"Bệnh cũ" khó chữa, ngành cơ khí có nguy cơ "chầu rìa" khi hội nhập

Thứ năm, 12/11/2015, 08:15
Các doanh nghiệp cơ khí đều phải tự bơi từ trước đến nay, trong khi đó, chính sách của Nhà nước về lý thuyết thì rất hay, nhưng xuống các bộ, ngành thì rất dở - Đại diện một doanh nghiệp cơ khí cho biết.

Nhập 26 tỷ USD mỗi năm, ngành cơ khí đang ở đâu?

Tại Hội thảo bàn về chiến lược phát triển ngành cơ khí vừa diễn ra tại Hà Nội, nhiều doanh nghiệp cơ khí trong nước lo lắng: những căn bệnh cũ như chính sách hay, thực hiện dở hay mục tiêu xa vời… chưa được chữa khỏi thì những cái khó mới đã hình thành khiến cho ngành cơ khí Việt Nam có nguy cơ chầu rìa ngay trên chính mảnh đất của mình.

Ngành Cơ khí Việt Nam đang gặp nhiều thách thức cũ và mới

Đánh giá về kết quả 10 năm phát triển ngành công nghiệp cơ khí từ năm 2001 - 2010, Bộ Công Thương cho biết, ngành cơ khí trong nước hiện nay chỉ đáp ứng được 32,12% nhu cầu, thấp hơn so với mục tiêu đề ra là 45-50% khiến tỷ lệ nhập khẩu liên tục tăng cao, nhất là máy móc thiết bị để phục vụ sản xuất.

Số liệu từ ông Phạm Anh Tuấn - Phó Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng Bộ Công thương cho biết, năm 2014 Việt Nam chi khoảng 26 tỷ USD nhập khẩu các sản phẩm cơ khí, kim ngạch nhập khẩu cơ khí đang tăng nhanh và sản phẩm, thị trường ngày càng đa dạng hơn.

Mặc dù, Nhà nước và các bộ ngành đã ban hành nhiều chính sách phát triển và mục tiêu cho ngành cơ khí. Tuy nhiên, ngành này vẫn chỉ mới làm chủ được các thiết bị có hàm lượng công nghệ vừa phải như thiết bị cơ khí thủy công, các nhóm thiết bị máy động lực, cơ khí phục vụ nông, lâm ngư nghiệp và công nghiệp chế biến nông-lâm-thủy sản, cơ khí xây dựng, thiết bị kỹ thuật điện… Các nhà máy nhiệt điện, lọc hóa dầu vẫn do các nhà thầu nước ngoài làm tổng thầu EPC nên các DN trong nước khó tiếp cận được dự án và công việc.

T.S Nguyễn Chỉ Sáng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu cơ khí, đánh giá: “Chính sách của Nhà nước đang hỗ trợ các DN hiện nay hỗ trợ thủ tục đầu tư, vay vốn, thuê đất, kích cầu, bảo vệ thị trường… Tuy nhiên, hình như không có tác dụng. Số các DN cơ khí "chạm tay" vào được ưu đãi này quá ít. Vậy thay vì hỗ trợ thì chúng ta tạo cho họ thị trường, hãy tin tưởng đặt hàng cho họ ở các dự án lớn thậm chí cả những dự án sản xuất sản phẩm xuất khẩu”.

Cần niềm tin và khao khát thị trường

Theo ông Trần Văn Quang, Tổng giám đốc Tổng Công ty Thiết bị điện Đông Anh: “Cái mà DN cơ khí cần bây giờ không phải cần những chính sách mà họ cần công việc “nói rõ là cần thị trường”. Nhưng dường như trong nhiều lĩnh vực, ngành và cả đầu tư vốn Nhà nước, các DN cơ khí trong nước khó chen chân vào lắp đặt máy móc, thiết bị, ngoài 1 số ít các DN lớn. Cơ khí trong nước cần được đăt hàng, cần niềm tin để sống chứ đừng nhất thiết cái gì cũng máy móc, DN nước ngoài. Thậm chí, nhiều dự án, tôi thấy rõ nhà đầu tư Trung Quốc còn đưa thiết bị cơ khí đời 2, 3, bỏ vốn quá rẻ, đánh bật các DN trong nước ra khỏi sân chơi giá trị”.

“Nếu không chữa được căn bệnh cũ “sính hàng ngoại” chê bai hàng Việt, thì khi Việt Nam hội nhập FTA và TPP, giá thành máy móc rẻ đi, các DN cơ khí trong nước sẽ không thể cạnh tranh trong lĩnh vực cơ khí nông lâm ngư nghiệp chứ chưa nói đến các sản phẩm cơ khí chính xác, máy móc chế tạo”, ông Quang nói thêm.

Theo các DN cho rằng, nếu cứ để cho các DN cơ khí trong nước “tự bơi” trong bối cảnh sức mạnh nội tại, công nghệ, vốn còn thấp, nhất là trong bối cảnh hội nhập đang đến gần thì ngành cơ khí sẽ còn gặp nhiều khó khăn.

Nhiều DN ngành cơ khí trăn trở, Nhà nước cần là bệ đỡ về công nghệ, “tổng thầu” dự án để các DN ngành cơ khí trở thành những nhà thầu phụ, chân rết bám vào và nhận lại những giá trị. “Nhà nước có thể tạo ra thị trường ở khâu thiết kế hay làm khuôn mẫu, DN vay tiền ngân hàng và làm ra sản phẩm. Nếu sản phẩm đó đi vào cuộc sống thì Nhà nước sẽ hỗ trợ toàn bộ. Như thế sẽ không còn tình trạng làm ăn chộp giật”, ông Nguyễn Tăng Cường, Chủ tịch CTCP Công nghiệp Quang Trung kiến nghị.

Với vai trò là kỹ thuật nền tảng, bệ đỡ dẫn đầu trong ngành công nghiệp nặng, cơ khí Việt Nam cần được nhìn nhận tích cực và hướng đầu tư mới thay vì những chính sách cũ mang tính lý thuyết. Ông Quang cho hay, chính sách hỗ trợ của nhiều nước rất hay, như Trung Quốc chẳng hạn: Họ mua thiết kế sản phẩm nước khác đời 1 về, sau đó họ gọi các Viện kỹ thuật đến, mở bung sản phẩm ra, đặt hàng các DN làm sau đó những sản phẩm đời thứ 2, 3 họ tự sản xuất không cần nhập khẩu. Còn ta thì lại nhập đời 2 đời 3 về lắp rồi không quan tâm nghiên cứu sản phẩm mới.

Theo Dân Trí

Các tin cũ hơn