Cán bộ Hải quan Hải Phòng kiểm tra một lô hàng thịt đông lạnh. |
Hai đơn vị từ chối nhận hàng
Đó là xác nhận của ông Vũ Quốc Dương, Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu Cảng Hải Phòng khu vực II với PV. Theo ông Dương, Chi cục đã báo cáo sự việc gửi lên Tổng cục Hải quan. Hai container chứa 27 tấn thịt đông lạnh được nhập về cảng Chùa Vẽ (do Chi cục quản lý) từ cuối năm 2014.
Chi nhánh Cty TNHH giao nhận hàng hải Cát Tường (Cty Cát Tường) tại Hải Phòng là đại lý vận chuyển lô hàng trên, còn doanh nghiệp trên vận đơn là Cty CP thủy sản Minh Khuê (TP.Móng Cái, Quảng Ninh).
Ngày 14/8/2015, Cty CP thủy sản Minh Khuê có văn bản thông báo họ không phải là chủ lô hàng trên. Ngày 15/8, lô hàng được thông báo đổi tên doanh nghiệp nhận hàng sang Cty TNHH Đại Các (TP.Móng Cái). Tuy nhiên, đến tháng 11/2015, công ty này cũng có văn bản từ chối nhận hàng. Hiện 27 tấn thịt đông lạnh trên bị hư hỏng, đang có hiện tượng bốc mùi, gây nguy cơ ô nhiễm môi trường trầm trọng.
Ông Dương cho hay, hàng tồn đọng ở các cảng thường nối tiếp nhau, thường xuyên xảy ra chứ không phải mỗi trường hợp này. Chẳng hạn, lô hàng này vừa xử lý xong, chuyến tàu tới lại có các lô hàng khác cập cảng, nếu quá 90 ngày chưa có người tiếp nhận trở thành hàng tồn đọng.
“Chúng tôi phải gửi thông tin đăng báo để tìm chủ sở hữu. Nếu không tìm được phải có phương án tiêu hủy. Việc tiêu hủy phụ thuộc đơn vị vận tải hàng. Họ phải thanh toán phí lưu trữ kho bãi, tiêu hủy tiền điện. Khi chúng tôi làm quyết liệt, doanh nghiệp kinh doanh Cảng Chùa Vẽ đồng ý miễn giảm 65% phí lưu kho cho chủ tàu. Tuy nhiên, chủ tàu đòi được miễn 100%. Hiện chưa thống nhất được”, ông Dương cho biết thêm.
Có tuồn ra đồ nướng vỉa hè?
Cũng theo đại diện Chi cục, chi nhánh Cty Cát Tường cho biết, hiện số tiền lưu bãi tại cảng và chi phí cắm điện lên đến 1 tỷ đồng, chưa kể kinh phí tiêu hủy nên đơn vị chưa xử lý được và phải xin ý kiến của chủ tàu ở nước ngoài.
Giữa tháng 4 vừa qua, Chi cục tiếp tục có văn bản mời đại diện Chi nhánh Cty Cát Tường và doanh nghiệp kinh doanh cảng Chùa Vẽ đến làm việc. Tuy nhiên, đại diện 2 đơn vị cũng mới chỉ cam kết báo cáo chủ tàu để xin kinh phí. Cục Hải quan Hải Phòng cho biết, việc xử lý 2 lô hàng này nhanh hay chậm hoàn toàn phụ thuộc vào việc DN vận tải và DN kinh doanh cảng (thống nhất được việc thanh toán chi phí lưu bãi, tiêu hủy và tiền điện).
Nếu hãng tàu không thực hiện, cần có chế tài xử phạt và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả. Theo quy định của Luật Hải quan năm 2014, doanh nghiệp vận tải phải chịu hoàn toàn trách nhiệm với 2 lô hàng nêu trên theo hướng tái xuất khỏi lãnh thổ Việt Nam hoặc chi trả toàn bộ chi phí tiêu hủy.
Trả lời nghi vấn liệu số thịt đông lạnh trên có bị xé nhỏ tuồn ra thị trường tiêu thụ, ông Dương khẳng định đây là hàng tạm nhập, tái xuất chứ không phải nhập kinh doanh.
Theo Tiền Phong