Tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương – TPP, Việt Nam được lợi nhiều nhất do là nước có nền kinh tế thấp nhất trong TPP. Dòng tiền gián tiếp từ nước ngoài qua thị trường chứng khoán hoặc góp vốn mua cổ phần DN Việt sẽ tăng lên dẫn tới tổng đầu tư tăng, tổng nguồn vốn tăng…
Đó là những quan điểm của doanh nhân, Đại biểu Quốc hội Đặng Thanh Tâm khi trao đổi riêng với chúng tôi xung quanh những tác động của TPP lên nền kinh tế.
Ông có thể đánh giá ngắn ngọn về tác động của TPP như thế nào đến kinh tế Việt Nam?
Ông Đặng Thành Tâm: TPP là thắng lợi lớn của Chính phủ, Bộ Công thương và đoàn đàm phán, tất nhiên, Đảng và Nhà nước đã hoạt động rất tích cực và nỗ lực để có được kết quả này.
Theo tôi, TPP là bước tiến quan trọng để tiến đến tự do hóa thương mại và đầu tư trong APEC, rồi tới toàn cầu, đương nhiên đây là đoạn đường dài, nhưng may mắn là Việt Nam là 1 trong 12 thành viên sáng lập.
Việt Nam là nền kinh tế có mức thấp nhất trong khối TPP nên theo tôi được hưởng lợi vô cùng lớn. Do đó, trong những năm tới nền kinh tế nước ta sẽ phát triển đột phá. Thể chế cũng sẽ dần được điều chỉnh để phù hợp với tiến trình hội nhập này.
Theo nội dung của Hiệp định TPP thì Việt Nam được ưu tiên nhất, bởi đa số các nước mở cửa ngay cho VN, thuế xuất nhập khẩu vào các nước này giảm ngay về 0%, còn nước ta thì được xây dựng lộ trình giảm thuế và mở cửa theo lộ trình để DN Việt có thêm thời gian chuẩn bị, và không bị cạnh tranh gay gắt ngay từ đầu…Đây là điều rất thuận lợi cho nước ta. Nên tôi dám mạnh dạn cho rằng đây là thắng lợi to lớn! Và người dân được hưởng lợi nhiều nhất.
Theo quan điểm của ông so với WTO trước đây, TPP lần này có ý nghĩa như thế nào?
Ông Đặng Thành Tâm: Nhìn chung, vào WTO chúng ta tham gia ở giai đoạn năng lực cạnh tranh kém, bị động, lại vào lúc khủng hoảng tài chính toàn cầu,…nên tác động cả tích cực và tiêu cực lên nền kinh tế. Khi đó chúng ta buộc phải chấp nhận các điều kiện của tất cả các thành viên, nên về cơ bản không được ưu ái gì. Tuy nhiên, do chủ trương hội nhập là đúng đắn, nên chúng ta quyết tâm tham gia.
Còn với TPP, chúng ta được ưu ái tham gia sáng lập, có điều kiện để đàm phán. Nên tôi mới nói TPP là thắng lợi lớn, do các nước lớn họ cũng thấy được lợi ích khi tạo điều kiện cho Việt Nam phát triển…do nước ta có vị trí chiến lược quan trọng về nhiều mặt.
Ông có nhận định gì về ảnh hưởng của TPP lên thị trường tài chính và bất động sản?
Ông Đặng Thành Tâm: Tôi cho rằng thời gian tới thị trường tài chính sẽ nhộn nhịp, năng động. Điều này có được do lưu thông tiền tệ trong các nước TPP thuận lợi, tỷ giá ổn định sẽ giúp dòng tiền đầu tư trực tiếp và gián tiếp đổ vào VN…dẫn tới nền sản xuất trong nước tăng trưởng mạnh, xuất khẩu cũng sẽ tăng mạnh.
Theo tôi, tiến tới nước ta sẽ thặng dư ngoại tệ, dòng tiền gián tiếp từ nước ngoài qua thị trường chứng khoán hoặc góp vốn mua cổ phần DN Việt sẽ tăng lên. Dẫn tới tổng đầu tư tăng, tổng nguồn vốn tăng nhưng lại không làm tăng dư nợ quốc gia…chắc chắn thị trường chứng khoán hồi phục mạnh. Các DN cũng sẽ tiếp cận được nguồn vốn rẻ từ nước ngoài với lãi suất thấp.
Đối với thị trường bất động sản, theo tôi dự báo giá cả sẽ tốt hơn và sản phẩm đa dạng hơn nhờ yếu tố hội nhập của nước ngoài.Do có nhiều nhà đầu tư nước ngoài đổ vào BĐS Việt Nam nên DN địa ốc Việt cũng sẽ tiếp cận nguồn vốn giá rẻ này dễ dàng hơn. Người mua nhà sẽ được lợi.
Theo tôi, khi tham gia TPP, nhà đầu tư nước ngoài tuy họ mạnh về kinh nghiệm và tài chính, có tư duy phát triển dự án tốt nhưng DN Việt lại có lợi thế về đất đai, vị trí tốt nên họ có điều kiện phát triển mạnh hơn khi tiếp cận tốt hơn nguồn vốn, đồng thời có lợi thế trong thương thảo với đối tác nước ngoài (ví dụ trong nước góp đất, nước ngoài góp tiền).
Thách thức đối với bất động sản đó là giá sẽ rẻ hơn, có nhiều nhà ở với tiện ích và đẹp hơn…nên người mua được hưởng lợi. Chủ dự án nào làm không tốt người dân sẽ tẩy chay, chứ không như trước kia một thời chủ dự án muốn làm gì thì làm, dân phải chịu.
Nhiều quan điểm cho rằng lĩnh vực hạ tầng được hưởng lợi lớn nhờ TPP, là chủ doanh nghiệp kinh doanh BĐS hạ tầng lâu năm, quan điểm của ông thế nào?
Ông Đặng Thanh Tâm: Có thể nói hạ tầng được lợi nhiều hơn là thách thức. Bởi chưa ký TPP chính thức mà các KCN đã và đang được hưởng lợi lớn vì nhà đầu tư nước ngoài đến nhiều, doanh số và lợi nhuận tăng vọt. Thách thức có chăng cũng chỉ nằm ở năng lực quản trị điều hành cũng như xây dựng cơ sở hạ tầng để đáp ứng chưa kịp nhu cầu này, và dịch vụ cũng chưa theo kịp, hay việc cung cấp điện, nước cũng là vấn đề cần tính toán và chuẩn bị cho tốt.
Một thách thức khác khi tham gia TPP đó là làm sao để không bị lệ thuộc kinh tế khi đầu tư nước ngoài ồ ạt vào VN. Do đó, theo tôi cần có chính sách để DN Việt tăng sức cạnh tranh và chuẩn bị tốt hơn.
Đối với Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc (KBC), chúng tôi cũng đã chuẩn từ nhiều năm. KBC cũng đã chuẩn bị quỹ đất đủ lớn, và ở hầu hết các địa phương trọng điểm để chủ động thu hút đầu tư, chọn lọc lĩnh vực thu hút đầu tư như KBC rất thành công thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao.
Công ty cũng đã xây dựng nhiều nhà xưởng, để khi nhà đầu tư vào là nhanh chóng đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh. KBC có KCN ở nhiều địa phương nên đáp ứng được đa dạng nhu cầu của nhà đầu tư.
Xin cám ơn ông!
Theo Tri Thức Trẻ