Một tháng sau thông tin SCIC thoái vốn: Ngoại chờ đợi, nội “gom” VNM

Thứ năm, 12/11/2015, 09:10
Thông tin SCIC tiến hành thoái vốn tại những “mỏ vàng” đã mang đến những hiệu ứng tích cực cho thị trường. Trong đó, những cổ phiếu như VNM, BMI, NTP… đều có nhịp tăng khá ấn tượng.

Thời gian gần đây, những thông tin về việc SCIC tiến hành thoái vốn khỏi 10 doanh nghiệp, trong đó có những doanh nghiệp đầu ngành, kinh doanh hết sức hiệu quả như Vinamilk, FPT, Bảo Minh, Nhựa Bình Minh…đã khiến thị trường dậy sóng.

Theo nhận đinh từ nhiều chuyên gia cũng như giới đầu tư trên thị trường, việc SCIC chấp nhận tiến hành thoái vốn tại những “mỏ vàng” không chỉ mang đến cơ hội cho nhà đầu tư trong nước cũng như khối ngoại tham gia cuộc chơi mà còn giải quyết bài toán ngân sách đang rất khó khăn lúc này.

Đón nhận thông tin, thị trường ngay lập tức có những phản ứng tích cực với đợt tăng giá mạnh mẽ của các cổ phiếu trong danh sách SCIC thoái vốn.

Ngoại trừ 2 cổ phiếu có thanh khoản rất thấp là HGM và SGC, các cổ phiếu khác như VNM (tăng 27%), BMI (tăng 20%), NTP (tăng 16%)… đều đã có nhịp tăng mạnh trong khoảng một tháng qua.


Dù có nhiều ý kiến cho rằng thời điểm thoái vốn của SCIC sẽ cần lộ trình, chưa thể diễn ra một sớm một chiều nhưng việc tăng mạnh của các cổ phiếu như VNM, FPT, NTP, BMI, BMP… trong thời gian gần đây đã cho thấy sự kỳ vọng lớn từ giới đầu tư.

Với tầm ảnh hưởng lớn, đà tăng của “nhóm SCIC” đã kéo theo sự đi lên của toàn thị trường và chỉ số VnIndex đã dễ dàng bứt phá qua ngưỡng kháng cự tâm lý 600 điểm.

Khối ngoại chờ “pháo lệnh”, khối nội liên tục “gom” VNM

Mặc dù được kỳ vọng khá nhiều nhưng động thái của khối ngoại trên thị trường trong quãng thời gian qua vẫn tương đối im ắng. Đây cũng là điều dễ hiểu khi những cổ phiếu nhận được nhiều sự quan tâm nhất như VNM, FPT, BMP đều trong tình trạng kín room. Bên cạnh đó, SCIC vẫn chưa nêu rõ lộ trình cụ thể về kế hoạch thoái vốn tại các doanh nghiệp.

Diễn biến đáng chú ý nhất chỉ là tin đồn Fraser&Neave (F&N), cổ đông lớn nhất của Vinamilk đánh tiếng mua lượng cổ phần từ SCIC với trị giá 4 tỷ USD (tương đương gần 170.000đ/cp), cao hơn đáng kể so với mức giá hiện tại của VNM. Tuy vậy, thông tin này đã mau chóng bị phía F&N bác bỏ.

Trong một tháng qua, hầu như phiên giao dịch nào cũng xuất hiện lệnh thỏa thuận VNM của khối nội với tổng khối lượng lên tới hơn 13 triệu cổ phiếu. Đáng chú ý, mức giá thỏa thuận thường cao hơn giá đóng cửa phiên giao dịch từ 5-9%.

Việc chấp nhận mức giá khá cao khi mua VNM cho thấy nhà đầu tư trong nước đang kỳ vọng vào việc thoái vốn của SCIC và đã đón đầu “gom” cổ phiếu, nhất là trong bối cảnh khối ngoại không thể mua thêm VNM lúc này khi đã kín room.

Giá trị cổ phiếu VNM mà SCIC đang nắm giữ thời điểm hiện tại vào khoảng 3 tỷ USD, một con số khá lớn với nhà đầu tư trong nước. Chẳng thế mà ông Đặng Thành Tâm- một trong những người giàu nhất trên sàn chứng khoán Việt Nam cũng phải nói rằng “nếu có tiền tôi cũng mua ngay, nhưng không có nên đành chịu”.

Tuy vậy, đối với nhà đầu tư nước ngoài thì việc chi ra 3 tỷ đô hoặc cao hơn nữa có lẽ không phải vấn đề quá lớn để sở hữu “con bò vàng” này.

Quyết định thoái vốn của SCIC tại những doanh nghiệp đầu ngành đã thu hút sự chú ý lớn từ giới đầu tư và kế hoạch sở hữu, nhận chuyển nhượng chắc hẳn đã được nhiều tổ chức vạch sẵn. Có lẽ lúc này chỉ cần “pháo hiệu” từ SCIC thì cuộc chạy đua giành quyền sở hữu cổ phần tại các doanh nghiệp sẽ diễn ra đầy sôi động.

Theo Tri Thức Trẻ

Các tin cũ hơn