Dây chuyền sản xuất sợi tại Cty TNHH Texhong Ngân Long (Trung Quốc) - KCN Hải Yên (TP.Móng Cái). |
Thời gian qua, để đón đầu cơ hội thị trường khi Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) được ký kết, đã có một làn sóng đầu tư của các doanh nghiệp (DN) Trung Quốc đầu tư vào lĩnh vực sợi-dệt-nhuộm ở Việt Nam.
KỲ 1: Hàng loạt dự án “khủng”
Hàng loạt dự án có số vốn đầu tư “khủng” từ vài chục đến hàng trăm triệu USD của các doanh nghiệp (DN) Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) ồ ạt đổ bộ vào ngành dệt - may VN trong khoảng từ nửa cuối năm ngoái đến nửa đầu năm nay. Theo ghi nhận của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KHĐT), nếu như thời gian trước, lĩnh vực này rất ít nhà đầu tư nước ngoài quan tâm vì vốn đầu tư lớn, đặc biệt là khâu xử lý nước thải sau nhuộm, nhưng gần đây, sự gia tăng đột biến các dự án của nhà đầu tư Trung Quốc dấy lên lo ngại về làn sóng chuyển dịch các nhà máy gây ô nhiễm môi trường, có nguy cơ biến VN thành bãi rác công nghệ đang hiện hữu.
Đột biến
Tính riêng 9 tháng năm 2015, các KCN đón lượng vốn đầu tư lớn vào ngành dệt may. Điển hình là dự án Cty TNHH Hyosung Đồng Nai có tổng vốn 660 triệu USD do nhà đầu tư (NĐT) Thổ Nhĩ Kỳ đầu tư tại KCN Đồng Nai với mục tiêu sản xuất và gia công các loại sợi; dự án Cty TNHH Worldon (Việt Nam) tổng vốn 300 triệu USD do NĐT British Virgin Islands đầu tư tại TPHCM để sản xuất sản phẩm may mặc cao cấp; dự án Cty TNHH Polytex Far Eastern Việt Nam với tổng vốn 274,2 triệu USD do NĐT Bermuda tại KCN Bình Dương để sản xuất xơ tổng hợp polyester.
Ba dự án lớn của các NĐT Trung Quốc gồm: Dự án 400 triệu USD xây KCN dệt may tại Nam Định; dự án 300 triệu USD của Texhong tại Quảng Ninh và dự án 200 triệu USD của TAL tại Hải Dương. Trung Quốc hiện vươn lên hàng thứ 7 trong số các quốc gia có lượng vốn đăng ký mới vào VN; nếu xét về số lượng dự án, Trung Quốc đứng ở vị trí thứ 4, chỉ sau Hàn Quốc, Nhật Bản và Singapore.
Một dự án tại huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định được đầu tư bởi liên doanh Cty Đầu tư Vinatex (Tập đoàn dệt may VN) và hai Cty Luen Thai (Hồng Kông) và Sanshui Jialida (Trung Quốc). Các đối tác đã có các cuộc tiếp xúc với lãnh đạo tỉnh Nam Định để xúc tiến thành lập KCN dệt may Rạng Đông có tổng diện tích 1.500ha, vốn đầu tư 350 triệu USD, dự kiến thu hút từ 200.000 - 300.000 lao động địa phương.
Dự án đặt mục tiêu đầu tư chuỗi cung ứng dệt may đi từ sợi gồm nhà máy kéo sợi - dệt - nhuộm - in - hoàn tất sản phẩm. Trước đó, Nam Định cũng cấp giấy chứng nhận đầu tư cho dự án nhà máy sản xuất sợi - dệt- nhuộm với tổng vốn đầu tư 68 triệu USD của Tập đoàn Dệt may Yulun Giang Tô (Trung Quốc) tại KCN Bảo Minh (huyện Vụ Bản). Dự án có công suất gần 10.000 tấn sợi/năm, dệt 21,6 triệu mét/năm và nhuộm 24 triệu mét/năm, đi vào hoạt động khoảng giữa năm 2016.
Sở KHĐT TP.HCM cũng cho biết, từ đầu năm nay, TP.HCM cũng thu hút 15 dự án đầu tư mới với số vốn hơn 300 triệu USD vào ngành sợi, dệt, may. Trong đó, Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) và Hồng Kông đầu tư 4 dự án. Ngoài ra, còn có 8 dự án đầu tư vào lĩnh vực này được NĐT xin phép tăng vốn với tổng số vốn tăng thêm là 31,8 triệu USD.
Theo ông Nguyễn Bạch Hoàng Phụng - Phó trưởng Ban quản lý các KCX-KCN TP.HCM, trong tổng số vốn FDI cấp mới từ đầu năm đến nay, riêng đầu tư vào lĩnh vực dệt may chiếm đến 71,75%. Dự án lớn nhất trong lĩnh vực dệt may đầu tư vào TP.HCM là của Cty TNHH Worldon (thuộc Tập đoàn Dệt may Shenzhou International, Trung Quốc), đầu tư sản xuất các sản phẩm dệt kim cao cấp, có tổng vốn đầu tư 300 triệu USD tại KCN Đông Nam, Củ Chi.
Thận trọng, dè dặt
Theo TS Trương Văn Cẩm - Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt - May Việt Nam (Vitas), so với trước đây, ngành dệt may khó khăn lắm mới có NĐT tham gia vào lĩnh vực dệt - nhuộm vì vốn đầu tư lớn, phải xử lý môi trường hết sức phức tạp. Tuy nhiên, khi VN ký kết các hiệp định thương mại tự do với EU, Nhật Bản, Hàn Quốc và sắp tới là TPP với cơ hội lớn xuất khẩu sang các thị trường Hoa Kỳ, EU với mức thuế suất sẽ giảm về 0%, hàng loạt các dự án của các nước, đặc biệt là Trung Quốc, Đài Loan và Hồng Kông (Trung Quốc) ồ ạt đổ vào VN.
“Hiện nay, mức thuế suất trung bình sản phẩm dệt may Việt Nam xuất vào Mỹ từ 5-17%, vào EU mức 12%, nếu được giảm xuống còn 0%, hàng VN xuất khẩu sang các thị trường này sẽ có lợi thế cạnh tranh rất lớn so với các quốc gia chưa là thành viên, trong đó có Trung Quốc” - ông Cẩm nói.
Việt Nam hiện là nước xuất khẩu dệt may thứ nhì thế giới, chỉ sau Trung Quốc, nhưng lại bị Trung Quốc bỏ ở khoảng cách rất xa do hiện VN còn phụ thuộc rất lớn vào nguồn nguyên liệu đầu vào từ nước này. Để sản xuất sản phẩm dệt may xuất khẩu, VN còn phải nhập tới 80% nguyên phụ liệu, trong đó chiếm một nửa là từ Trung Quốc.
TS Phan Hữu Thắng - nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KHĐT) - nhận định: Như vậy, thay vì nhập khẩu từ Trung Quốc, phía Trung Quốc có chủ trường dịch chuyển các nhà máy ở trong nước sang VN. Như vậy không cẩn thận, VN sẽ xuất hộ Trung Quốc sản phẩm, trong đó phần lớn giá trị gia tăng là của phía họ.
Tuy nhiên, điều đáng lo ngại hơn là các nhà máy cũ của Trung Quốc với công nghệ lạc hậu được mang sang VN, biến VN thành bãi thải công nghệ, nhất là mới đây, thông tin hàng loạt nhà máy dệt nhuộm Trung Quốc bị nhà chức trách nước này xử phạt nghiêm ngặt vì vi phạm các quy định về môi trường, rất có thể sẽ được các DN mang sang VN vì các quy định môi trường của VN đang dễ dãi hơn Trung Quốc.
Theo Báo Lao Động