Bài 4 - Bao cao su vẫn chưa sẵn có 100%

Thứ năm, 29/10/2015, 10:54
Đó là ý kiến của bà Nguyễn Thị Huệ, Trưởng phòng truyền thông can thiệp và huy động cộng đồng - Ủy ban Phòng chống AIDS TP.HCM.

Bà Huệ cho biết chương trình 100% sử dụng bao cao su nhằm đảm bảo tính sẵn có của bao cao su mọi lúc, mọi nơi ở các cơ sở lưu trú để dự phòng lây nhiễm HIV và các bệnh lây truyền qua đường tình dục. Chương trình này đã được truyền thông rộng khắp ở thành phố thông qua việc phối hợp giữa các sở, ban ngành và chủ các cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú với nhau.

Một buổi sinh hoạt tuyên truyền kiến thức pháp luật, phòng chống lây nhiễm HIV của chị em đồng đẳng trong CLB Chúng tôi là phụ nữ, CLB Sen xanh

Tuy nhiên, sự phối hợp này vẫn còn lỏng lẻo, việc phân công vai trò, trách nhiệm của các bên vẫn chưa rõ ràng và còn khoảng trống. Bao cao su chưa được xếp là tiêu chí đánh giá và nằm trong danh sách dịch vụ của khách sạn và nhà nghỉ. Hiện nay vẫn còn tình trạng một số cơ sở cấp trên nắm vững quy định nhưng truyền đạt xuống cơ sở địa phương còn thiếu sót dẫn đến việc người dân ngại để bao cao su cho khách dùng.

Không có cơ sở nào công khai thông tin về bao cao su vì sợ công an, dân phòng sẽ quy kết cổ xúy cho tệ nạn mại dâm. Nhiều chủ cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú ban đầu tham gia nhiệt tình nhưng sau này ngại nên dần dần cất bao cao su vào tủ, khóa lại. Vì thế, tính sẵn có vẫn đáp ứng nhưng không thuận tiện cho khách hàng khi cần đến.

Bà Huệ cho rằng một hạn chế khác nữa là theo chương trình, bao cao su chỉ được quy định đặt ở các khách sạn, nhà nghỉ, làng du lịch… Trong khi đó, những nơi tập trung đối tượng có nguy cơ cao cần được triển khai thực hiện điều này là các cơ sở vui chơi giải trí như massage, tắm hơi, quán bar, hớt tóc thanh nữ…

Để khắc phục các vấn đề trên, theo bà Huệ, cần xác định nhóm đích cho chương trình là nguồn lây nhiễm HIV cho cộng đồng như nhóm hoạt động mại dâm, ma túy, tình dục đồng giới, từ đó đề ra biện pháp can thiệp giảm tác hại, giảm sự lây lan các bệnh xã hội.

Tệ nạn mại dâm đã và đang gây nguy cơ lây lan các bệnh xã hội, HIV/AIDS lây qua đường tình dục do quan hệ tình dục không an toàn (tỉ lệ người nhiễm HIV qua đường tình dục ngày càng gia tăng, đến 45%, chiếm tỉ lệ cao nhất trong các đường lây truyền khác); tỉ lệ hiện nhiễm trong nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới là 3,9% (tăng gần hai lần so với năm 2012); người hoạt động mại dâm thường bị bạo lực, chiếm đoạt tài sản, tiền bạc, bóc lột tình dục; bị kỳ thị, xa lánh, khó tiếp cận với các dịch vụ xã hội.

Theo PL TP.HCM

Các tin cũ hơn