Công trình trên cao, nhà dân dưới thấp
Saigon One Tower nằm ngay trục đường đắc địa Hàm Nghi - Tôn Đức Thắng – Võ Văn Kiệt (quận 1) trên khu đất có diện tích 6.672m2. Đây là một vị trí độc đáo, có tầm nhìn toàn cảnh trung tâm thành phố, quận 4 và cả trung tâm tài chính Thủ Thiêm - quận 2. Dự án gồm một tòa tháp đôi 5 tầng hầm và 41 tầng cao, trong đó 6 tầng khối đế dành cho bán lẻ có diện tích 23.000m2; khu văn phòng hạng A 34 tầng, còn lại là khu căn hộ cao cấp đạt chuẩn quốc tế 133 căn.
Tổng mức đầu tư theo công bố ban đầu là 256 triệu USD (hơn 5.000 tỷ đồng). Dự kiến, tòa nhà sẽ cao thứ hai ở TP.HCM (trên 195m) tại thời điểm hoàn thành (sau Bitexco Financial Tower 68 tầng). Hiện tòa nhà này đang cao thứ ba tại TP.HCM, sau Vietcombank Tower (206m).
Chủ đầu tư, Công ty cổ phần Địa ốc Sài Gòn M&C là liên doanh gồm các cổ đông: Công ty cổ phần M&C (49%), Ngân hàng TMCP Đông Á (6%), Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng Đông Á (10%), Công ty cổ phần Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (5%) và 30% phần vốn nhà nước được huy động từ Tổng công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist).
Nằm trên trục đường đắc địa nhất khu vực trung tâm TP.HCM, Saigon One Tower với kinh phí đầu tư 5.000 tỷ đồng, cao thứ 3 Sài Gòn, lại "chết đứng" khi đã xây dựng xong phần thô. |
Là dự án tạo tiếng vang và được chờ đợi ở khu trung tâm thành phố, sau 2 năm khởi công, Saigon One Tower rơi vào bế tắc. Tính đến thời điểm ngưng thi công cuối năm 2011, ước 80% khối lượng công việc đã hoàn thành. Những hạng mục còn lại gồm lắp kính phần bên ngoài tòa nhà, cơ điện, xây dựng vách ngăn, lát sàn...
Saigon One Tower đã xây dựng gần xong, nhưng phía mặt đường Hàm Nghi vẫn còn gần chục căn nhà trên khu đất dự án chưa di dời. Hiện các hộ dân này vẫn được cho thuê kinh doanh, buôn bán tấp nập, mặc công trình sắt thép treo lơ lửng xung quanh.
Trong số đó có một quán bia chiếm diện tích khá lớn, một quán cà phê khách vẫn ra vào đều đặn. Các căn còn lại là cửa hàng văn phòng phẩm, hàng ăn và văn phòng của một doanh nghiệp. Ngoài ra, nơi đây còn có một căn nhà đang xây dở dang và một khu đất trống được tranh thủ làm bãi giữ xe.
Nghe khách hỏi thăm tới tòa nhà, ông Minh, một người sống gần khu vực này, chép miệng tiếc rẻ: “Một đống vàng mà họ bỏ hoang 4 năm nay rồi”. Tự nhận mình là một cò đất nhỏ, chuyên môi giới mua bán nhà nát, cho thuê phòng trọ, ông Minh chia sẻ, những ngôi nhà còn lại trên khu đất dự án là chưa thỏa thuận mua bán được với nhà đầu tư.
Cò này cho biết, chủ nhà cũng ý thức được căn nhà của họ có vị trí rất đặc biệt, sát với Bến Nhà Rồng nên thương lượng mua rất khó. Khi dự án dừng, những căn nhà này không kịp bán, nhưng cũng không thể sống bên cạnh công trình hoang hóa nên các chủ nhà cho thuê mặt bằng và dời đi nơi khác, ông Minh thông tin.
Saigon One Tower (ngoài cùng bên trái) cùng Bitexco, Saigon Times Square và Vietcombank Tower là cụm 4 tòa nhà cao nhất TP.HCM tạo điểm nhấn đặc biệt cho khu vực trung tâm thành phố. |
Bán cà phê lâu năm ở con hẻm đối diện, cha con anh Tính đã chứng kiến nhiều chuyện thay đổi từ khi công trình này đào móng cho đến khi treo thông báo dừng thi công. Anh chia sẻ, một thời gian dài công nhân xây dựng, nhân viên làm việc ở đây bị nợ lương, liên tục kéo đến đòi nợ.
“Ngày tòa nhà khởi công rầm rộ lắm, dân khu vực này ai cũng chờ một công trình chọc trời nữa hình thành. Nếu dự án không dang dở thì bây giờ, khu này đã có đủ 4 tòa nhà cao nhất Sài Gòn rồi”, anh Tính nói.
Cũng theo chủ quán cà phê, dù dự án không còn xây dựng nhưng vẫn có bảo vệ cẩn thận. Riêng với những nhà dân xung quanh, không bán được cho chủ dự án, họ quay về nhịp sống trước kia là cho thuê làm hàng quán. Tại đây, một ngôi nhà vừa xây 2 tầng đang hoàn thiện.
Chờ đến bao giờ?
Theo kế hoạch ban đầu, dự án sẽ được hoàn tất năm 2011, rồi hoãn sang tháng 4/2012...
Tổng giám đốc một doanh nghiệp bất động sản có thâm niên và kinh nghiệm “săn” cao ốc đầu tư dang dở trên địa bàn TP.HCM chia sẻ, hội đồng quản trị công ty của ông từng đề cập chuyện tham gia Saigon One Tower nếu chủ đầu tư có ý sang nhượng. Tuy nhiên, qua tìm hiểu thì dự án có nhiều vấn đề khiến cho ý định này không được thực hiện.
Dự án hoàn thành 80% nhưng vẫn còn khá nhiều hộ dân nằm bên trong, trong đó có nhà đang xây dựng |
Vị tổng giám đốc này cũng cho rằng, việc dự án dừng lại chờ thị trường hồi phục cũng là chiến lược kinh doanh của chủ đầu tư. Song hiện nay, thị trường bất động sản đã hết khó, nhưng khi nào Saigon One Tower sẽ khởi động trở lại chưa có câu trả lời.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM nhận định, ở giai đoạn 2006-2007, khi đầu tư tòa nhà này, nhà đầu tư ảo tưởng về thị trường chỉ đi lên mà không xuống. Nhưng thị trường đã đóng băng ngay tháng 2/2008, họ trở tay không kịp.
Trao đổi với PV, ông Trần Trọng Tuấn – Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM, cho biết, Saigon One Tower cũng như một số dự án dở dang khác trên địa bàn thành phố bị ngưng trệ có nhiều nguyên nhân, trong đó cơ bản nhất là doanh nghiệp gặp khó khăn về vốn. Về quản lý nhà nước, Sở chịu trách nhiệm theo dõi, nắm tình hình, hỗ trợ nhà đầu tư giải quyết các vướng mắc, khó khăn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp tục thực hiện dự án.
“Chúng tôi cũng khuyến cáo chủ đầu tư quan tâm đặc biệt đến vấn đề quản lý chất lượng công trình, giữ cảnh quan đô thị, môi trường. Dự án này nhà đầu tư đã bỏ rất nhiều tiền của, công sức, chúng ta phải chia sẻ khó khăn với nhà đầu tư. Việc dự án ngưng trệ là ngoài mong muốn của họ”, ông Tuấn nói.
Cũng theo ông Tuấn, thành phố đã giao các đơn vị liên quan giám sát, hỗ trợ nhà đầu tư giải quyết kịp thời các khó khăn. Bên cạnh đó, các đơn vị cũng đôn đốc doanh nghiệp hoàn thiện các thủ tục liên quan cũng như thu xếp nguồn vốn, để tái khởi động trở lại ngay cuối năm nay.
Ông Trần Hùng Việt, Tổng giám đốc Saigontourist, đơn vị nắm 30% vốn của dự án, tiết lộ với PV, dự án đã có đơn vị đứng ra thu xếp vốn, kiện toàn lại bộ máy nhân sự và các vấn đề liên quan. Chủ đầu tư đang cố gắng để khởi động lại việc hoàn thiện tòa nhà trong thời gian tới.
Theo Zing