Ngày 3/12, anh Nguyễn Đình Toàn (48 tuổi, quê huyện Thanh Trì, TP.Hà Nội) lái xe khách chở 8 hành khách từ Lào Cai về Hà Nội, khi đang lưu thông trên cao tốc Nội Bài - Lào Cai địa phận TP.Việt Trì, Phú Thọ, bất ngờ bị một hòn đá đập thẳng vào kính phía trước.
Theo lái xe, thời điểm xảy ra sự việc, chiếc xe chạy tốc độ gần 100km/h. Tài xế giảm tốc độ dừng vào lề đường và phát hiện kính trước xe bị vỡ.
“May là hòn đá đập đúng vị trí tiếp giáp giữa mặt kính và khung sắt, nếu không hậu quả sẽ rất nghiêm trọng. Vụ việc cũng khiến một số hành khách ngồi ghế trước bị mảnh kính văng vào người” – anh Toàn nói.
Cũng trong ngày 3/12, tại Km 89+300 hướng Lào Cai - Nội Bài thuộc địa phận xã Minh Côi (huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ), Đội vận hành và bảo trì số 2 - Trung tâm Điều hành đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai (VEC O&M) phát hiện 2 em học sinh ném đá vào ôtô. Sau đó, các em được cơ quan chức năng bàn giao cho chính quyền địa phương và gia đình giáo dục, quản lý.
Ngày 20/10, khách của nhà xe Đức Phúc đang lưu thông trên QL1A đoạn qua huyện Thanh Liêm (tỉnh Hà Nam) hướng Hà Nội – Ninh Bình bất ngờ bị ném đá. Vụ việc khiến kính chắn gió phía trước của xe bị vỡ nứt, hơn 10 hành khách trên xe hoảng loạn.
Theo thống kê của VEC O&M, từ đầu năm 2016 đến nay đã có hơn 10 vụ xe khách, ôtô bị ném đá, sơn làm bẩn và hư hỏng kính, các trường hợp đều được bàn giao cho công an địa phương xử lý theo quy định và truy tìm nghi phạm.
Cũng theo VEC O&M, mặc dù đơn vị vận hành khai thác tuyến đường thường xuyên phối hợp với chính quyền các địa phương và các trường học tổ chức tuyên truyền đến người dân dọc tuyến đường nhằm nâng cao nhận thức về an toàn đường cao tốc, song hiện tượng trên vẫn chưa chấm dứt triệt để.
Một chiếc xe khách bị ném vỡ kính. |
Có thể xử lý hình sự
Theo luật sư Trần Tuấn Anh (Đoàn Luật sư TP.Hà Nội), việc ném đá vào các phương tiện lưu thông là hành vi nguy hiểm.
“Những người thực hiện hành vi ném đá vào ôtô khi đang lưu thông thì tùy từng tính chất, mức độ của thiệt hại, sự nhận thức đối với hành vi là cố ý hay vô ý, sự nhận thức đối với hậu quả và cách ngăn chặn hoặc hạn chế hậu quả xảy ra sau khi thực hiện hành vi và trong trường hợp thỏa mãn các yếu tố cấu thành tội phạm thì cơ quan điều tra có thể xử lý về một trong các tội như Cố ý gây thương tích hay Tội vô ý làm chết người theo quy định Bộ luật Hình sự” – luật sư Tuấn Anh cho biết.
Theo luật sư Tuấn Anh, nếu ném đá vào ôtô gây thiệt hại tài sản từ 5 triệu đồng trở lên thì người thực hiện hành vi còn có thể bị xử lý về tội Tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản, theo Điều 143 Bộ luật Hình sự.
Cụ thể: Người nào hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác gây thiệt hại từ 2 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng hoặc dưới 2 triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
Trong trường hợp hành vi đó gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng hoặc thiệt hại về tài sản lên tới 500 triệu đồng thì mức án cao nhất mà người phạm tội phải đối mặt là chung thân. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.
Còn trong trường hợp hành vi gây thiệt hại không đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự thì người thực hiện hành vi sẽ bị xử lý theo các biện pháp hành chính được quy định trong Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012. Ngoài ra, trong trường hợp này, người thực hiện hành vi ném đá vào ôtô còn phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại đối với những tổn thất gây ra cho tài xế.
Theo Zing