"Paris trong lòng HN" xuống cấp: Bitexco phải tự cảm thấy xấu hổ

Thứ tư, 14/05/2014, 08:08
"Khi quảng bá The Manor là Paris trong lòng Hà Nội thì tự nhà đầu tư Bitexco phải cảm thấy xấu hổ" – GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT nhấn mạnh.

Sau một số vụ việc “lùm xùm” tại chung cư kiểu mẫu The Manor, nơi được mệnh danh là “Paris trong lòng Hà Nội” về việc cấp sổ đỏ cho cư dân, tình trạng xuống cấp của trang thiết bị sử dụng trong tòa nhà và gần đây là chất lượng nước thải của tòa nhà được đánh giá là "ô nhiễm hơn sông Tô Lịch"…thì thương hiệu của Bitexco gần như bị đánh gục.

Chia sẻ quan điểm về vấn đề này, GS Đặng Hùng Võ, chuyên gia bất động sản, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, đây không phải là chuyện hiếm thấy. Bởi lẽ, việc xuống cấp ở các khu chung cư tại Việt Nam đã xảy ra phổ biến trong nhiều năm nay.

Ông Võ lý giải: “Chúng ta chưa quen với văn hóa chung cư, chưa biết cách tổ chức vận hành dịch vụ chung cư từ người xây dựng, quản lý hay cư dân ở đó. Để đặt cho tòa chung cư này cái biệt danh mỹ miều là “Paris trong lòng Hà Nội” thì tôi tin người đầu tư, xây dựng đều có ý tưởng tốt về chung cư kiểu mẫu, đẹp, giá cao. Tuy nhiên, khi đưa vào sử dụng, nếu vận hành dịch vụ không tốt và xuống cấp là điều dễ xảy ra. Chắc chắn chỉ sau 6 tháng là hỏng hóc, xuống cấp chứ chẳng cần phải chờ đến 1 năm!”.

GS Đặng Hùng Võ - Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng Bitexco nên tự xấu hổ vì để The Manor xuống cấp.
GS Đặng Hùng Võ - Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng Bitexco nên tự xấu hổ vì để The Manor xuống cấp.
Nói về trách nhiệm trong việc để khu chung cư này trở nên hoang tàn, tối tăm như "nghĩa địa", ông Võ khẳng định, trách nhiệm đầu tiên sẽ thuộc về chủ đầu tư Bitexco mặc dù họ đã chuyển lại cho công ty Savills quản lý từ tháng 8/2013.

Dù trên hợp đồng có ký thế nào thì trách nhiệm của nhà đầu tư là đảm bảo hệ thống, thiết bị xử lý nước thải của tòa nhà phải được vận hành tốt bởi họ đã thu phí bảo trì của cư dân trong vòng 7 năm. Họ phải là người tổ chức không gian công cộng chứ không phải người dân.

“Ngay khi quảng bá The Manor là Paris trong lòng Hà Nội thì tự nhà đầu tư Bitexco phải cảm thấy xấu hổ. Tôi chưa nói theo pháp luật thì trách nhiệm thuộc về ai nhưng chỉ riêng với văn hóa kinh doanh của nhà đầu tư thì họ phải thực hiện xứng đáng với cái tên đã đặt ra, đã quảng bá. Đó chính là cách thức để đẩy thương hiệu của mình lên cao”, ông Võ nói.

Đối với Savills, Savills tiếp quản từ công ty CP Quản lý Bất động sản Bình Minh Thăng Long (công ty con của Bitexco) từ cuối năm 2013 thì chắc chắn họ cũng phải có trách nhiệm khi để tình trạng này xảy ra. “Sự tiếp quản của Savills có sự đồng ý của cư dân ở đó hay chỉ là mua bán chuyển nhượng giữa Bitexco và Savills? Khi chuyển nhượng quản lý, cần có sự thỏa thuận giữa cư dân, chủ đầu tư Bitexco và người cung cấp dịch vụ mới về trách nhiệm của Savills như thế nào, giá cung cấp dịch vụ là bao nhiêu… Bản thân Savills khi tiếp quản có phát hiện hỏng hóc, xuống cấp thì phải có kế hoạch nâng cấp bởi vì Savills đã nhận cung cấp dịch vụ ở đó.

Tôi phê phán văn hóa kinh doanh của cả hai doanh nghiệp này. Họ “đá bóng sang nhau” và im lặng, không nhận trách nhiệm. Tôi cho rằng, họ phải đặt cư dân là trung tâm chứ không phải là “cuộc chơi” của hai nhà đầu tư”, vị chuyên gia này nhấn mạnh.

THE MANOR
Những hình ảnh chúng tôi ghi lại được về hệ thống xử lý nước thải của tòa nhà The Manor.
Những hình ảnh chúng tôi ghi lại được về hệ thống xử lý nước thải của tòa nhà The Manor.

Ngoài ra, những cư dân ở chung cư The Manor cũng có phần trách nhiệm trong vụ việc này bởi những cư dân trong chung cư chưa có tính chuyên nghiệp trong tư duy (thiếu sót trong việc ký hợp đồng, khoảng trống trong hợp đồng lao động). Tuy nhiên không thể đổ lỗi toàn bộ cho cư dân The Manor.

“Nếu người nào đổ lỗi cho cư dân ở đó là hoàn toàn không hiểu văn hóa chung cư, văn hóa vận hành chung cư. Ban quản trị tòa nhà cũng chỉ là người đại diện tiếng nói cho cư dân ở đó đứng ra yêu cầu với nhà đầu tư, người cung cấp dịch vụ chứ không phải cung cấp dịch vụ”, GS Đặng Hùng Võ tái khẳng định.

Theo ông Võ thì điều đáng phê phán ở đây chính là sự thiếu chuyên nghiệp trong đầu tư chung cư ở Việt Nam và nhà đầu tư, người công ty cung cấp dịch vụ chưa làm hết trách nhiệm.

“Người thiệt thòi, chịu hệ quả ở đây là người tiêu dùng bởi pháp luật chúng ta còn nhiều khoảng trống trong quản lý về nhà chung cư. Hiện nay không phải lúc đổ lỗi cho nhau, bỏ mặc cư dân mà Bitexco và Savills cần  ngồi lại với nhau cam kết với cư dân sẽ làm gì, công khai hợp đồng giữa hai bên.

Đồng thời cơ quan quản lý nhà nước như thanh tra xây dựng, cảnh sát môi trường phải vào cuộc để bảo vệ quyền lợi cư dân khi pháp luật còn nhiều khoảng trống nhất định”, ông bày tỏ.

Qua vụ việc chung cư kiểu mẫu The Manor bị phản ánh xuống cấp như vậy, GS Đặng Hùng Võ cho rằng đây là bài học đắt giá mà chúng ta phải rút kinh nghiệm.

“Chúng ta cần quan niệm lại về sự vận hành khu chung cư, không chỉ quan tâm đến “xác nhà” hay đầu tư trang thiết bị mà quan trọng là sự vận hành dịch vụ trong quá trình và cần có cách thức quản lý dịch vụ như thế nào để người dân được hưởng mức sống tương đương với số tiền họ bỏ ra”, GS Đặng Hùng Võ nhấn mạnh lần nữa.

Theo Trí Thức Trẻ

Các tin cũ hơn