Một kho lá khô cũng bán được 700 tỷ đồng

Chủ nhật, 28/09/2014, 15:16
Để vay 700 tỷ đồng, doanh nghiệp đã dùng kho cà phê đem thế chấp ở 7 ngân hàng mà đến khi thanh lý hoá ra chỉ toàn lá với cỏ khô.

"Một kho lá khô mà doanh nghiệp cũng thế chấp được ở 7 ngân hàng để vay 700 tỷ đồng thì không rõ trong số 74.000 tỷ đồng nợ xấu Công ty Quản lý tài sản - VAMC đã mua có bao nhiêu kho lá khô tương tự", chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh đã đặt câu hỏi này tại phiên họp về về tái cơ cấu ngân hàng của Diễn đàn Kinh tế Mùa Thu sáng nay, 28/9.

Theo ông Doanh, một hạng mục mà ngân hàng cần đặc biệt lưu ý khi tái cơ cấu là chất lượng hoạt động và chất lượng tài sản thế chấp. Ông dẫn chứng, vừa qua có câu chuyện một doanh nghiệp đã “tài tình” đem kho cà phê của mình thế chấp được ở 7 tổ chức tín dụng để vay mỗi ngân hàng 100 tỷ đồng. Chỉ đến khi các nhà băng mở kho để thanh lý tài sản mới vỡ ra kho ấy không chứa cafe mà chỉ toàn lá với cỏ khô.

Trước đó, được mời để làm rõ một số vấn đề tái cơ cấu ngân hàng, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho hay đến tháng 9/2014 VAMC đã mua được khoảng 74.000 tỷ đồng nợ xấu. Bà Hồng nhìn nhận đây là một cố gắng lớn của công ty mua nợ khi nguồn lực hạn hẹp.

hong1-1316-1411876403.jpg

Bà Nguyễn Thị Hồng.

Bà Hồng nói cơ quan này đã nhận được rất nhiều kiến nghị của các chuyên gia rằng để xử lý nợ xấu cần có nguồn lực từ Nhà nước bởi hầu hết các nước xử lý nợ xấu phải mất từ 10-20% GDP. “Cũng có ý kiến cho rằng vay nước ngoài để xử lý nợ xấu nhưng nợ công đang cao, vay có phù hợp không”, Phó Thống đốc băn khoăn.

Chuyên gia Cấn Văn Lực minh họa, các quốc gia khi xử lý nợ xấu qua công ty mua bán nợ thì nguồn lực ít nhất cũng từ 0,5-2% tống số nợ. Vì vậy ông Lực đề xuất nâng vốn điều lệ của VAMC lên gấp 4 lần, ở mức 2.000 tỷ đồng để tạo ra cú mồi. Ngoài ra vị này còn đồng tình với quan điểm của nhóm chuyên gia đến từ Đại học Kinh tế Quốc dân trước về việc phát hành trái phiếu.

"Cần mạnh dạn để nước ngoài tham gia mua nợ xấu, khi đó sẽ huy động được một luồng tiền sạch đồng thời tạo sự cạnh tranh nhằm trong xác lập được mặt bằng giá", chuyên gia Đỗ Thiên Anh Tuấn đến từ chương trình kinh tế Fulbright bổ sung.

Trao đổi  trước thềm Diễn đàn, Phó chủ tịch Uỷ ban Giám sát Tài chính Quốc gia Trương Văn Phước nhấn mạnh nợ xấu không thể giải quyết trong ngày một ngày hai nhưng cũng cần các giải pháp dứt khoát, nếu nguồn lực tài chính của Nhà nước hạn hẹp có thể giảm bớt chi phí dự phòng rủi ro và tạo điều kiện cho ngân hàng bán nợ xấu cho VAMC được tái cấp vốn giá rẻ.

Theo đại diện Ngân hàng Nhà nước, VAMC dù hoạt động còn hạn chế song cũng là sáng kiến thích hợp trong điều kiện Việt Nam. Dẫn lại lời của Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia - Trương Văn Phước, bà Hồng ví von: "Câu chuyện xử lý nợ xấu hiện cũng như gia đình có con ốm, muốn đi nước ngoài chữa bệnh nhưng trong túi không có tiền, đành ra vườn hái lá để trị bệnh trước đã”.

Dẫy vậy, cựu Bộ trưởng Thương Mại Trương Đình Tuyển cho rằng sẽ là khôi hài nếu coi VAMC là sáng kiến. “Tôi không nghĩ thế giới họ lại ngu để mà không tìm ra được mô hình này”, ông nói.

Theo VnExpress

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích