Người nước ngoài không được mua quá 30% căn hộ trong khu chung cư

Thứ bảy, 05/04/2014, 08:54
Để tránh hình thành những “khu phố Tây”, những khu vực biệt lập hoàn toàn chỉ có người nước ngoài sinh sống, dự thảo luật Nhà ở vừa được chỉnh lý quy định tỷ lệ tối đa 30% số căn hộ, lô nhà trong một dự án, công trình được bán cho người nước ngoài.

Dự luật Nhà ở sửa đổi nêu quan điểm mở rộng đối tượng và điều kiện người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức, cá nhân nước ngoài được mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam để huy động các nguồn lực về vốn, công nghệ, kinh nghiệm… phục vụ cho phát triển đất nước.

Nới điều kiện cho người nước ngoài được mua, sở hữu nhà không hạn chế cũng góp phần thúc đẩy thị trường xây dựng trong nước phát triển, giải quyết việc làm cho người lao động, tạo sự tăng trưởng cho nền kinh tế trên nguyên tắc bảo đảm ổn định chính trị, quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội và phát triển bền vững.

Cụ thể, theo quy định tại Điều 153, Điều 155 của dự thảo luật thì người Việt Nam định cư ở nước ngoài nếu được phép nhập cảnh vào Việt Nam, về cơ bản có các quyền về nhà ở như công dân Việt Nam ở trong nước. Tổ chức, cá nhân nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam, được nhập vào Việt Nam có quyền sở hữu nhà ở tại các dự án không hạn chế về số lượng.

Thời hạn sở hữu đối với tổ chức thì tối đa không quá thời hạn ghi trong giấy chứng nhận đầu tư, với cá nhân thì thời hạn sở hữu là 50 năm nhưng có thể được gia hạn nếu có nhu cầu. Người nước ngoài có nhà cũng có quyền cho thuê nhà ở.

Tán thành định hướng mở rộng cho phép người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam có quyền sở hữu nhà ở nhưng cơ quan thẩm tra luật - UB Pháp luật của Quốc hội đề nghị cơ quan soạn thảo (Bộ Xây dựng) nghiên cứu quy định điều kiện chặt chẽ hơn nhằm bảo đảm lợi ích quốc gia, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh, đặc biệt là tại địa bàn, khu vực trọng yếu.

Thường trực UB Pháp luật lưu ý nguyên tắc, quy định việc không được mua nhà ở tại các khu vực đặc biệt; hạn chế về số lượng nhà ở được mua trong một khu vực; hạn chế số lượng căn hộ được mua trong một tòa nhà chung cư… để tránh hình thành những khu vực biệt lập hoàn toàn, chỉ có người nước ngoài sinh sống.

Bên cạnh đó, cũng có ý kiến băn khoăn đề nghị làm rõ là với nhu cầu còn rất lớn về nhà ở của người dân đang sinh sống trong nước cũng như điều kiện để tạo lập nhà ở còn rất khó khăn thì việc mở rộng các đối tượng được sở hữu nhà ở đối với các đối tượng này, nhất là người nước ngoài như dự thảo Luật sẽ có tác động như thế nào đến quyền có nhà ở của người dân và thị trường bất động sản.

Người nước ngoài không được mua quá 30% căn hộ trong khu chung cư
Quy định trần tỷ lệ 30% số căn hộ/lô nhà trong một tòa chung cư, một khu đô thị được bán cho người nước ngoài là để tránh hình thành những "khu phố Tàu", "khu phố Tây"... tại các đô thị.

Về vấn đề này, đại biểu Phan Văn Quý (Nghệ An) cho rằng, với ý kiến e ngại việc cho người nước ngoài mua nhà sẽ làm lũng đoạn thị trường bất động sản thì hướng xử lý không khó, chỉ cần khống chế hạn mức như một người được mua, sở hữu bao nhiêu căn nhà.

Ông Quý băn khoăn hơn về tính nhạy cảm với từng khu vực. Đối chiếu với quy định của nhiều nước như, Canada cho mua thoải mái nhưng Singapore cũng chỉ cho phép người nước ngoài mua chung cư, không được sở hữu nhà đất, ông Quý đề nghị nghiên cứu quy định chặn trước những trường hợp tương tự việc cho thuê đất rừng rồi khi đòi lại vướng như vừa qua.

Phó Chủ nhiệm UB Pháp luật Lê Minh Thông cũng tán thành quan điểm tạo điều kiện cho người nước ngoài mua, sở hữu nhà. Vấn đề quan trọng, theo ông Thông là người mua nhà phải chứng minh được nguồn thu nhập hợp pháp để tránh việc lợi dụng, rửa tiền.

Ông Thông cũng nêu một cảnh báo, Việt Nam có địa hình lãnh thổ hẹp, ít đất, cần thực sự chắt chiu khâu khai thác, sử dụng nên trước hết chỉ nên cho phép người nước ngoài mua chung cư, hạn chế mua nhà đất, biệt thự.

Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương lật lại, việc chứng minh thu nhập để mua nhà hợp pháp hay không là yêu cầu rất khó khăn khi đưa vào áp dụng ở Việt Nam. Ồng Cương đặt giả thiết, làm thế nào chứng minh được nguồn tiền mua có hợp pháp hay không khi người mua khai tiền có do kinh doanh, do được thừa kế…

Đại biểu Trương Thị Ánh thì đề nghị làm rõ căn cứ để đưa ra quy định về tỷ lệ tối đa 30% số căn hộ, lô nhà trong một dự án, công trình được bán cho người nước ngoài.

Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng phân tích, quy định hạn chế số lượng này mới được bổ sung vào dự thảo luật trong lần chỉnh lý gần đây để chặn trước, không để hình thành những khu phố của người nước ngoài, khu đô thị của người nước ngoài. Tuy nhiên, cơ sở để đưa ra con số 30%, ông Dũng xác nhận, còn cảm tính, cần xem lại cụ thể để “chốt” được tỷ lệ hợp lý, khoa học nhất.

Một nội dung khác nhận nhiều ý kiến của các ủy viên UB Pháp luật là về thời điểm chuyển quyền sở hữu nhà ở. Đến thời điểm này vẫn có hai loại ý kiến. Loại ý kiến thứ nhất đề nghị quy định thời điểm chuyển quyền sở hữu nhà là khi bên mua thanh toán đủ tiền mua cho bên bán hay thời điểm người mua nhận bàn giao nhà ở từ chủ đầu tư… Loại ý kiến thứ hai đề nghị quy định một thời điểm chuyển quyền sở hữu nhà duy nhất là kể từ khi nhà ở được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở.

Góp ý thêm nội dung này, Phó Chánh án TAND tối cao Trần Văn Độ đặt vấn đề, luật làm cần xuất phát từ quy định của Hiến pháp mới về vấn đề bảo vệ quyền con người, quyền công dân. Theo đó, người dân có quyền được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà chứ không chỉ là quyền yêu cầu được cấp giấy. Vì vậy, trách nhiệm của nhà nước là phải cấp giấy chứng nhận cho người dân chứ không phải là xem xét để cấp hay không cấp.

Đi liền theo đó, quyền sở hữu nhà và việc đăng ký quyền sở hữu nhà cũng là hai vấn đề khác nhau. Quan điểm làm luật trước đây là lấy sự thuận tiện cho cơ quan quản lý nhà nước để áp đặt thành các quy định buộc người dân phải thực hiện. Theo ông Độ, khi giao dịch mua bán hoàn thành là người chủ mới đương nhiên có quyền sở hữu nhà, không thể quy định phải đăng ký mới được xác lập quyền sở hữu.

Ông Độ dẫn chứng, quy định hiện tại đang gây thiệt hại cho nhiều người dân. Tòa án các cấp đã phải giải quyết nhiều vụ kiện mà căn nhà được mua bán, người mua đã đến ở nhiều năm nhưng chưa đủ điều kiện để đăng ký quyền sở hữu (có cả lý do phí đăng ký quá cao). Sau đó giá bất động sản lên, người bán lật kèo, kiện đòi nhà mà cuối cùng đành phải hủy giao dịch, buộc người mua trả nhà.

Tán thành phân tích này, Phó Chủ nhiệm UB Pháp luật Lê Minh Thông nhất trí với hướng quy định như trong dự thảo luật với nguyên tắc tuân thủ quy luật thị trường, xác định thời điểm chuyển quyền sở hữu là lúc giao dịch mua bán hoàn thành, “tiền trao cháo múc”. Còn việc đăng ký là để phục vụ yêu cầu quản lý của cơ quan nhà nước, không phải là quy định bắt buộc với người dân. Quy định theo hướng này cũng đúng với tinh thần của luật Đất đai mới.

Chủ nhiệm UB Pháp luật Phan Trung Lý ủng hộ yêu cầu bám sát Hiến pháp mới khi làm luật vì nhà ở là một tài sản quan trọng của người dân, quyền tài sản là một quyền cơ bản được pháp luật bảo hộ.

Theo Dân trí

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích