Lê Trung và sáng chế robot gợi cảm
Lê Trung (35 tuổi) sống ở thành phố Ontaro (Canada) đã bỏ ra 2 năm và hơn 20.000 USD để chế tạo ra một cô gái robot là giấc mơ của nhiều chàng trai. Cô gái robot quyết rũ của Lê Trung có tên là Aiko, khoảng 20 tuổi, sở hữu thân hình hoàn hảo, gương mặt xinh đẹp và mái tóc màu nâu sáng.
Lê Trung bên cạnh cô nàng robot xinh đẹp, đảm đang của mình. |
Anh chàng kỹ sư nói rằng, ban đầu anh định chế tạo ra 1 robot biết giúp việc cho người già. Tuy nhiên sau đó thì dự định của anh đã được chuyển sang một hướng khác. Aiko bắt đầu một ngày làm việc bằng việc đọc báo cho anh Lê Trung và chịu trách nhiệm chỉ phương hướng khi anh Lê đưa cả 2 đi dã ngoại.
Trong sáng chế của mình, anh Lê cho biết, Aiko có thể nhận ra các gương mặt và nói được 13.000 câu. Đôi khi, Aiko có thể có những phản ứng khi bị cù hoặc động chạm. Dự định của Lê là khi Aiko trở nên hoàn hảo, anh sẽ bán những robot này với mục đích làm giúp việc cho gia đình.
Danica Trương - Sáng chế hộp điện thoại iPhone
Khi đang là học sinh lớp 11 trường Chilliwack (Canada), Danica Trương đã cùng cô bạn Drew Hensbee, sử dụng công nghệ 3D, để chế tạo thành công một chiếc hộp sạc điện thoại có nhiều khe cắm rất bắt mắt và tiện lợi dành cho những khách hàng dùng điện thoại.
Cô nàng xinh đẹp Danica Trương. |
Sản phẩm được đánh giá là một sáng chế thiết thực và thông minh, được đài truyền hình Canada giới thiệu liên tục trên truyền hình, khiến cả hai trở thành một cái tên hot của giới học sinh – sinh viên ở đất nước Canada rộng lớn. Danica bật ra ý tưởng sáng chế trên từ mong muốn được đi chơi mọi lúc mọi nơi mà không cần phải lo lắng về việc sạc pin điện thoại.
Danica Trương chia sẻ thêm thông tin, cuối năm ngoái sau khi giới thiệu về sản phẩm của mình ở Mỹ, cả 2 đã chính thức gặp mặt Apple để thỏa thuận về việc bán ý tưởng chiếc hộp sạc điện thoại này.
Cynthia Sin Nga Lam - Sáng chế tại hội chợ kỹ thuật Google
Trong hội chợ sáng chế kỹ thuật của Google diễn ra đầu tháng 9 vừa qua, 15 thí sinh lọt vào vòng chung kết đều là những gương mặt xuất sắc với các phát minh hữu ích cho cuộc sống. Trong số đó, đáng chú ý là sáng chế thiết bị lọc nước thải và tạo ra điện năng của cô bé gốc Việt Cynthia Sin Nga Lam.
Cynthia Sin Nga Lam bên cạnh sáng chế của mình. |
Hiện tại, Lam mới 17 tuổi và đang sinh sống tại Melbourne (Australia). Ban đầu thiết bị có tên gọi là H2Pro. Đây là một cỗ máy xách tay và chỉ sử dụng nguồn năng lượng là ánh sáng mặt trời. Cơ chế hoạt động chủ yếu của máy dựa trên nguyên tắc nước bẩn sẽ được đưa vào qua một đầu của thiết bị, sau đó lưới bằng titan sẽ sử dụng ánh sáng mặt trời để khử trùng nước và đẩy chúng qua một bộ lọc.
Phản ứng quang xúc tác sẽ tách phân tử nước thành oxy và hydro. Lượng hydro tạo ra sẽ được dẫn qua các thiết bị pin năng lượng để sinh ra năng lượng sạch. Ngoài ra, các chất bẩn trong nước như chất tẩy rửa, xà phòng và các chất ô nhiễm khác cũng sẽ là một nguồn cung cấp chất xúc tác phong phú để tạo ra hydro cho quá trình này.
Với H2Pro, Lam có mục đích nhằm giải quyết hai vấn đề cùng một lúc, làm thế nào để cung cấp nước sạch và năng lượng cho nhiều người trên thế giới. Bằng việc phát triển cách tiếp cận tiết kiệm và thân thiện với môi trường để đưa ra một quy trình sản xuất năng lượng và lọc nước bền vững. Với thiết bị mới này, bạn cần chỉ ánh sáng mặt trời là có thể tạo ra nước sạch, thậm chí cả năng lượng sạch cũng có thể đồng thời được sản xuất.
Bên cạnh đó, chi phí để tạo thành sản phẩm này cũng khá rẻ, quy trình thiết kế đơn giản và có thể bảo dưỡng dễ dàng theo thời gian. Lam hi vọng thiết kế này sẽ có ích cho người nghèo, những người cần cứu trợ thiên tai và các hộ gia đình.
Theo Đất Việt