Khách hàng của 2 cây xăng gian lận có được bồi hoàn?

Thứ năm, 21/01/2016, 09:42
Vừa qua, cơ quan chức năng kiểm tra, phát hiện 2 cây xăng ở Hà Nội có gắn chip gian lận. Nếu là khách hàng thường đổ xăng ở đây, tôi có được bồi hoàn tiền?

Vừa qua, Đội quản lý thị trường số 14 (Chi cục quản lý thị trường Hà Nội) cùng Phòng An ninh kinh tế (Công an Hà Nội) kiểm tra, phát hiện cây xăng của HFC số 436 Trần Khát Trân và cây xăng xã Yên Viên (Gia Lâm) đều được gắn chip để gian lận.

Theo cán bộ quản lý thị trường: "Các con chip gắn rất tinh vi và được nhân viên cây xăng điều khiển từ xa. Mua 20 lít xăng, khách hàng chỉ được bơm thực tế khoảng 19 lít".

Nếu theo thông tin trên, giả sử mỗi tuần tôi đổ khoảng 50 lít xăng thì bị gian lận mất hơn 2 lít.

Liệu sau khi cơ quan chức năng chứng minh được họ gian lận, tôi và những khách hàng thường xuyên đổ xăng ở đây có được hồi hoàn số tiền đã bị gian lận?

Trần Hùng (Hà Nội)

Hai cây xăng gắn chip gian lận.Ảnh: HFC.

Theo luật sư Phan Thị Lam Hồng - Giám đốc Cty Luật TNHH Đông Hà Nội, trước hết, để xác định được bạn và những khách hàng thường xuyên đổ xăng tại hai trạm xăng trên có được bồi hoàn lại tiền hay không thì cần có kết luận chính thức của cơ quan có thẩm quyền về sai phạm của những người quản lý tại hai trạm xăng này và số tiền những người có liên quan đã gian lận được từ khách hàng.

- Với người có hành vi gian lận:

Theo thông tin từ các cơ quan truyền thông thì hiện cơ quan cảnh sát điều tra đã khởi tố vụ án, bắt nhiều người có liên quan về hành vi lừa dối khách hàng. Xem xét hành vi này có thể thấy rằng, hành vi gian lận của họ tại các cây xăng trên đã có dấu hiệu của Tội lừa dối khách hàng quy định tại Điều 162 Bộ luật hình sự.

Cụ thể "Người nào trong việc mua, bán mà cân, đong, đo, đếm, tính gian, đánh tráo loại hàng hoặc dùng thủ đoạn gian dối khác gây thiệt hại nghiêm trọng cho khách hàng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến ba năm".

Như vậy, lừa dối khách hàng (bị coi là phạm tội) là hành vi cân, đong, đo, đếm, tính gian, đánh tráo loại hàng hoặc dùng thủ đoạn gian dối khác gây thiệt hại nghiêm trọng cho lợi ích của khách hàng, xâm phạm trật tự quản lý kinh tế của Nhà nước trong quá trình mua bán.

Mặt khách quan của tội này được thể hiện ở hành vi gian dối trong bán hàng, kinh doanh dịch vụ nhằm thu lợi bất chính như cân, đo, đếm sau; hàng chất lượng kém nhưng bán hàng với giá theo hàng chất lượng tốt, cố tình thay thế phụ tùng có giá trị thấp... làm cho khách hàng phải thanh toán số lượng nhiều hơn giá trị hàng hóa, dịch vụ thực tế. Cụ thể: Cân, đo, đong, đếm gian dối: là thủ đoạn lợi dụng sự sơ hở của khách hàng hoặc chuẩn bị các dụng cụ đo lường từ trước để cân, đong, đếm thiếu cho khách hàng.

Người phạm tội lừa dối khách hàng thực hiện tội phạm dưới hình thức lỗi cố ý trực tiếp với động cơ vụ lợi. Người phạm tội phải là người có đủ năng lực trách nhiệm hình sự và có độ tuổi từ đủ 16 trở lên.

Hành vi khách quan của tội phạm này xâm phạm đến trật tự quản lý thị trường của Nhà nước, uy tín của doanh nghiệp đồng thời xâm hại đến lợi ích của khách hàng.

Hành vi trên bị coi là tội phạm nếu gây thiệt hại nghiêm trọng cho khách hàng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm. Hiện nay, chưa có hướng dẫn cụ thể thế nào là thiệt hại nghiêm trọng đối với tội danh này.

Vì vậy, để xem xét và xử lý đối với tội phạm này, cơ quan có thẩm quyền có thể căn cứ trên các quy định tương tự về hậu quả nghiêm trọng trong thiệt hại về kinh tế theo hướng dẫn của Nghị quyết 02/2003/NQ-HĐTP hoặc Thông tư số 09/2013/TTLT-BCA-BTP-BQP-VKSNDTC-TANDTC (dựa trên giá trị tài sản).

Ở đây, theo xác minh ban đầu của cơ quan chức năng, bằng việc gắn chip điện tử và các cây xăng, nhân viên và cửa hàng trưởng tại cây xăng Trần Khát Chân đã chiếm đoạt được của khách hàng số tiền hơn 5 tỷ đồng, còn tại cây xăng Yên Viên đã gian lận 14.500 lít xăng, dầu của khách hàng. 50% trong số này được các bị can bán lại cho một cửa hàng kinh doanh xăng dầu khác, thu lợi gần 95 triệu đồng. Số nhiên liệu còn lại chưa kịp tiêu thụ thì bị cơ quan chức năng phát hiện, thu giữ.

Điều này cho thấy, giá trị tài sản nhóm người trên lừa dối từ khách hàng là rất lớn, những người có liên quan có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội này.

-  Với khách hàng, người tiêu dùng:

Theo quy định của Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 thì quyền lợi của người tiêu dùng được tôn trọng và bảo vệ theo đúng quy định pháp luật. Do đó, nếu đã có đầy đủ các căn cứ chứng minh các đối tượng quản lý, vận hành hai trạm xăng trên đã có hành vi gian lận xăng dầu thì theo khách hàng có quyền yêu cầu được hoàn trả lại tài sản đã bị chiếm đoạt trái pháp luật.

Bên cạnh đó, nếu chứng minh được thiệt hại xảy ra do hành vi trái pháp luật của nhóm người trên thì các khách hàng còn có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại. Cụ thể, việc hoàn trả lại tài sản và trách nhiệm bồi thường thiệt hại được xác định như sau:

- Đối với việc hoàn trả lại tài sản:

Căn cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 41 Bộ luật hình sự thì: "Đối với vật, tiền bị người phạm tội chiếm đoạt hoặc sử dụng trái phép, thì không tịch thu mà trả lại cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp". Như vậy, khoản tiền do họ chiếm đoạt của khách hàng trái pháp luật sẽ được cơ quan chức năng xem xét, nếu xác định được chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp thì trả lại tài sản đó cho họ; trường hợp không xác định được chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp thì sung quỹ nhà nước theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 76 của Bộ luật tố tụng hình sự.

Theo quy định tại Điều 239 của Bộ luật dân sự thì vật bị coi là không xác định được chủ sở hữu nếu sau một năm (đối với động sản), kể từ ngày thông báo công khai mà vẫn không xác định được ai là chủ sở hữu. Mặt khác, theo quy định tại khoản 1, Điều 76 của Bộ luật tố tụng hình sự thì tùy từng giai đoạn, việc hoàn trả lại tiền cho các khách hàng được xác định như sau: “Việc xử lý vật chứng do cơ quan điều tra quyết định, nếu vụ án được đình chỉ ở giai đoạn điều tra; do VKS quyết định, nếu vụ án được đình chỉ ở giai đoạn truy tố; do tòa án hoặc HĐXX quyết định ở giai đoạn xét xử...”.

Điều này có nghĩa là, trường hợp vật chứng là tài sản không xác định được chủ sở hữu và cơ quan điều tra chưa ra thông báo tìm kiếm chủ sở hữu thì ở giai đoạn chuẩn bị xét xử tòa án phải tiến hành việc thông báo tìm kiếm chủ sở hữu; nếu hết thời hạn chuẩn bị xét xử mà vẫn không xác định được chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp của tài sản đó thì khi xét xử, HĐXX cần giao tài sản là vật chứng cho cơ quan chức năng bảo quản và trong phần quyết định của bản án cần ghi rõ nếu trong thời hạn quy định tại Điều 239 của Bộ luật dân sự mà chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp tài sản là vật chứng có yêu cầu thì sẽ xem xét giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự; hết thời hạn này, tài sản sẽ được sung quỹ Nhà nước.

- Về việc bồi thường thiệt hại:

Tại khoản 1 Điều 42 Bộ luật hình sự quy định rõ: "Người phạm tội phải ... bồi thường thiệt hại vật chất đã được xác định do hành vi phạm tội gây ra".

Những người có hành vi vi phạm ở đây là cửa hàng trưởng, trưởng phòng thị trường của Công ty cổ phần xăng dầu chất đốt Hà Nội (HFC) và nhân viên cửa hàng. Theo quy định trên thì ngoài việc hoàn trả tiền chiếm đoạt bất hợp pháp của khách hàng, chính những người này sẽ phải bồi thường cho khách hàng. Tuy nhiên, tại Điều 618 Bộ luật Dân sự 2005 đã quy định rõ: "Pháp nhân phải bồi thường thiệt hại do người của mình gây ra trong khi thực hiện nhiệm vụ được pháp nhân giao; nếu pháp nhân đã bồi thường thiệt hại thì có quyền yêu cầu người có lỗi trong việc gây thiệt hại phải hoàn trả một khoản tiền theo quy định của pháp luật".

Như vậy, việc bồi thường cho các khách hàng bị gian lận xăng dầu sẽ do Công ty cổ phần xăng dầu chất đốt Hà Nội (HFC) đứng ra bồi thường còn những người trực tiếp thực hiện hành vi sẽ có trách nhiệm hoàn trả cho công ty.

Ở đây, tổng số tiền đã bị chiếm đoạt bất hợp pháp có thể được xác định một cách thuận lợi. Tuy nhiên, việc chứng minh số tiền đó được chiếm đoạt của ai, thiệt hại của từng khách hàng là như thế nào để bồi thường lại không phải là vấn đề dễ dàng. Theo quy định của pháp luật thì khách hàng có nghĩa vụ phải đưa ra các căn cứ để chứng minh yêu cầu hoàn trả và yêu cầu bồi thường của mình là hợp pháp như: hóa đơn, chứng từ mua xăng dầu, người làm chứng hoặc các thiết bị ghi âm, ghi hình,...

Trên thực tế, với thói quen tiêu dùng và số lượng xăng dầu khách hàng mua lẻ thì phần lớn khách hàng không lấy hóa đơn, chứng từ mua hàng và đơn vị kinh doanh xăng dầu từ lâu cũng đã làm lơ với "trách nhiệm cung cấp cho người tiêu dùng hóa đơn hoặc chứng từ, tài liệu liên quan đến giao dịch" (khoản 1, Điều 20, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2010).

Vì vậy, mặc dù thực tế khách hàng là người trực tiếp bị chiếm đoạt tài sản, bị thiệt hại do hành vi gian lận xăng dầu nhưng nếu không chứng minh được thì khách hàng sẽ không thể nhận được khoản tiền hoàn trả và bồi thường theo quy định của pháp luật. Số tiền bị chiếm đoạt nếu không xác định được chủ sở hữu thì sẽ được sung vào công quỹ của Nhà nước.

Hiện nay, có một số nhân viên ở một số cây xăng đã có hành vi gian lận khi khách hàng vào đổ tại những cây xăng đó. Tuy nhiên, do xét từng khách hàng thì số tiền bị gian lận cũng là không lớn đồng thời khách hàng cũng gặp khó khăn trong việc thu thập tài liệu, chứng cứ nên không thể tố cáo, khiếu nại về sai phạm này ra các cơ quan chức năng mà thường thì khách hàng thường chịu ấm ức và ngầm “cạch” cây xăng đó hoặc loan báo cho bạn bè, thông tin trên các diễn đàn, các trang mạng xã hội... để mọi người biết và tẩy chay cây xăng gian lận. Đây là vấn đề mà các cơ quan chức năng cần quan tâm, siết chặt hơn nữa việc quản lý được số lượng xăng dầu nhập vào – xuất ra thị trường để tránh việc gian lận, móc túi người tiêu dùng.

Theo Zing

Các tin cũ hơn