Theo cơ quan chức năng, tội phạm tung ra mức chênh lệch hấp dẫn và cách thức giao dịch tiền giả nhanh gọn là để lừa đảo những người hám lợi. Khi làm theo hướng dẫn, họ sẽ bị chiếm đoạt tiền đặt cọc.
Rao đổi công khai
Cận Tết, trên mạng xã hội Facebook xuất hiện nhiều thông tin đổi tiền polymer giả với đủ các mệnh giá từ 100.000 đến 500.000 đồng. Bên cạnh việc đăng ảnh, khẳng định tiền giả giống thật đến khó tin, chủ tài khoản còn khuyến cáo cách sử dụng tiền giả để tránh bị phát hiện.
Facebook Anh Dang nói về tỷ lệ, cách thức đổi tiền giả. Ảnh: T.L. |
Facebook cá nhân có tên Bích Ngọc rao: "Bên mình cho đổi 1 triệu tiền thật lấy 5 triệu tiền giả. Tiền giả giống tiền thật 98% làm từ polymer, có hình chìm, chỉ khác chỗ là các tờ tiền giả cùng mệnh giá có số seri giống nhau. Nếu xài 1 tờ thì chắc chắn không phát hiện, đổ xăng, đi chợ, mua hàng tạp hóa đều ok hết, chỉ có ra ngân hàng đối chiếu số seri mới bị phát hiện thôi".
Vào vai người cần đổi tiền lẻ, phóng viên đã liên hệ với một số tài khoản Facebook để tìm hiểu thực hư sự việc.
Người sử dụng nickname Anh Dang đã đưa ra tỷ lệ: "1 triệu đồng thật bằng 4 triệu đồng giả loại mệnh giá 500.000 đồng. Và 1 triệu đồng thật đổi lấy 3 triệu đồng tiền giả loại mệnh giá 100.000 và 200.000 đồng".
Quá trình trao đổi, chủ tài khoản này cũng cam kết tiền giả là hàng loại 1 được nhập từ Thái Lan, giống thật đến 93% nên mắt thường không thể phân biệt. Giống như các tài khoản rao đổi tiền giả khác, người này yêu cầu khách hàng đặt cọc trước 40% kèm theo thông tin cá nhân.
"Mình làm bên ngạch này hơn 4 năm nay rồi. Bạn chuyển tiền, mình sẽ đóng hàng chuyển phát nhanh qua bưu điện", chủ tài khoản Facebook Anh Dang cam kết sẽ giao hàng tận nhà sau ít ngày. Người này cũng không quên cung cấp cho khách hàng số điện thoại, số tài khoản một chi nhánh ngân hàng thương mại ở Thanh Hóa.
Trước lý do hình đại diện trên Facebook là con gái nhưng trả lời lại là con trai, người đứng ra giao dịch tự nhận mình là chồng của Anh Dang.
Trò lừa đảo qua mạng
Thông tin mua bán, trao đổi tiền giả công khai trên Facebook dịp cuối năm thu hút sự chú ý của nhiều người. Đa số họ cho rằng hoạt động trên là phạm pháp, ảnh hưởng đến an ninh tiền tệ và đây chỉ là trò lừa đảo. Không ít người đã lên án việc này và mong muốn cơ quan chức năng vào cuộc điều tra làm rõ.
"Chả có đứa nào dại dột đi bán tiền giả trên Facebook cả. Chúng toàn lừa đảo mọi người chuyển tiền hoặc mua thẻ điện thoại trước. Tất cả vì lòng tham cả thôi", Đào Quyết Tiến chia sẻ trên một diễn đàn mạng.
Ảnh được sử dụng để mời chào trên Facebook. Ảnh: T.L. |
Chiều 27/1, trả lời Zing.vn, lãnh đạo Cục cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (C50, Bộ Công an) khẳng định, thông tin rao bán tiền giả qua mạng là thủ đoạn được tội phạm đưa ra nhằm lừa đảo người dân hám lợi. Cơ quan chức năng xác định, trên thị trường không xuất hiện các giao dịch tiền giả như thông tin trên mạng xã hội thời gian qua.
"Kẻ xấu tung thông tin này nhằm dụ dỗ, thuyết phục người dân chuyển tiền đặt cọc rồi chiếm hưởng. Khi thực hiện hành vi lừa đảo, họ thường sử dụng tài khoản Facebook, số điện thoại và tài khoản ngân hàng đứng tên người khác", vị lãnh đạo nói.
Đại diện C50 cho biết, một vài kẻ xấu còn chụp ảnh tiền thật đưa lên mạng để lừa gạt người dân. Bằng biện pháp nghiệp vụ, cơ quan chức năng sẽ giám sát, xác minh làm rõ cá nhân phát tán thông tin mua bán tiền giả gây xôn xao dư luận.
Điều 180. Tội làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả, ngân phiếu giả, công trái giả.
1. Người nào làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả, ngân phiếu giả, công trái giả, thì bị phạt tù từ ba năm đến bảy năm.
2. Phạm tội trong trường hợp nghiêm trọng thì bị phạt tù từ năm năm đến mười hai năm.
3. Phạm tội trong trường hợp rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Theo Zing