Những khu mua sắm đáp ứng tiêu chí một điểm đến cho nhiều nhu cầu tại TP.HCM luôn đông nghẹt dịp cuối tuần, lễ, Tết. |
TTTM “cần gì cũng có” tấp nập ra đời
Vốn chỉ quen với các dự án căn hộ, biệt thự lớn tại TP.HCM, Tập đoàn SSG bất ngờ tuyên bố gia nhập thị trường bán lẻ khi đưa trung tâm thương mại (TTTM) Pearl Plaza vào hoạt động cuối tuần qua. Chủ đầu tư đã khéo chọn đúng mùa mua sắm cuối năm để khai trương.
Ông Đinh Ngọc Ninh, Tổng giám đốc SSG, cho biết, tập đoàn đã nghiên cứu rất kỹ trước khi tham gia thị trường bán lẻ vốn tiềm năng nhưng cũng không “dễ ăn” này. “Đây là dự án đầu tiên trong chiến lược thâm nhập lĩnh vực bán lẻ. Chúng tôi đã đầu tư rất chu đáo với nhiều giá trị khác biệt”, ông Ninh nói.
Thiết kế hiện đại của những TTTM kiểu mới là một điểm nhấn hút khách |
Được đầu tư theo mô hình hiện đại, điểm mua sắm mới này dành gần 4.000m2 cho siêu thị cùng 5 tầng bố trí TTTM. Bên cạnh đó là khu thức ăn rộng lớn, khu cà phê, trò chơi cùng các tiện ích như thể thao, rạp chiếu phim và cả địa điểm tổ chức sự kiện, đáp ứng tiêu chí một điểm đến cho mọi nhu cầu.
Cũng mô hình tương tự, SC VivoCity ra mắt hồi tháng 4, đang là điểm mua sắm mới của người dân TP.HCM. Khu mua sắm này có diện tích lên đến 72.000m2, tập trung cả đại siêu thị Co-op Xtra, các thương hiệu thời trang, cụm rạp chiếu phim, khu vui chơi giải trí, giáo dục, ẩm thực, nhà hàng… Một ưu thế khác khiến nơi này luôn đông khách là có công viên ngoài trời cùng sân chơi miễn phí cho trẻ em.
Mô hình trung tâm mua sắm đáp ứng tiêu chuẩn một điểm đến cho nhiều nhu cầu thực tế đã xuất hiện từ mấy năm trước, nhưng rõ nét nhất khi Tập đoàn Aeon của Nhật Bản đưa các TTTM Aeon đến TP.HCM và Bình Dương. Dù không thuận lợi ở trung tâm thành phố, nhưng các điểm mua sắm này giữ được lượng khách ổn định từ ngày mở cửa đến nay, nhờ kiểu kinh doanh hiện đại.
Năm nay, tập đoàn bán lẻ Nhật Bản này cũng kịp ghi dấu ấn sự có mặt tại thị trường Việt Nam bằng việc đưa trung tâm mua sắm lớn tại Hà Nội vào hoạt động và tiếp tục mở rộng đầu tư, để đạt 20 TTTM tại Việt Nam đến năm 2020.
Cũng trong năm nay, Tập đoàn Lotte công bố nắm quyền quản lý và điều hành cao ốc phức hợp Diamond Plaza (quận 1), đánh dấu việc lấn sang kinh doanh TTTM kiểu hiện đại tại TP.HCM, vốn lâu nay chỉ phát triển theo mô hình kinh doanh đại siêu thị.
Điểm mua sắm kiểu cũ “hoàn thành sứ mệnh”
Theo các chuyên gia bất động sản, trong năm 2015, thị trường bán lẻ hiện đại thật sự sôi động, khi nhiều nhà đầu tư lớn cùng đổ vốn vào phân khúc này. Cuộc chạy đua này trái ngược hoàn toàn với tình hình kinh doanh ảm đạm của các TTTM trên địa bàn TP HCM trong gần 3 năm qua. Trong đó, có nơi phải đóng cửa, chuyển nhượng như Thuận Kiều Plaza, hay thu gọn diện tích hoạt động như Parkson Paragon quận 7.
Song theo những người am hiểu thị trường, các TTTM ế ẩm thường thuộc chủ đầu tư ít kinh nghiệm quản lý, hoặc chỉ điều hành duy nhất một trung tâm riêng lẻ, kinh doanh lỗi thời, không phù hợp với thói quen mua sắm của người Việt Nam.
Ông Hoàng Khải, chủ đầu tư tòa nhà Paragon, cho biết, hiện phía Parkson đã thu hẹp kinh doanh thương mại tại tòa nhà xuống chỉ 3 tầng, phần diện tích trống ông đã ký hợp đồng cho thuê văn phòng. Có kinh nghiệm lâu năm trong kinh doanh lĩnh vực này, ông Khải cho rằng, mình không ngạc nhiên khi thấy Parkson ngày càng vắng khách.
Theo chia sẻ của doanh nhân này, người Việt Nam có thói quen mua sắm khác với các nơi khác. Người ta thích mua quần áo, mỹ phẩm tại nơi họ có thể mua cá thịt, dưa cà, mắm muối, hàng tiêu dùng, thậm chí sắm cả điện máy. Ở đó cũng phải có chỗ cho con họ chơi, chồng uống cà phê… Điều này các điểm mua sắm mới đáp ứng rất tốt, hàng hóa lại phong phú và giá cả phù hợp cho nhiều đối tượng tiêu dùng.
“Parkson cũ rồi, chỉ bán quần áo và mỹ phẩm, trang sức, không đảm bảo được những tiêu chí trên thì không thể giữ khách. Nếu không còn phù hợp với thị trường thì cũng coi như các trung tâm mua sắm kiểu cũ đã hoàn thành sứ mệnh, chuyển giao cho cái mới bắt kịp nhu cầu tiêu dùng mới”, ông Hoàng Khải nói.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM cũng có chung quan điểm khi chia sẻ câu chuyện đóng cửa Thuận Kiều Plaza. Hàng hóa không phong phú nhưng việc bố trí các gian hàng ở đây quá lạc hậu khiến khách mua và người bán không thoải mái.
Theo ông Châu, các gian hàng tại TTTM hiện đại phải được bố trí theo hướng mở, thông thoáng chứ không phải chia ô, đóng cửa riêng lẻ, bí bách như Thuận Kiều.
Theo cam kết khi gia nhập WTO, từ ngày 1/1/2015, Việt Nam chính thức cho phép các công ty bán lẻ có 100% vốn nước ngoài hoạt động kinh doanh tại Việt Nam. Vì vậy cũng có thể coi đây là giai đoạn nóng nhất của thị trường này.
Theo CafeBiz