Khoảng một tuần nay, hàng trăm người dân thuộc các làng ở xã Kroong,TP.Kon Tum rủ nhau ra sông Pô Kô, đoạn dưới chân cầu Đắk Kroong nối liền giữa hai xã Kroong và Sa Bình (huyện Sa Thầy) để tìm vàng sa khoáng.
Hàng trăm người dân tìm vàng được chia thành các tốp nhỏ |
Theo những người tìm vàng, cứ vào mùa khô hàng năm, khi mực nước trên dòng sông Pô Kô xuống thấp cùng với việc thủy điện Pleikrông không xả lũ nên nhiều người lại ra sông tìm vàng. Tuy nhiên, lượng vàng ở đây không nhiều, chủ yếu là vàng trôi theo những đợt xả nước của thủy điện rồi mắc lại các kẽ đá.
Dụng cụ đãi vàng thô sơ, chỉ là xà beng, xẻng và chiếc nón sắt |
Đứng trên cầu Kroong nhìn xuống, hàng trăm người có cả trẻ em và phụ nữ chia thành tốp nhỏ đang hì hục lặn ngụp trong dòng nước đục ngầu để đãi vàng với các dụng cụ thô sơ là 1 chiếc xẻng, xà beng và chiếc nón sắt. Sau khi lặn xuống múc hoặc đào bới trong các hốc đá cát được đưa vào nón sắt đãi, tới khi chỉ còn lại một lớp cát đen. Qua lắng lọc,, làm sạch lớp cát đen đó với chất hóa học người đãi đặt hy vọng của đời mình vào những vảy vàng tìm thấy.
Lặn ngụp dưới dòng nước để tìm vàng |
Chị Y Chinh (40 tuổi) cho biết do đang là mùa khô chưa trồng gì được nên hai vợ chồng chị tranh thủ ra bờ sông tìm vàng. “Mỗi ngày cố gắng cũng kiếm được khoảng 200.000 đồng đủ tiền mua gạo, mua mắm cho 4 đứa con ở nhà” – chị Chinh kể.
Thấy cha mẹ cùng nhiều người rủ nhau đi đãi vàng kiếm sống, một số học sinh cũng bỏ học đi theo. Trong sáng 28-4, có hơn 10 học sinh bỏ học theo cha mẹ đến đãi vàng. Một em gái vừa ngoi lên từ dòng nước đục ngầu cho biết đang học lớp 9, trường THCS tại xã Kroong nói thấy nhiều bạn nghỉ học đi tìm vàng nên cũng đi theo đã nhiều ngày nay. Cũng tại vị trí này, còn có 4 em nhỏ khác cũng bỏ học đi kiếm sống.
Trong sáng 28-4, có nhiều em nhỏ bỏ học để ra sông tìm vàng |
Ngâm mình dưới nước quá lâu, ông A Nun (hơn 60 tuổi) run cầm cập vì lạnh. Lau tay châm vội điếu thuốc, vừa hút thuốc ông vừa cho biết phải mang cơm đi để trưa ăn rồi còn làm. "Tui già rồi, làm sao bì với với người trẻ nên mỗi ngày chỉ kiếm được khoảng 100.000 đồng"- ông Nan than.
Sau khi loại bỏ lớp cát, đá sẽ được lớp cát đen lẫn vàng |
Theo ông Nguyễn Minh Thuận – Chủ tịch UBND xã Sa Bình huyện Sa Thầy- những người tìm vàng đều là người dân xã Kroong. Việc tìm vàng của người dân bằng những công cụ thô sơ, chủ yếu là lấy cát đãi nên không làm ảnh hưởng tới môi trường. Tuy nhiên, điều lo ngại nhất là khi thủy điện Pleikông xả nước người đãi vàng dễ bị cuốn trôi.
“Chúng tôi đã lắp đặt hệ thống loa để cảnh báo cho người dân kịp thời di chuyển lên bờ khi thủy điện chuẩn bị xả nước” - ông Thuận nói.
Một lãnh đạo UBND xã Kroong xác nhận tình trạng người dân tìm vàng dưới chân đập thủy điện Pleikrông vào mùa khô đã diễn ra nhiều năm nay. Chính quyền xã đã nhiều lần vận động mọi người không tham gia tìm vàng vì lo ngại thủy điện Pleikrông xả nước bất ngờ sẽ ảnh hưởng tới tính mạng.
Theo NLĐ