kiểm soát. Hơn nữa, chính những người trẻ và kể cả những người trẻ về quan điểm sống dễ bị sức mạnh của đám đông đặc biệt vũ khúc của sức mạnh nhóm, sức mạnh của sự hiếu kỳ lan tỏa lôi kéo mà ít trụ lại được hay cân bằng", PGS nói thêm.

Đến thời điểm hiện tại, sự việc đám đông náo loạn được lôi kéo bởi 2 cô gái trẻ vẫn là câu chuyện rúng động mạng xã hội vào tối nay. Không ai có thể tin rằng chỉ vì tò mò, hiếu kỳ mà giới trẻ có thể "phủ sóng" toàn con phố đi bộ lớn nhất trung tâm Sài Gòn. Tâm lý tò mò bất chấp mọi thứ của giới trẻ thực sự là hồi chuông báo động về căn bệnh mang tên tâm lý đám đông.
Theo Tri Thức Trẻ

Các tin cũ hơn