Ngày 4/4/2013, TAND tỉnh Bắc Giang tuyên án tử hình Vi Văn Phượng (48 tuổi, ở Bắc Giang) vì tội Giết người. Nạn nhân là bà Nguyễn Thị Vui (90 tuổi), mẹ bị cáo.
Theo nội dung bản án sơ thẩm, bà Vui bị mù lòa, trong nhiều năm ông Phượng là người chăm sóc nuôi dưỡng mẹ. Nhà đông con, hoàn cảnh khó khăn, lại nuôi dưỡng mẹ già nên cuối năm 2009, vợ chồng ông Phượng đã vay của nhiều người, trong đó có mượn mẹ 1,5 chỉ vàng để cho người con lớn là Vi Văn Quyền đi xuất khẩu lao động.
Phượng khai đang lúc gia đình khó khăn, nợ nần chồng chất, bà Vui nhiều lần đòi nợ khiến ông ta bức xúc, nảy sinh ý định giết mẹ.
Ngày 2/10/2012, Phượng đến hiệu vàng mua đôi hoa tai 1,5 chỉ vàng để mang về trả nợ mẹ. Do còn bực tức với mẹ, Phượng đưa vàng cho con trai là Vi Văn Hồ để đưa trả cho bà Vui.
Nhận lại số vàng, tối 4/10/2012, trong lúc có hai mẹ con, bà Vui hỏi: "Mày trả tao vàng giả à?". Câu nói của mẹ khiến Phượng càng bức xúc, thêm quyết tâm thực hiện ý định giết mẹ.
Trưa hôm sau, khi đi làm về, thấy mẹ ngủ trên giường, Phượng thực hiện ý định sát hại bà Vui. Cáo trạng cho rằng, Phượng dùng dao quắm chém liên tiếp vào người mẹ.
Xác định bà Vui đã chết, Phượng gọi điện cho công an viên, trưởng thôn và người chú họ báo tin mẹ bị người khác giết.
Bị cáo Vi Văn Phượng tại phiên tòa sơ thẩm. Ảnh: vksbacgiang.gov.vn. |
Bị tuyên án tử hình, 4 ngày sau bị cáo kháng cáo kêu oan. Bản án phúc thẩm của TAND Tối cao tại Hà Nội không chấp nhận kháng cáo kêu oan, tuyên ông Phượng y án sơ thẩm.
Tại kháng nghị giám đốc thẩm của Viện trưởng VKSND tối cao đã kháng nghị bản án hình sự phúc thẩm của TAND tối cao tại Hà Nội, đề nghị Hội đồng thẩm phán TAND tối cao xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm, hủy bản án hình sự phúc thẩm và sơ thẩm tuyên ông Phượng mức án tử hình.
Cần làm rõ bức cung, nhục hình?
Ngày 30/8, Viện trưởng VKSND Tối cao quyết định kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm đối với bản án hình sự đã xét xử bị cáo Vi Văn Phượng về tội Giết người.
Thông qua vụ án này, Vụ Thực hành quyền công tố và kiểm soát xét xử hình sự, thấy cần rút kinh nghiệm việc áp dụng pháp luật, nhằm đảm bảo cho việc điều tra, truy tố, xét xử đúng pháp luật và nghiêm minh.
Ngày 7/11, Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao đã xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm, quyết định hủy bản án sơ thẩm và phúc thẩm để điều tra lại.
VKSND tối cao cho rằng có một số vấn đề cần rút kinh nghiệm trong vụ án này. Theo đó, quá trình điều tra xét xử vụ án còn nhiều thiếu sót, mâu thuẫn trong việc đánh giá chứng cứ kết tội với Vi Văn Phượng.
Vẫn theo VKSND Tối cao, động cơ giết mẹ của bị cáo là chưa thuyết phục vì bị cáo được hàng xóm, bạn bè đánh giá là sống tình cảm, có hiếu với mẹ. Mặc dù bà Vui bị mù lòa nhiều năm nhưng Phượng vẫn chăm sóc mẹ già, không ngược đãi. Việc vay vàng bị cáo đã trả cho mẹ trước ngày bà Vui chết. Cần phải làm rõ hơn động cơ, mục đích gây án của bị cáo.
Việc tòa án cấp sơ thẩm và phúc thẩm kết án Phượng tử hình về tội Giết người là chưa có căn cứ vững chắc, cần điều tra, làm rõ những vấn đề còn mâu thuẫn, thiếu sót như: yêu cầu cơ quan giám định giải thích rõ về cơ chế chết, cơ chế hình thành vết thương, vết máu bắn trên áo phông, xác định thời gian chết, thời gian máu đông và giám định các vết thương còn bỏ sót, các vật chứng chưa được mô tả hết. Hiện trường vụ án có dấu vết máu hình chữ V dạng nhỏ giọt ở góc tủ trong buồng chưa được làm rõ...
Tại cơ quan điều tra và tại các phiên tòa, bị cáo đều khai bị điều tra viên dọa bắt cháu Vi Văn Hồ (con trai bị cáo) nên ông Phượng đã nhận tội giết mẹ do bị các điều tra viên đánh. Các lời khai do điều tra viên viết sẵn để bị cáo ký tên.
VKSND Tối cao cho rằng cần làm rõ có sự bức cung nhục hình không. Ngoài ra cũng cần giám định tâm thần đối với bị cáo.
Theo Vietnamnet