Hiện nay, lượng tiền ngầm đổ vào BĐS rất lớn, không những BĐS trong nước mà còn đổ ra đầu tư BĐS ở nước ngoài. Trong thời gian tới, dòng tiền đổ vào thị trường BĐS sẽ tiếp tục tăng mạnh.
Ngoài doanh nghiệp FDI, kiều hối thì các dòng tiền khác đổ vào cũng khá lớn. Rất nhiều cơ chế, gói hỗ trợ của các ngân hàng thương mại dành cho bất động sản.
Dòng tiền dồi dào đang đổ vào thị trường BĐS là nguyên nhân chính đẩy giao dịch thị trường bất động sản thời gian vừa qua tăng mạnh hơn cả thời kỳ đỉnh cao trước đó.
Cho đến thời điểm này, có thể nói những ngày tháng tươi đẹp đang trở lại với các doanh nghiệp BDS sau nhiều năm ảm đạm. Thị trường bất động sản đang trở thành kênh đầu tư hấp dẫn, nơi trú ẩn an toàn của dòng vốn.
Đánh giá về dòng tiền đang đổ vào thị trường BĐS hiện nay, TS Cấn Văn Lực - Cố vấn cấp cao Chủ tịch HĐQT Ngân hàng BIDV cho rằng: "Bất động sản là một lĩnh vực quy mô không lớn lắm nhưng sự lan tỏa của nó là rất lớn. Quy mô thị trường BĐS của chúng ta tính đến năm 2013 chỉ ở mức khoảng 21 tỷ USD".
"Thống kế ở nước ngoài cho thấy BĐS chiếm khoảng 40% lượng của cải vật chất ở mỗi nước, các hoạt động kinh tế chiếm khoảng 30% tổng hoạt động của nền kinh tế. Ở Việt Nam chúng ta chưa có thống kê cụ thể nhưng tôi tin chắc rằng BĐS cũng phải chiếm đến 30-40% của cải của nền kinh tế", ông Lực nhấn mạnh.
Vị Cố vấn cao cấp Chủ tịch HĐQT Ngân hàng BIDV cũng cho biết thêm: "Như một báo cáo đã từng được công bố, khi đầu tư 1 đồng đầu tư vào BĐS sẽ tạo ra 1,5-2 đồng. Điều này cho thấy tính lan tỏa của BĐS sang đến các ngành nghề khác như Xây dựng, xây lắp, vật liệu xây dựng.....rất mạnh."
Chính vì tỷ suất sinh lời cao nên BĐS được xem là kênh có sức hút lớn đối với dòng tiền. "Hiện nay, lượng tiền ngầm đổ vào BĐS rất lớn, không những BĐS trong nước mà còn đổ ra đầu tư BĐS ở nước ngoài. Trong thời gian tới, dòng tiền đổ vào thị trường BĐS sẽ tiếp tục tăng mạnh", ông Lực khẳng định.
Mới đây, đánh giá về tình hình cho vay của các ngân hàng đối với lĩnh vực bất động sản, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM cũng đã trả lời báo chí rằng thị trường bất động sản hiện nay có sự khởi sắc, phục hồi giá cả và số lượng giao dịch thành công. Bên cạnh đó, nhiều dòng vốn hiện nay ưu tiên đổ vào bất động sản.
"Ngoài doanh nghiệp FDI, kiều hối thì các dòng tiền khác đổ vào cũng khá lớn. Rất nhiều cơ chế, gói hỗ trợ của các ngân hàng thương mại dành cho bất động sản. Các chủ đầu tư cũng chú trọng xây nhà cho người có mức thu nhập trung bình… ", ông Minh nhấn mạnh.
Theo thống kê, 11 tháng đầu năm 2015, FDI đăng ký vào BĐS đạt 2,33 tỷ USD tăng gần gấp đôi so với con số 1,27 cùng kỳ năm 2014. FDI vào BĐS trong 11 tháng đầu năm cũng chiếm 11,5% (so với 7,3% trong năm 2014) tổng vốn FDI đăng ký. Số liệu mới nhất của NHNN Chi nhánh TP.Hồ Chí Minh cũng cho thấy, tính đến cuối tháng 9/2015, lượng kiều hối đổ về khu vực này ước đạt 3,25 tỷ USD, cả năm 2015 dự kiến là 5,5 tỷ USD. Trong đó, tỷ lệ kiều hối chảy vào BĐS khoảng 20,7%.
Dòng tiền dồi dào đang đổ vào thị trường BĐS là nguyên nhân chính đẩy giao dịch thị trường bất động sản tăng mạnh hơn cả thời kỳ đỉnh cao trước đó. Giao dịch tăng mạnh nhưng theo hướng tập trung vào những dự án có quy mô đủ lớn, thuận lợi về mặt giao thông, có đầy đủ tiện ích, có uy tín chủ đầu tư, nhà thầu lớn…
Cụ thể, theo số liệu từ Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS (Bộ Xây dựng) cho biết, tại Hà Nội lượng giao dịch 11 tháng năm 2015 đạt khoảng 17.750 giao dịch, tăng khoảng 80% so với cùng kỳ năm trước. Tại TP.HCM, lượng giao dịch 11 tháng năm 2015 đạt khoảng 17.050 giao dịch, tăng khoảng 92% so với 11 tháng năm 2014.
Theo Tri Thức Trẻ