Doanh nghiệp ở Sài Gòn bị tố hành hạ người lao động

Thứ hai, 29/09/2014, 08:22
Một số doanh nghiệp ở TP.HCM bị công nhân tố cáo cố tình chèn ép hoặc gây khó khăn cho người lao động nhằm phớt lờ quyền lợi chính đáng của họ.

Mới đây, hơn 50 công nhân (CN) bộ phận QC của công ty TNHH Altamode Việt Nam (quận 9, TP.HCM) đột ngột nhận được thông báo điều chuyển sang bộ phận may. Do không đồng ý với quyết định áp đặt của công ty, 6 CN bị yêu cầu ra ngồi tại phòng bảo vệ. “Mọi hành động, cử chỉ của chúng tôi đều bị bảo vệ giám sát chặt chẽ, đến việc đi vệ sinh cũng có bảo vệ đi kèm”, anh Thắng, một CN, bức xúc.

Lớn tuổi, khuyết tật lại bắt đi may!

Theo CN, công ty TNHH Altamode lấy lý do làm ăn thua lỗ, dư lao động ở bộ phận QC nên điều chuyển sang bộ phận may. Tuy nhiên, nghịch lý là khâu may không hề thiếu người, thậm chí một số CN còn phải nghỉ tạm thời do ít việc. Điều đáng nói hơn là không chỉ CN bộ phận QC mà một số nhân viên tạp vụ lớn tuổi, người khuyết tật chân cũng bị điều chuyển.

Doanh nghiệp ở Sài Gòn bị tố hành hạ người lao động

Nghỉ việc hơn 5 năm, anh Đoàn Hữu Ngọc vẫn chưa nhận được quyết định thôi việc.

“Các chị tạp vụ đã 40-50 tuổi, mắt mũi kèm nhèm không thấy đường xỏ kim cũng bị chuyển sang làm thợ may. CN bị teo cơ chân vốn không thể vận hành máy may cũng bị ép đi may. Chính vì vậy, một số người đồng ý chuyển nhưng không trụ nổi, đành phải xin nghỉ việc”, CN tên Thương cho biết. Với những CN không đồng ý điều chuyển, công ty “khuyên” làm đơn xin thôi việc để được bồi thường 1 tháng lương. Không chịu nổi sức ép của công ty, hầu hết số CN bị điều chuyển - bao gồm cả lao động nữ có thai, nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi - buộc phải nộp đơn xin thôi việc.

Khi nhận được phản ánh của CN, chúng tôi đã đề nghị gặp lãnh đạo công ty để tìm hiểu tình hình nhưng bị khước từ. Tuy nhiên, chiều cùng ngày, công ty đã đề nghị bồi thường 2 tháng tiền lương cho 6 CN nêu trên để họ đồng ý nghỉ việc.

Bực mình nên làm cho bõ ghét

Cách đây không lâu, do hoàn cảnh khó khăn, chị Nguyễn Thị Phương, CN công ty TNHH M.N (quận Thủ Đức, TP.HCM), nộp đơn xin thôi việc, báo trước 45 ngày. Công ty cho rằng đơn của chị do người khác viết thay nên không chấp thuận. “Chị Phương phải tự viết đơn nộp cho công ty. Nếu hoàn cảnh chị ấy thật sự khó khăn, công ty sẽ giải quyết sớm”, bà Phượng, trưởng phòng nhân sự, hứa chắc. Thế nhưng, khi thực hiện đúng yêu cầu, chị Phương vẫn không thấy công ty giải quyết. Nóng ruột, chị hỏi phòng nhân sự thì được trả lời đã chuyển đơn cho bà Cang, phó giám đốc. Chị Phương tìm gặp bà Cang thì được trả lời: “Đi gặp phòng nhân sự mà hỏi”.

Đến ngày thứ 45 mà vẫn không thấy công ty ra quyết định, chị Phương đi làm việc như thường lệ thì bị thu thẻ và đuổi ra khỏi cổng. Chỉ khi chị Phương gửi đơn khiếu nại lên Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội quận Thủ Đức, công ty mới chịu giải quyết nhưng trưởng phòng nhân sự vẫn lấp liếm: “Chưa hết hạn báo trước mà chị Phương cứ hỏi tới hỏi lui khiến bà Cang bực mình nên mới vậy”.

Ép người quá đáng

Làm việc tại chi nhánh Công ty LD Dịch vụ Bảo vệ Yuki Sepre 24 (quận 1, TP.HCM) từ ngày 1/12/1996, đến ngày 24/3/2009, anh Đoàn Hữu Ngọc nộp đơn xin thôi việc. Sau khi nộp đơn, ngày 9/4/2009, anh Ngọc vẫn được công ty bổ nhiệm chức vụ mới, từ trưởng ban giám sát lên làm trợ lý giám đốc chi nhánh. Nghĩ công ty không chấp nhận đơn xin thôi việc nên anh vẫn tiếp tục đi làm. Ngày 12/5/2009, bà Nguyễn Thị Kim Liên, Phó giám đốc hành chính - nhân sự, đưa cho anh bản photocopy đơn xin thôi việc được ông Nguyễn Đức Hiệp, Phó tổng giám đốc, phê duyệt vào ngày 17/4/2009 đồng ý cho nghỉ việc.

“Tôi yêu cầu công ty ra quyết định thôi việc do người có thẩm quyền ký mới hợp lệ nhưng hết 45 ngày báo trước, vẫn không thấy gì nên tôi vẫn tiếp tục đi làm. Thế nhưng, đến ngày 29/5/2009, tôi đột ngột bị công ty 'cấm cửa' dù chưa nhận được quyết định thôi việc”, anh Ngọc ấm ức.

Sau nhiều lần Ngọc gửi đơn khiếu nại, tháng 3/2010, công ty mới mời anh lên làm thủ tục chấm dứt và thanh lý hợp đồng lao động. Tại cuộc gặp này, công ty yêu cầu anh Ngọc phải ký cam kết “trong vòng 6 tháng không được ký hợp đồng lao động làm việc với các khách hàng của công ty” nhưng anh không đồng ý. Vì vậy, quyết định thôi việc, trợ cấp thôi việc và sổ BHXH của anh vẫn tiếp tục bị “treo” cho đến nay.

Khi nhận đơn khiếu nại của anh Ngọc, chúng tôi nhiều lần liên hệ với công ty để làm rõ vấn đề anh thắc mắc nhưng không được phản hồi.

Theo NLĐ

Các tin cũ hơn