Dự án tuyến metro Bến Thành – Suối Tiên (metro số 1) được phê duyệt năm 2007 có tổng vốn đầu tư 1,09 tỉ USD. Ban đầu dự kiến hoàn thành năm 2018, nhưng sau đó điều chỉnh sang năm 2020 mới hoàn thành. Dự án khởi công hạng mục đầu tiên vào 2.2008 và trong quá trình triển khai đến nay, tổng đầu tư nhảy vọt lên 2,47 tỉ USD (tăng thêm khoảng 1,4 tỉ USD).
Theo giải thích của UBND TP.HCM, tuyến metro số 1 được nghiên cứu từ năm 2006, khi đó ở Việt Nam chưa có đầy đủ các định mức, đơn giá áp dụng cho loại công trình metro. Sau khi cập nhật các yếu tố cho thấy, vốn tăng chủ yếu do sự biến động giá của một số nguyên, nhiên vật liệu, tăng lương tối thiểu trong 3 năm qua (2006 – 2009), làm vốn các gói thầu tăng khoảng 40%. Đặc biệt, tiến độ dự án bị chậm kéo dài thời gian hoàn thành đến 2020 cũng làm thay đổi các điều kiện tính toán tổng mức đầu tư (tỉ giá, các chi phí lãi vay, dự phòng, rủi ro, trượt giá đến năm 2019).
Tuyến metro số 2, mới đây, Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM (BQLĐSĐT) cũng cho hay, tăng vốn từ 1,375 tỉ USD lên 2,074 tỉ USD (tức tăng thêm khoảng 700 triệu USD). Theo ông Lê Khắc Huỳnh – Phó Ban QLĐSĐT, nguyên nhân đội vốn, do điều chỉnh thiết kế cơ sở mặt bằng các ga ngầm nhằm tối ưu hóa và phù hợp với điều kiện thực tế; bổ sung thiết kế, khối lượng giao cắt giữa tuyến tàu điện ngầm số 2 với các tuyến metro số 1, 3b, 5, 6, cộng với các yếu tố trượt giá…đã làm cho tổng vốn đầu tư đội thêm 51%.
Ở một diễn biến khác, mới đây, một lần nữa, liên nhà thầu Sumitomo - Cienco 6 thi công gói thầu số 2 dự án tuyến metro số 1 có đơn khiếu nại yêu cầu bồi thường thiệt hại khoảng 2,5 tỉ đồng/ngày. Lý do, chủ đầu tư chậm bàn giao mặt bằng chậm so với cam kết.
Theo cam kết, BQLĐSĐT bàn giao mặt bằng cho nhà thầu vào 1.2013, tuy nhiên, do vướng đền bù giải tỏa nên mãi đến 3.2015 mới hoàn tất bàn giao mặt bằng (chậm khoảng 26 tháng). Liên danh nhà thầu Sumitomo - Cienco 6 cho rằng, do chậm bàn giao mặt bằng nên khiến họ phải chịu các chi phí vì đắp chiếu máy móc, thiết bị, nhân lực chờ mặt bằng.
Theo Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM, việc chậm bàn giao mặt bằng chủ yếu vướng mắc do các hộ dân ở địa bàn quận Thủ Đức (TP.HCM) và huyện Dĩ An (Bình Dương) khiếu nại chính sách đền bù. Ông Lê Khắc Huỳnh – Phó GĐ Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM - cho rằng, việc chậm bàn giao mặt bằng nằm ngoài khả năng của chủ đầu tư, bởi việc giải tỏa mặt bằng giao cho các địa phương thực hiện. Vừa qua, TP.HCM cũng đã báo cáo Bộ GTVT, Thủ tướng Chính phủ để xem xét hỗ trợ tháo gỡ.
Trong quá trình triển khai dự án có nhiều trục trặc xuất phát từ nhiều phía, có lý do xuất phát từ chủ đầu tư, có lý do xuất phát từ nhà thầu. Vì vậy, sắp tới sẽ xem xét, làm việc, đàm phán lại với nhà thầu.
Theo Báo Lao Động