Trước sự khó khăn của kinh tế, quỹ “tín dụng đen” bùng phát, tình trạng vỡ nợ do vay nợ xấu, lãi suất cao xảy ra khiến dịch vụ “đòi nợ thuê” phát triển trở lại sau một thời gian bị cơ quan chức năng vào cuộc, xử lý. Điều đáng nói, hoạt động “đòi nợ thuê” giờ rút vào hoạt động kín đáo, tinh vi hơn...
đã dùng luật rừng để xử lý các vụ việc (ảnh minh họa)
Chuyển hướng làm ăn
Tốt nghiệp loại khá về ngành luật, Nguyễn Anh Tuấn (SN 1982, quê Bắc Ninh) muốn “bám trụ” ở Hà Nội nên nhận lời vào làm ở Công ty dịch vụ thu hồi nợ Hà Nội. Theo Tuấn, thời điểm tốt nghiệp, những dịch vụ này đang thịnh hành và vào làm việc với vai trò tư vấn, soạn thảo các hợp đồng dịch vụ pháp lý chứ không trực tiếp tham gia đi đòi nợ với mấy “đồng nghiệp” là những đối tượng hình sự chuyên ăn cơm phần mặc áo số nên chẳng sợ liên quan gì.
Trong khi đó, thu nhập hàng tháng rất cao. Theo Tuấn, sau mỗi phi vụ thành công, ngoài lương tháng Tuấn còn được ‘Giám đốc” thưởng tùy theo mức độ trị giá hợp đồng, nó là khoản tiền khá hậu hĩnh vì dịch vụ “đòi nợ thuê” được ăn chia giữa công ty với chủ nợ là 50/50, thậm chí còn cao hơn nữa.
Khác với Tuấn, Nguyễn Văn Hải (có biệt danh Hải rỗ, 37 tuổi, ở huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định), là đối tượng có thời gian ở trong tù nhiều hơn ở ngoài. Năm 2007, sau khi mãn hạn 5 năm tù về tội “Cưỡng đoạt tài sản”, Hải lên Hà Nội đầu quân cho một văn phòng đòi nợ thuê.
Với thân hình vạm vỡ, xăm trổ đầy mình, công việc dọa người, đòi nợ của Hải thuận lợi hơn những “chiến hữu” khác. Hải nhanh chóng được giao cầm đầu hơn 20 anh em chuyên đi “thu hồi nợ” dưới dạng hợp đồng ủy quyền.
Qua người quen, phóng viên đã tiếp cận được Hải, anh ta không ngần ngại “khoe” về những “thành tích” của mình khi cùng anh em thực hiện những cuộc đòi nợ, xiết nợ mang tính côn đồ lưu manh, dọa nạt, ép buộc, “khủng bố” tinh thần… con nợ.
Để đòi được tiền, Hải chẳng từ thủ đoạn nào. Tuy nhiên, sau khi nhiều vụ án đòi nợ thuê bị cơ quan công an triệt phá, văn phòng của Hải được “tư vấn” đi “thu hồi nợ” một cách bài bản hơn.
Mỗi lần đến nhà con nợ, Hải thường một mình đứng ra “nói chuyện” với con nợ. Để thị uy, Hải chỉ cần ghé tai con nợ bảo hãy nhìn đám “lâu la” nghênh ngang đi lại bên ngoài. Thậm chí, Hải ngồi nói chuyện bên trong, ngoài cửa mấy thằng đàn em thay nhau cầm vài con gà giơ lên cắt tiết, hoặc thắp nén hương... “khủng bố” tinh thần con nợ.
Tất cả được làm trong lặng lẽ. Nếu có lực lượng chức năng đến, Hải từ chối chẳng hề quen những người đó.
Hoạt động tinh vi, khó xử lý
Theo Thượng tá Nguyễn Xuân Hùng - Đội trưởng Đội Thanh tra pháp luật (Văn phòng Cơ quan CSĐT - CATP Hà Nội), trước đây nhiều vụ án đòi nợ thuê cũng đã được cơ quan chức năng triệt phá. Thời gian gần đây, nhiều công ty đòi nợ thuê không còn thực hiện dưới hình thức “đòi nợ thuê” mà thực hiện theo kiểu hình thức nhận “gán nợ”.
Sau đó, các đối tượng tiến hành những thỏa thuận về dân sự, ‘trói” dần nợ, gây sức ép bằng nhiều cách khác không đến mức để bị truy cứu trách nhiệm hình sự khiến cơ quan chức năng rất khó xử lý.
Cùng nhận định trên, một điều tra viên CAQ Hà Đông cho rằng, thực tế các vụ đòi nợ thuê trước đây đa số đều được thực hiện theo kiểu côn đồ. Những đối tượng đi đòi nợ thuê dùng nhiều thủ đoạn gây án nghiêm trọng, từ khủng bố, đe dọa đến bắt giữ người, đánh đập. Những khoản nợ xấu chủ yếu là cho nhau vay tiền chơi cờ bạc, lô đề, bóng đá...
Như vậy, chủ nợ và con nợ đều là đối tượng có “máu mặt” nên khi hai bên xiết nợ, trả nợ thường rất manh động, sẵn sàng hành hung, sử dụng vũ khí nóng để đe dọa, uy hiếp, tấn công, truy sát.
Nhiều vụ việc, giữa chủ nợ và con nợ trước đó có quan hệ mật thiết nhưng do mâu thuẫn nợ nần đã xuống tay hết sức tàn độc. Ngược lại, nhiều “con nợ” do không có khả năng thanh toán cũng sẵn sàng đe dọa, uy hiếp, tấn công chủ nợ hoặc tìm “đầu gấu” để nhờ bảo kê.
Nhưng hiện nay, các công ty “thu hồi nợ” đều lách luật để đòi nợ thuê. Khi thực hiện “nhiệm vụ” đòi nợ, họ thực hiện bằng nhiều cách khác nhau như liên tục đến “nhắc nợ”, theo đuôi con nợ khiến cho con nợ không làm ăn được gì.
Bên cạnh đó, nhiều kiểu “khủng bố” tinh thần cũng được thực hiện mà không để lại dấu vết khiến cho cơ quan chức năng rất khó khăn xử lý. Đa số các vụ án đòi nợ thuê bị khởi tố, nếu không xảy ra án mạng thì cơ quan tố tụng thường truy tố vào tội bắt giữ người trái phép; gây rối trật tự công cộng hoặc cưỡng đoạt tài sản...
“Để tránh những trường hợp đòi nợ, xiết nợ xảy ra theo chiều hướng xấu, các cá nhân hoặc công ty khi vay tiền cần phải thiết lập hợp đồng vay nợ rõ ràng. Nếu không thực hiện được đúng hợp đồng hai bên cần phải đưa nhau ra tòa dân sự hoặc kinh tế giải quyết, tránh để cho các đối tượng lợi dụng kẽ hở của luật ép nợ, xiết nợ.
Bên cạnh đó, những cơ quan pháp luật khi tham gia giải quyết vụ việc cũng cần phải có trách nhiệm, tránh tình trạng để cho những đương sự giải quyết theo con đường trái pháp luật” - Thượng tá Nguyễn Xuân Hùng nói.