Ông Trương Đình Tuyển: "Kinh tế Việt Nam đang vật vã đi lên"

Chủ nhật, 28/09/2014, 14:46
“Nhìn tốc độ tăng trưởng, kinh tế Việt Nam đã xuống đáy từ cuối năm 2013 và đang vật vã đi lên theo đường parabol“.
Nguyên Bộ trưởng Trương Đình Tuyển nêu quan điểm tại diễn đàn. (Ảnh ND)

Nguyên Bộ trưởng Bộ Thương Mại Trương Đình Tuyển nêu nhận định tại Diễn đàn kinh tế mùa thu được tổ chức tại tỉnh Ninh Bình ngày 27/9.

Tại diễn đàn, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, mặc dù phải đối mặt với một số khó khăn, điển hình là sự kiện Trung Quốc đặt giàn khoan trái phép ở Biển Đông hồi tháng 5, nhưng chúng ta vẫn vượt kế hoạch với 12/14 chỉ tiêu đặt ra. 9 tháng đầu năm, tăng trưởng hầu hết các ngành đều có chuyển biến mạnh hơn…

Tuy nhiên bên cạnh đó, bà Ngân cũng cho rằng, kinh tế xã hội vẫn còn những bất cập, phục hồi chậm và chưa vững, hoạt động sản xuất của doanh nghiệp còn khó khăn, số lượng giải thể, ngừng hoạt động còn khá cao với khoảng 47 nghìn doanh nghiệp phá sản, dừng sản xuất.

Trong khuôn khổ diễn đàn, Phó Chủ tịch Quốc hội mong muốn các chuyên gia sẽ chỉ ra những việc đã làm được, chưa làm được, chỉ ra những điểm nghẽn từ đó đưa ra các giải pháp khắc phục.

TS. Võ Trí Thành cho rằng, sự phục hồi kinh tế thế giới còn rất bấp bênh, các nước đang phát triển như Trung Quốc, Ấn Độ và cả khối Asean, trong đó có Việt Nam đang bị đánh xấu cả 2 nghĩa.

Lý do theo TS Thành vì các nước đang phải đối mặt với một thế giới rất bất định và đầy rủi ro. 4 rủi ro được ông chỉ rõ là những cú sốc giá cả; sự phục hồi kinh tế thế giới còn yếu; rủi ro tài chính và dịch chuyển vốn, đứt khúc mạng sản xuất và rủi ro về địa chính trị…

Cùng nhận định này, PGS. TS Trần Đình Thiên cũng cho rằng kinh tế Việt Nam vẫn khó khăn và còn kéo dài, thậm chí xu hướng phục hồi mong manh. Tái cơ cấu có những bước tiến, nhưng chậm và chưa có thay đổi mang tính chiến lược. Tuy nhiên điều quan trọng, theo ông Trần Đình Thiên là phải xem tái cơ cấu đã đi đúng hướng không? Qúa trình tổng kết về tái cơ cấu cần phải làm rõ điều này.

Riêng đối với tái cơ cấu DNNN, theo TS Thiên, để xoay chuyển tình hình và đạt kết quả tốt, chủ trương này phải được gắn trách nhiệm cá nhân và phân công chức năng cụ thể. TS Thiên cho rằng, khi thực hiện nên bán gần hết cổ phần mà không cần nhà nước phải giữ quá 51% trở lên. “Thay đổi tỷ lệ là một trong những thay đổi phải làm” – TS Trần Đình Thiên nhấn mạnh.

Khiêm tốn nhận mình mang đến diễn đàn “món ăn đồng quê”, bên cạnh các "món ăn đặc sản", Nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển đặt ra câu hỏi: Kinh tế Việt Nam đã đến đáy chưa? Theo ông Tuyển thì Việt Nam đang thoát ra khủng hoảng và trên đà đi lên:

“Nhìn tốc độ tăng trương, kinh tế Việt Nam đã xuống đáy từ cuối năm 2013 và đang vật vã đi lên theo đường parabol". Trên cơ sở này, ông Tuyển đưa dự báo kinh tế Việt Nam năm 2015 có mức phục hồi cao hơn và có khả năng đạt mức tăng trưởng từ 6%-6,2%, lạm phát không quá 6,5%. Tuy nhiên kinh tế Việt Nam vẫn tiềm ẩn nguy cơ và các rủi ro về nợ công tăng, đe doạ khả năng trả nợ và an toàn tài chính.

Về giải pháp ngắn hạn, ông cho rằng cần đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư. Đồng thời có giải pháp hữu hiệu để giải quyết nợ xấu của các ngân hàng thương mại, gắn với tái cơ cấu hệ thống ngân hàng. Thực hiện minh bạch tỷ lệ nợ xấu. Ngoài ra, cần có chính sách để các quỹ đầu tư, kể cả các quỹ đầu tư nước ngoài tham gia thi trường mua bán nợ.

Chiến lược trung dài hạn, theo ông Trương Đình Tuyển cần tập trung đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế, xây dựng thể chế kinh tế thị trường hiện đại, cải cách DNNN và đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp.

Theo Infonet

Các tin cũ hơn