Tại Hà Nội, nhiều chợ truyền thống được đầu tư hàng trăm tỷ đồng xây mới thành chợ - trung tâm thương mại (TTTM) khang trang, nhưng hoạt động kinh doanh lại kém hiệu quả. Kết quả kiểm tra mới đây của Sở Công thương Hà Nội tại 5 chợ - TTTM, thừa nhận thực tế nhiều chợ mất dần người mua, thậm chí mất cả tiểu thương.
|
Khung cảnh vắng vẻ tại một quầy hàng bán trái cây ở chợ Cửa Nam, Hà Nội. |
Trong số 5 công trình chợ - TTTM đang hoạt động trên địa bàn TP Hà Nội, chợ - TTTM Hàng Da (quận Hoàn Kiếm) là nơi duy nhất còn duy trì được số đông các hộ kinh doanh trong chợ truyền thống trước đây, nhưng việc buôn bán cũng rất ế ẩm.
Sáng 28/9, dù là ngày chủ nhật nhưng tới gần giờ trưa, khu kinh doanh của các hộ tiểu thương tại tầng hầm chợ - TTTM Hàng Da vẫn thưa vắng người mua. Trong những mặt hàng được bày bán tại đây, chỉ có mặt hàng thực phẩm nhỉnh hơn về lượng khách.
Tại các quầy hàng quần áo, giày dép thi thoảng mới có một khách hàng ghé vào. Với ngành hàng tạp hóa, đồ khô, lượng khách còn èo uột hơn. Theo nhiều tiểu thương, ngồi trong chợ khang trang hơn, lại có điều hòa mát mẻ nhưng không có khách, buôn bán ế ẩm thành ra ngán ngẩm với nghề.
Chị Oanh Sơn, tiểu thương kinh doanh thực phẩm - đồ khô, cho biết nếu ở chợ cũ bán được 10 thì bây giờ chỉ bán được 1-2. Từ khi kinh doanh trong khu tầng hầm, hoạt động kinh doanh của các tiểu thương rất khó khăn. So với hàng bán ngoài chợ cóc, các sản phẩm trong chợ trung tâm này chất lượng hơn hẳn, giá không cao hơn và an toàn vệ sinh hơn, nhưng chợ cóc hút khách hơn vì tiện lợi hơn.
“Người mua muốn vào chợ phải vào bãi gửi xe, rồi phải xuống tầng hầm..., trong khi phần lớn người đi chợ là người già, người trung niên nên ngại leo xuống mấy chục bậc thang. Ngược lại, tại các chợ cóc chỉ cần tấp xe vào là mua được hàng” - chị Oanh Sơn giải thích.
|
Một tiểu thương ngủ gục tại quầy hàng bán trái cây trong chợ Cửa Nam, Hà Nội. |
Hủy bỏ việc đầu tư 3 dự án chợ - TTTM Sở Công thương Hà Nội cho biết TP Hà Nội đã quyết định hủy bỏ việc đầu tư xây dựng chợ - TTTM đối với chợ Hôm, chợ Nghĩa Tân, chợ Ngã Tư Sở. Theo cơ quan này, cả ba chợ kể trên đều đã được duyệt dự án cho phép đầu tư xây dựng từ chợ truyền thống sang mô hình chợ kết hợp với các công trình dịch vụ thương mại. Tuy nhiên sau khi căn cứ tình hình thực tế, các lý do khác nhau và cả ý kiến của các hộ kinh doanh tại chợ, UBND TP Hà Nội đã quyết định hủy bỏ cả ba dự án, tiếp tục duy trì hoạt động của chợ truyền thống. |
Theo ghi nhận tại chợ Cửa Nam (quận Hoàn Kiếm), do chợ nằm cùng tòa nhà với các văn phòng và ngân hàng nên khi các văn phòng và ngân hàng nghỉ làm, các bãi trông giữ xe của tòa nhà cũng nghỉ.
Phải mất gần 30 phút loay hoay tìm nơi gửi xe tại khu vực lân cận, chúng tôi mới xuống được khu vực tầng hầm - nơi bố trí họp chợ, nhưng cả khuôn viên chợ rộng tới vài trăm mét vuông chỉ có ba người bán hàng, không có bóng dáng khách hàng nào lui tới.
Tại khu sạp hàng rau củ quả, một chị bán hàng cho biết giờ các sạp hàng không còn hoạt động. “Anh muốn mua rau thì sang chợ Ngô Sỹ Liên gần đây”, người phụ nữ này nói.
Đến chợ Ngô Sỹ Liên, nhiều hộ kinh doanh chỉ người này, người kia từng kinh doanh trong chợ Cửa Nam chuyển về. Bà Nguyễn Thị Vịnh, tiểu thương kinh doanh rau quả tại chợ Ngô Sỹ Liên, cho hay từng có quầy hàng trong chợ Cửa Nam, nhưng sau khi xây chợ mới thì hoạt động kinh doanh ế ẩm nên bà đã bán lại quầy hàng rồi về chợ này bán... ké.
“Khu tầng hầm cũng được bán rau quả, nhưng ngồi cả ngày đâu có ai vào mua. Trước bán được 10, nếu giờ bán được 3-4 thì còn sống được, nhưng ngồi dưới hầm cả ngày chẳng có khách nào xuống”, bà Vịnh kể.
Trong số những chợ truyền thống đã chuyển đổi thành chợ - TTTM ở Hà Nội, câu chuyện về hoạt động kinh doanh của tiểu thương tại chợ - TTTM Ô Chợ Dừa (quận Đống Đa) được xem là “bi đát” nhất.
Sau 7 năm chuyển đổi sang chợ - TTTM, từ chỗ là chợ truyền thống với đầy đủ nguồn hàng phục vụ đời sống dân sinh, đến nay các hộ kinh doanh trong chợ hầu như đã chuyển nhượng cửa hàng hoặc ngừng kinh doanh. Dù công trình chợ - TTTM Ô Chợ Dừa nằm ở vị trí ngay đầu đường Đê La Thành, nhưng toàn bộ tòa nhà gần như vắng bóng các hoạt động kinh doanh tại chợ truyền thống.
Khi hỏi về nơi chợ truyền thống hoạt động, một phụ nữ bán hàng đầu khu nhà cho biết: “Chỗ kinh doanh của bà con trước đây nay được bố trí làm nơi trông xe máy”.
Theo tìm hiểu, tại công trình chợ - TTTM Ô Chợ Dừa chỉ còn các hoạt động của các đơn vị kinh doanh bất động sản, luyện tập thể hình và của quán kinh doanh karaoke trong tòa nhà.
Trong lần khảo sát gần đây, đoàn kiểm tra của Sở Công thương Hà Nội cho biết dù được đầu tư 14 tỷ đồng xây dựng với quy mô 7 tầng, trong đó khu chợ truyền thống được bố trí kinh doanh tại tầng 1, 2... nhưng đến nay không còn hộ kinh doanh nào tại chợ do buôn bán ế ẩm.
Tương tự, chợ Cửa Nam được đầu tư hơn 100 tỷ đồng, xây mới với quy mô bảy tầng nổi, hai tầng hầm, trong đó khu vực kinh doanh ở chợ truyền thống được bố trí tại tầng hầm đầu tiên.
Tuy nhiên, theo Sở Công thương Hà Nội, do vị trí xuống chợ không phù hợp, người dân ngại đưa xe xuống hầm gửi nên rất vắng khách. Chủ đầu tư chợ Cửa Nam đã mua lại điểm kinh doanh của nhiều hộ kinh doanh đã nghỉ, sau đó trực tiếp cung cấp nguồn hàng nông sản thực phẩm an toàn. Tuy nhiên, việc kinh doanh đến nay cũng không đạt được hiệu quả như mong muốn.
Chợ - TTTM Hàng Da có tổng vốn đầu tư hơn 236 tỷ đồng với quy mô năm tầng nổi và hai tầng hầm, trong đó bố trí khu vực hoạt động kinh doanh chợ truyền thống tại tầng hầm và tầng 1 cũng rơi vào cảnh ế ẩm.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, nhiều hộ kinh doanh hiện đã ngừng hoạt động. Cụ thể, tại tầng hầm chợ Hàng Da, theo báo cáo của Sở Công thương, hiện chỉ có 313/371 hộ kinh doanh đang hoạt động buôn bán các ngành hàng quần áo, giày dép, đồ sành sứ, dụng cụ gia đình... Còn ở tầng 1 chỉ có 111/173 hộ kinh doanh các sản phẩm rượu, thuốc lá, quần áo...
Báo cáo UBND TP Hà Nội về kết quả kiểm tra hoạt động của các chợ - TTTM đang hoạt động, Sở Công thương Hà Nội cho biết mặt tích cực là tạo được bộ mặt khang trang, hiện đại thay thế sự nhếch nhác, xập xệ của chợ cũ.
Tuy nhiên, hoạt động kinh doanh của mô hình hỗn hợp chợ - TTTM còn nhiều hạn chế, trong đó hoạt động kinh doanh tại khu vực chợ truyền thống kém hiệu quả hơn trước, thậm chí chưa đảm bảo việc kinh doanh ổn định của các tiểu thương trong chợ.
Bà Trần Thị Phương Lan - Phó giám đốc Sở Công thương Hà Nội, cho rằng tình trạng hoạt động của khu chợ trong mô hình chợ - TTTM kém hiệu quả có nguyên nhân từ việc chính quyền địa phương thiếu sát sao trong dẹp bỏ chợ cóc, hàng rong.
“Tâm lý của người dân là tiện đâu mua đấy, muốn dừng trên đường và ngồi trên xe mua rồi đi luôn cho tiện lợi, thậm chí không quan tâm đến việc hàng có đảm bảo an toàn hay không. Do đó chợ cóc, chợ vỉa hè vẫn còn đất hoạt động. Còn mua ở nơi được bố trí chợ trong công trình chợ - TTTM lại phải gửi xe, giá cũng cao hơn vì phải chịu giá thuê quầy hàng nên người dân có tâm lý ngại vào chợ”, bà Lan nói.
Bà Lan cho rằng để các chợ trong mô hình chợ - TTTM sống được, UBND quận, huyện phải ra quân, bố trí lực lượng chốt giữ không để chợ cóc, hàng rong hoạt động xung quanh công trình chợ - TTTM.
Cũng theo bà Lan, ngoài 5 công trình chợ - TTTM đang hoạt động, sau khi kiểm tra thực tế, Sở Công thương Hà Nội đã kiến nghị UBND TP chỉ đạo các quận, huyện nơi có dự án chợ - TTTM kiểm tra, rà soát những dự án chưa triển khai.
“Đối với dự án chưa khởi công cần xem xét lại năng lực tài chính của chủ đầu tư, yêu cầu chủ đầu tư cân nhắc lại quy mô thiết kế thích hợp căn cứ theo tiêu chuẩn thiết kế chợ để đề xuất UBND TP xem xét. Chúng tôi đã kiến nghị UBND TP Hà Nội không xem xét cho thực hiện những dự án theo mô hình chợ - TTTM - văn phòng cho thuê”, bà Lan nói.
"Chúng tôi đã kiến nghị UBND TP Hà Nội không xem xét cho thực hiện những dự án theo mô hình chợ - TTTM - văn phòng cho thuê",bà Trần Thị Phương Lan (phó giám đốc Sở Công thương Hà Nội) |
Theo TTO