Ảnh minh họa |
Trao đổi riêng với chúng tôi, ông Richard Leech, Giám đốc điều hành CBRE Việt Nam, cho biết hệ thống các trung tâm thương mại, mua sắm thuộc sở hữu của Tập đoàn VinGroup sẽ “thống lĩnh” các dự án bán lẻ hiện đại trong thời gian tới.
Dẫn chứng, hàng loạt các dự án tiêu biểu của VinGroup tại miền Nam như Vincom Quang Trung và Vincom Megamall (TP.HCM); Vincom Biên Hòa (Biên Hòa); Vincom Hùng Vương và Vincom An Giang (Cần Thơ).
Tấp nập khai trương, sôi động mua sắm
Trong năm 2016, VinGroup đang triển khai dự án Vincom Exchange City tại Từ Liêm, Hà Nội có diện tích 23.140m2 là tòa nhà phức hợp gồm chung cư và bán lẻ tại tầng hầm, dự kiến sẽ khai trương vào Quý 4/2016; dự án Vincom Starbowl tại Đống Đa có tổng diện tích sàn trên 51.000m2 cũng dự kiến khai trương vào Quý IV/2016.
Bên cạnh các dự án của VinGroup, đại diện CBRE cho biết một số dự án tiêu biểu sắp khai trương cũng sẽ khiến cho thị trường mặt bằng bán lẻ thêm sôi động. Đơn cử như dự án The Parc của Gamuda (Hoàng Mai, Hà Nội) khai trương vào tháng 12/2015; dự án Hải Phòng – SHP Plaza của Apachem và Tập đoàn VLC dự kiến hoàn thành vào Quý 1/2017.
Ngoài ra, một số trung tâm thương mại, mua sắm sắp đưa vào hoạt động của Emart tại Gò Vấp và Tân Phú; Berjaya Financial Center; Tax Center; The One; Saigon Centre (TP.HCM) dự kiến khai trương vào giữa năm 2016…
Theo ông Richard Leech, mặt bằng bán lẻ tại các trung tâm mua sắm, thương mại đang có xu hướng tạo thành các mô hình mới tại các thành phố, với quy mô nhỏ dưới 20.000m2.
Đáng chú ý là sự mở rộng của các thương hiệu thể dục thể hình tại các trung tâm thương mại khi một vài thương hiệu quốc tế đang tìm kiếm mặt bằng. Trong đó là sự nổi lên của thương hiệu California Fitness Centers khi tuyên bố mở rộng ra toàn quốc với 6 trung tâm, nâng tổng số lên thành 10 vị trí trong năm 2016.
Sự xuất hiện của các thương hiệu bán lẻ mới gia nhập thị trường cũng giúp cho các trung tâm thương mại ngày càng sôi động. Phải kể đến là các hãng thời trang, quán cà phê và nhà hàng, đồ gia dụng, mỹ phẩm… như F&F, Komonoya, Brunello Cucinelli, Tombolini…
Nghiên cứu về hành vi của tiêu dùng của CBRE cũng chỉ ra, cửa hàng mặt phố vẫn là kênh mua sắm chủ yếu được yêu thích nhất; tiếp đến là các trung tâm thương mại; mua sắm trực tuyến và chợ truyền thống.
Xu hướng mới đang hình thành
Trong đó, các trung tâm thương mại đang ngày càng trở thành địa điểm ưa thích nhất trong việc mua sắm, ăn uống và xem phim, đi dạo. Điểm lôi cuốn nhất tại các kênh mua sắm hiện đại này chính là vị trí thuận tiện đi lại, có tất cả trong một, có nhiều tiện ích và dịch vụ…
Tuy nhiên, theo CBRE mua sắm trực tuyến vẫn đang ngày càng phổ biến khi mô hình này đang ngày càng tiết kiệm hơn, thuận tiện hơn với người tiêu dùng. Đồng thời, các cửa hàng bán lẻ truyền thống và tiện lợi vẫn chiếm chủ đạo. Trong đó các cửa hàng nhỏ đang phát triển khá mạnh mẽ với hai cái tên mới nổi lên là VinMart và 7-Eleven.
TS. Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam, cho rằng đây chính là một trong những nguyên nhân khiến cho các trung tâm thương mại bị cạnh tranh gay gắt và rơi vào tình cảnh "chợ chiều" trong thời gian vừa qua.
Do đó, Giám đốc Điều hành CBRE cho rằng trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt trên thị trường bán lẻ, đặc biệt tại các trung tâm mua sắm, cần phải có chiến lược cho khách thuê.
Trong đó, với sản phẩm hàng hóa trung cấp cần nắm bắt xu hướng để gia tăng lượng khách; đặt cửa hàng chính tại vị trí đẹp; hướng tới khu vực trung tâm và tận dụng xu thế thương mại điện tử.
Với hàng hóa cao cấp, cần tập trung vào cửa hàng chủ chốt; trang trí lại cửa hàng; đa dạng hóa sản phẩm, hướng tới bình dân và nắm bắt cơ hội tại các vị trí ngoài trung tâm.
Để các trung tâm thương mại, mua sắm trở thành địa điểm thu hút khách hàng và trở nên sôi động hơn, các chủ đầu tư cần phải có chính sách ưu đãi đối với khách thuê trong nước; cân đối và đa dạng các mặt hàng; linh hoạt hơn về diện tích để đáp ứng nhu cầu thị trường…
Theo Infonet