Đầu độc rừng thông bằng hóa chất
Trong lúc chỉ đường cho chúng tôi băng rừng vào TK 262B xã Mê Linh (huyện Lâm Hà, Lâm Đồng) (lâm phần do Ban Quản lý rừng phòng hộ (QLRPH) Nam Ban quản lý, bảo vệ), người dân bức xúc phản ánh ông Chử Minh Hiếu (Phó Ban QLRPH Nam Ban) cùng cháu là Nguyễn Thanh Tịnh (sinh năm 1990, trú ngay tại vườn nhà của ông Hiếu ở tổ dân phố Bạch Đằng, Nam Ban) đã bao chiếm nhiều diện tích rừng và đất rừng tại khoảnh 1, TK 262B để trồng cà phê trái pháp luật.
Đáng lưu ý, đây là khu rừng mà địa phương đã bỏ kinh phí ra trồng từ năm 1994 và đang giao cho các hộ dân ở thôn Cổng Trời quản lý bảo vệ.
Người dân địa phương kể ông Hiếu cùng cháu đã bao chiếm rừng thông này từ năm 2014, ban đầu là vài ngàn mét vuông, sau đó mở rộng tới 1,2ha bởi đất ở khu vực đang lên giá. Hiện một héc ta cà phê ra trái bói có giá trên dưới 800 triệu đồng.
Điệp khúc giải tỏa- trồng lại
Trưởng ban QLRPH Nam Ban Lê Hồng Nhân cho biết Ban phải quản lý tới 23.641ha rừng và đất lâm nghiệp trải rộng trên địa giới hành chính của 11 xã và thị trấn thuộc huyện Lâm Hà và ông Hiếu là Phó ban đảm trách công tác quản lý bảo vệ rừng của đơn vị.
Ông không hay biết gì về những việc làm sai trái của cấp phó cho đến khi xảy ra vụ việc nghiêm trọng - đầu độc rừng thông ở TK 262B. Ông đã yêu cầu Trưởng Trạm Quản lý bảo vệ rừng Mê Linh - Nam Ban là bà Nguyễn Thị Thủy giải trình vì sao vụ việc xảy ra từ năm ngoái mà không có biện pháp ngăn chặn, xử lý.
Bà Thủy thừa nhận ngày 7/7/2014, cán bộ tiểu khu là ông Trần Văn Cảnh cùng các hộ nhận khoán bảo vệ rừng đã phát hiện ông Tịnh cùng một số người trồng cà phê dưới tán rừng. Cán bộ đã yêu cầu những người này di dời số cây cà phê ra khỏi khu vực lấn chiếm nhưng họ không chấp hành.
Hôm sau, cán bộ và những người quản lý bảo vệ rừng đã tiến hành nhổ toàn bộ số cây cà phê đã trồng. “Việc giải tỏa này không thành lập đoàn và không làm biên bản do số lượng cây ít” (?!), bà Thủy phân trần, trong khi dư luận cho rằng cán bộ Trạm không dám tố những việc liên quan đến Phó ban vì sợ bị trù dập.
Cũng theo bà Thủy đến đầu tháng 9/2015, khi Trạm tiến hành kiểm tra thì phát hiện ông Tịnh tái lấn chiếm rừng để trồng cà phê và trong diện tích này có 53 cây thông ba lá bị xì nhựa trắng, một số cây có hiện tượng vàng, héo ngọn mà theo cảm nhận của bà là do bị chích thuốc hóa học. Trạm đã báo cáo vụ việc với Ban và một lần nữa tiến hành nhổ bỏ cà phê.
“Nhận được tin báo của Trạm, tôi đã trực tiếp vào hiện trường để xác minh làm rõ vụ việc”, ông Nhân cho biết, qua nắm bắt thông tin từ cán bộ quản lý TK 262B và người dân địa phương thì toàn bộ diện tích rừng bị chiếm là do ông Hiếu và cháu của ông làm.
Ban đã yêu cầu báo cáo tường trình nhưng ông Hiếu vẫn chưa thành khẩn nhận lỗi và trách nhiệm. (Ông Hiếu chỉ nhận đã tự ý cho cháu trồng cà phê dưới tán rừng từ năm 2014 đến nay). Bởi hành vi vi phạm này gây thiệt hại lớn về tài nguyên rừng và đất lâm nghiệp, gây bức xúc và làm mất lòng tin của người dân nên Ban đã đề nghị UBND huyện Lâm Hà chỉ đạo các cơ quan chức năng sớm vào cuộc điều tra.
Chủ tịch UBND huyện Lâm Hà, Nguyễn Đức Tài cho biết đã chỉ đạo Công an huyện điều tra làm rõ vụ phá rừng nổi cộm này để xử lý theo quy định, nếu là cán bộ sai phạm thì càng phải xử lý nghiêm. Huyện cũng đã chỉ đạo phòng Nội vụ tìm cán bộ trong sạch đưa về củng cố bộ máy lãnh đạo của Ban QLRPH Nam Ban. |
Theo Tiền Phong