Xét xử vụ sập giàn giáo làm 13 người chết ở Hà Tĩnh: Người điều khiển kích thủy lực không có chứng chỉ hành nghề!

Thứ tư, 16/12/2015, 15:37
Đúng 8h15 hôm nay (16.12), TAND tỉnh Hà Tĩnh mở phiên sơ thẩm xét xử 4 bị cáo vi phạm quy định về an toàn lao động trong vụ sập giàn giáo làm 13 người chết, 29 người bị thương ở Vũng Áng hồi cuối tháng 3.2015.
4 bị cáo có mặt tại phiên tòa sáng 16.12.

Đến 11h50: phiên tòa tạm dừng, chủ tọa thông báo, buổi chiều đúng 13h30 phiên tòa sẽ tiếp tục.

11h

Sau phần công bố cáo trạng, chủ tọa phiên tòa hỏi bị cáo Đức. Bị cáo Đức cho biết, phụ trách điều khiển kích thủy lực từ số 17 - 32. Trước khi thực hiện công việc, Đức không được đào tạo về chuyên môn điều khiển kích thủy lực đúc giếng chìm.

Dù Đức không được học qua trường lớp nhưng được cán bộ kỹ thuật của Cty SamSung có hướng dẫn qua về cách vận hành chứ không có bằng cấp chứng chỉ để thực hiện chuyên môn công việc.

Khi chủ tọa hỏi "Trách nhiệm bị cáo thế nào khi không có chứng chỉ, pháp lý hành nghề mà vẫn hành nghề thì vi phạm pháp luật đúng không", bị cáo Đức trả lời đúng.

Đức tiếp tục khai, khoảng 19h30, nghe tiếng động nên cầm bộ đàm nói với Hoàn kiểm tra. Bị cáo Đức kiểm tra kích 17 - 32 thì phát hiện kích 22 và 24 tụt khoảng 5 - 6cm. Sau đó có báo cho Hoàn chỉnh giàn nâng 2 kích đó ngang bằng với các kích khác nhưng không báo với ông Kim Jong Wook - chỉ huy trưởng công trường và ông Lee Jea Myeong - đốc công.

Sau khoảng 15 phút trở lại làm việc thì Tuấn phát hiện kích 15 và 16 tụt xuống khoảng 15cm. Khi đó, Đức, Hoàn, Tuấn thống nhất hạ bằng tay mỗi lần 1 máy 3cm và không báo cho ông Kim Jong Wook - chỉ huy trưởng công trường và ông Lee Jea Myeong - đốc công.

Chủ tọa kết luận khi giàn giáo tụt lớn như thế và đang ở độ cao gần 20m mà hạ bằng tay như thế là sai quy định, "Như thế là làm ẩu, làm theo cảm tính."

Bị cáo cho biết, do trước đây không được cán bộ kỹ thuật của Cty SamSung hướng dẫn giàn ở độ cao nào thì hạ bằng tay nên bị cáo vẫn quyết định hạ.

Sau khi hạ, công nhân tiếp tục vào làm việc. Sau đó, đến khoảng 19h50 thì giàn giáo sập.

Bị cáo Nguyễn Anh Tuấn lên vành móng ngựa cũng khai nhận khi xảy ra sự cố tụt kích đã không báo cáo với chỉ huy công trường và đốc công

Lê Văn Thái - người bị hại khai, khi giàn giáo tụt, có nghe bị cáo Đức và Tuấn nói không sao.

Nguyễn Trọng Kiều - người bị hại cũng khai khi giàn giáo rung lắc, Đức và Tuấn nói không sao.

10h

Sau khi công bố các quyền, nghĩa vụ của bị cáo, nhân chứng, người bị hại, luật sư. Lúc 10h05, đại diện VKS công bố cáo trạng như sau:

Lúc 19h ngày 25.3, công trường sản xuất, lắp đặt thùng chìm trọng lực cảng Sơn Dương thuộc công trường Formosa (Kỳ Anh, Hà Tĩnh) do Tập đoàn Sam Sung C&T (Hàn Quốc) thi công bắt đầu ca làm việc đêm. Chỉ huy trưởng công trường là ông Kim Jong Wook (SN 1972, quốc tịch Hàn Quốc). Ông Lee Jea Myeong (SN 1953, quốc tịch Hàn Quốc) là đốc công phụ trách tổ công nhân 43 người làm việc trên hệ ván khuôn trượt lane2. Tổ công nhân vận hành hệ thống thủy lực của lane2 gồm 3 người là Nguyễn Anh Tuấn (tổ trưởng, SN 1988, trú thị xã Ba Đồn, Quảng Bình), Nguyễn Thái Đức Nguyễn Thái Đức (SN 1985, trú xã Kỳ Trung, Kỳ Anh, Hà Tĩnh) và Trần Anh Hoàn (đã chết).

Đến 19h30, hệ ván khuôn trượt lane2 đang ở quá trình hạ giàn (độ cao 20m so với mặt đất) thì phát ra tiếng động mạnh kêu "ét, ét", "rắc" và rung lắc, công nhân đang làm việc trên lane2 hoảng sợ ngừng làm việc và chạy dạt về hai phía cầu thang bộ giữa lane1 và lane2. Nguyễn Anh Tuấn và Nguyễn Thái Đức phát hiện kích thủy lực số 22 và 24 bị tụt khoảng 5 - 6cm do với các kích thước còn lại, một số kích khác cũng bị tụt nhưng ít hơn. Nguyễn Thái Đức thông báo với Trần Anh Hoàn qua bộ đàm ngừng hạ giàn rồi lần lượt khóa van thủy lực của 32 kích nhưng sau đó Đức và Hoàn không báo cáo với ông Kim Jong Wook chỉ huy công trường về sự cố mà tự ý xử lý bằng cách nâng 2 kích thủy lực số 22 và 24 lên cân bằng với các kích khác rồi tiếp tục điều khiển cho lane2 hạ xuống.

Khoảng 10 phút sau, lane2 tiếp tục rung lắc lần thứ hai, phát ra tiếng động "rầm" ở thân giàn và tụt xuống. Những công nhân ở trên giàn la hét và chạy ra hai bên giàn giáo, một số tụt xuống theo cầu thang bộ không làm việc nữa vì sợ giàn giáo sập. Lúc này Nguyễn Anh Tuấn và Trần Anh Hoàn kiểm tra và phát hiện kích thủy lực số 15 và 16 tụt thấp hơn khoảng 15cm so với các kích thủy lực khác nhưng vẫn không thông báo với ông Kim Jong Wook mà tự ý nâng 2 kích này lên ngang bằng các kích khác. Sau đó, Tuấn và Hoàn thống nhất không hạ lane2 bằng máy mà tự hạ bằng tay, hạ lần lượt từng kích, mỗi lần hạ 3cm.

Sau khi lane2 bị rung lắc lần 2, chỉ huy trưởng công trường Kim Jong Wook và đốc công Lee Jae Myeong đi theo cầu thang bộ lên giàn lane2 để kiểm tra. Sau khi kiểm tra, cả hai người không tìm hiểu nguyên nhân sự cố mất an toàn lao động, không kịp thời xử lý sự cố mà yêu cầu các công nhân Việt Nam tiếp tục vào vị trí làm việc. Lee Jae Myeong nói bằng tiếng việt "Ok, không sao, không sao" đồng thời yêu cầu công nhân tại giàn lane2 làm việc tiếp. Theo lệnh, các công nhân lên giàn lane2 tiếp tục làm việc đến khoảng 19h50 cùng ngày thì toàn bộ hệ ván khuôn trượt lane2 đổ sập xuống đất làm 13 người chết, 29 người bị thương, hệ ván khuôn trượt lane2 bị hư hỏng hoàn toàn.

Theo kết luận giám định của Viện khoa học hình sự Bộ Công an, "nguyên nhân dẫn đến sập giàn giáo ván khuôn trượt lane2 là do phanh của các cặp kích từ số 29 đến số 32 không giữ được kích cố định trên thanh ray làm cho các cặp kích này bị tụt sâu. Từ đó, dẫn đến tụt các xà ngang phía trên các kích này rồi kéo sập toàn bộ giàn giáo ván khuôn trượt".

Theo báo cáo của Viện khoa học công nghệ xây dựng và Cty Incosaf về kết quả giám định sự cố "nguyên nhân chính là do xuất hiện lực xô ngang từ sàn giàn giáo tác dụng lên ray hướng dẫn gây phá vỡ liên kết giàn giáo với ray và ray với công trình. Từ đó, gây sụp đổ một phần dẫn đến sụp đổ dây chuyền đối với hệ giàn giáo.

Nguyên nhân chính trên xuất phát từ: Nguyên nhân khởi nguồn sự cố; nguyên nhân thuộc về thiết bị vận hành; nguyên nhân thuộc về kết cấu. Trong đó, nguyên nhân khởi nguồn là do tuột phanh, tuột kích. Lý do là khi một cụm kích trượt xuống và vượt 30 - 35mm thì lực nén tác dụng lên cột ray lân cận sẽ tăng dần và lớn hơn sức chịu tải cho phép của cụm kích là 425kn, dẫn đến cụm kích này bị tuột phanh, tuột kích và trượt dần xuống. Tiếp theo là sự bắt đầu mất ổn định của thanh cột ray, gây rung lắc cho hệ giàn giáo. Hậu quả cuối cùng là hệ giàn giáo bị sụp đổ hoàn toàn".

Sau vụ tai nạn sập giàn giáo ở công trường Formosa Hà Tĩnh ngày 23.5, Cty Sam Sung C&T đã hỗ trợ, bồi thường số tiền 8,476 tỉ đồng. Trong đó, 13 công nhân tử vong là 5,2 tỉ đồng, 29 công nhân bị thương là 3,276 tỉ đồng. Cty Nibelc - đơn vị cung ứng lao động đã hỗ trợ, bồi thường số tiền 1,206 tỉ đồng. Trong đó 13 người chết là 780 triệu đồng, 29 người bị thương là 426 triệu đồng. Hiện có 9/13 gia đình có công nhân tử vong và 10/29 công nhân bị thương tiếp tục yêu cầu Cty Sam Sung C&T và Cty Nibelc hỗ trợ, bồi thường thêm thiệt hại.

8h30

4 bị cáo có mặt tại phiên tòa gồm Lee Jae Myeong (SN1953) và Kim Jong Wook (SN1972) cùng quốc tịch Hàn Quốc, Nguyễn Anh Tuấn (SN 1988, trú thị xã Ba Đồn, Quảng Bình), Nguyễn Thái Đức (SN 1985, trú xã Kỳ Trung, Kỳ Anh, Hà Tĩnh) bị truy tố về tội vi phạm quy định về an toàn lao động theo khoản 3 điều 227 Bộ luật Hình sự.

Chủ tọa phiên tòa là ông Nguyễn Văn Thắng - Chánh án TAND tỉnh Hà Tĩnh. Phiên tòa được bảo vệ chặt chẽ và thu hút nhiều PV các cơ quan thông tấn báo chí trung ương, địa phương về đưa tin. Tại phiên tòa có 18/28 bị hại có mặt.

Đại diện Viện kiểm sát có ý kiến, phiên tòa vắng mặt một số người nhưng theo quy định vẫn đủ điều kiện đưa phiên tòa ra xét xử.

Theo cáo trạng, lúc 19h ngày 25.3, tại công trường sản xuất, lắp đặt thùng chìm trọng lực cảng Sơn Dương thuộc công trường Formosa (Kỳ Anh, Hà Tĩnh), ca làm việc đêm bắt đầu. Ông Kim Jong Wook - đốc công phụ trách tổ công nhân làm việc trên hệ ván khuân trượt lane2 có 43 người do ông Lee Jea Myeong phụ trách.

Tổ công nhân vận hành hệ thống thủy lực của lane2 gồm 3 người là Nguyễn Anh Tuấn (tổ trưởng), Nguyễn Thái Đức và Trần Anh Hoàn (đã chết).

Đến khoảng 18h30 hệ ván khuôn trượt 2 đang ở quá trình hạ giàn thì phát ra tiếng động mạnh, giàn giáo rung lắc, có nguy cơ mất an toàn. Công nhân làm việc trên giàn hoảng sợ, ngừng làm việc và chạy về phía hai bên cầu thang bộ, ông Kim Jong Wook và ông Lee Jea Myeong đi lên giàn lane2 kiểm tra nhưng không tìm hiểu nguyên nhân giàn giáo rung lắc để cho công nhân nghỉ mà yêu cầu tiếp tục làm việc.

Lúc này, Nguyễn Anh Tuấn và Nguyễn Thái Đức kiểm tra và phát hiện kích thước thủy lực số 22 và 24 bị tụt xuống khoảng 5cm - 6cm, kích thước thủy lực số 15 và 16 tụt xuống khoảng 15cm so với các kích thước thủy lực khác nhưng không báo cáo với ông Kim Jong Wook. Đến khoảng 19h50 thì xảy ra sự cố sập giàn giáo khuôn trượt lanc2 làm 13 người chết, 29 người bị thương.

Đúng 8h50, HĐXX lần lượt gọi các bị cáo Kim Jong Wook, Lee Jea Myeong, Nguyễn Anh Tuấn và Nguyễn Thái Đức lên vành móng ngựa để hỏi về nhân thân.

Theo Lao Động

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích