“Tôi không ngờ được công an mời lên làm việc với tư cách nhân chứng nhưng lại bị ép nhận tội trộm cắp rồi bị đánh đập. Phải mất 1 tháng, sức khỏe tôi mới tạm hồi phục” - chị Lâm Lê Thùy Trang (SN 1994, quê tỉnh Tây Ninh, sinh viên) trình bày với PV.
Rời trụ sở công an vào ngay bệnh viện
Theo lời kể của Trang, đầu năm 2016, chị ở chung phòng trọ với người chị họ tên Phạm Thị Ngọc Ánh (31 tuổi) trên đường Đào Cam Mộc (phường 4, quận 8, TP.HCM). Tối 28-7, sau khi đi làm thêm trở về phòng trọ, Trang thấy chị Ánh đang trò chuyện qua điện thoại với bạn nên Trang cũng chưa đi ngủ, nằm nhắn tin với bạn đến 2 giờ sáng hôm sau.
Sáng thức dậy, Trang không thấy chị Ánh trong phòng mà nghe mọi người đang xôn xao chuyện mất trộm tiền. “Sau đó, người thân của chị Ánh đến gặp tôi hỏi có lấy trộm tiền thì trả lại. Họ đặt nghi vấn phòng chỉ có 2 chị em, tôi không lấy thì ai lấy?” - Trang kể.
Để chứng minh mình không lấy trộm, Trang gợi ý chủ nhà trọ và người thân của chị Ánh lục soát người Trang và toàn bộ phòng trọ để tìm số tiền bị mất nhưng rồi lời đề nghị đó không được thực hiện nên chiều 29-7, Trang đi làm bình thường.
Chị Lâm Lê Thùy Trang tố bị Công an phường 4, quận 8, TP.HCM đánh, ép cung |
Tuy nhiên, tối cùng ngày, khi Trang về phòng trọ thì được chị Ánh yêu cầu lên Công an phường 4, quận 8 hỗ trợ khai báo làm nhân chứng. Khi đến nơi, Trang được một công an phường mời vào căn phòng kín, liên tục quát tháo, khẳng định Trang trộm tiền.
“Để bảo vệ danh dự của mình, tôi lấy điện thoại ra ghi âm cuộc khai báo nhưng bị anh cán bộ công an đánh vào mặt rất đau rồi giật điện thoại trên tay tôi. Suốt nhiều giờ, anh công an này liên tục trợn mắt, đập bàn ép tôi phải ghi trong biên bản là người lấy tiền. Mỗi lần tôi lắc đầu từ chối là nhận những cái tát vào vùng thái dương rất đau. Tôi khóc, xin đừng đánh nhưng anh công an này dọa nếu không thừa nhận thì bị giữ lại suốt đêm và sau đó sẽ đưa lên trại giam ở chung với những người nghiện. Do sợ bị đánh và muốn ra khỏi phòng, tôi đã đồng ý viết lời khai nhận tội” - Trang vừa kể vừa khóc.
Ngày hôm sau, Trang có biểu hiện đau đầu nên vào Bệnh viện Nguyễn Tri Phương (quận 5) khám sức khỏe. Tại đây, bác sĩ yêu cầu Trang nhập viện để theo dõi với hồ sơ bệnh án ghi rõ: “Chấn thương đầu”.
“Lúc đó, tôi buộc lòng phải thừa nhận tội nhưng sau khi rời trụ sở công an, tôi nhanh chóng làm đơn bác lại nội dung đã khai trước đó với lý dobị ép cung” - Trang nói và cho biết đã làm đơn tố cáo gửi nhiều nơi, trong đó có đơn cầu cứu gửi Bí thư Thành ủy TP. HCM Đinh La Thăng.
Nếu sai phạm, sẽ xử lý nghiêm
Trong khi đó, chị Phạm Thị Ngọc Ánh cho biết hôm Trang đến trụ sở công an, chị cũng có mặt ở đó. “Tôi ngồi bên ngoài nên không biết Trang có bị đánh hay không nhưng tôi có nghe cuộc nói chuyện to tiếng, la hét giữa Trang và công an phường. Trang có nói với tôi là bị công an đánh, tuy nhiên trên đường về, tôi thấy Trang biểu hiện bình thường” - chị Ánh thuật lại.
Liên quan đến vụ việc nói trên, đại diện Công an phường 4, quận 8 khẳng định với phóng viên không có chuyện đánh, ép cungchị Trang, mọi nội dung khai dựa trên tinh thần tự nguyện nên tố cáo của chị Trang không có cơ sở.
Còn đại tá Nguyễn Hoàng Tuấn, Trưởng Công an quận 8, cho biết sau khi tiếp nhận thông tin phản ánh đã yêu cầu các cán bộ, chiến sĩ liên quan giải trình, báo cáo. Nếu xảy ra sai phạm sẽ tiến hành xử lý nghiêm theo điều lệnh của ngành. Hiện tại, công an quận tiếp tục mời Trang về trụ sở hợp tác để làm rõ thông tin.
Sẽ kiểm tra, phản hồi sớm Ngày 5-9, trao đổi với PV, Trung tướng Lê Đông Phong, Giám đốc Công an TP. HCM, cho biết đã tiếp nhận đơn khiếu nại của chị Lâm Lê Thùy Trang. “Hiện tôi đã giao cho Phòng Tham mưu Công an TP.HCM kiểm tra và sẽ có phản hồi với Báo Người Lao Động. Theo nguyên tắc, công an không được đánh dân, đặc biệt trong quá trình điều tra rất nhạy cảm” - Trung tướng Phong nói. |
Theo NLĐ