- Thường về mặt kỹ thuật, các nhà mạng hay quảng cáo là tốc độ tối đa lên tới 42 Mb/s nhưng thực tế thì chỉ được khoảng hơn 1 Mb/s. Vì sao lại có hiện tượng này, thưa ông?
- Về mặt lý thuyết, 3G có tốc độ tối đa có thể đạt được từ một thuê bao với điều kiện toàn bộ thuê bao đó kết nối với 1 PDF và PDF đó được kết nối thông suốt toàn tuyến cho một mình thuê bao.
Nhưng thực tế, người dùng Internet bao giờ cũng phải chia sẻ lẫn băng thông của nhau. Vì thế, tốc độ bình quân sẽ tăng, giảm tùy theo mật độ người truy cập vào 3G, tại cùng một thời điểm và khu vực địa lý.
Ông Nguyễn Tiến Anh Tuấn, Tổng giám đốc Công ty cổ phần HTC Viễn thông Quốc tế. Ảnh: NVCC. |
- Khi sử dụng các gói cước không giới hạn với cước 70.000 đồng một tháng, rất nhiều người dùng phàn nàn về việc lưu lượng tốc độ cao hết cực nhanh và nếu muốn dùng phải liên tục mua gói cước mới. Theo ông vì sao có hiện tượng này?
- Tùy theo từng nhà mạng, mức giá 70.000 đồng mỗi tháng sẽ tương ứng khoảng 500-600 Mb tốc độ cao. Hết dung lượng đó, nhà mạng sẽ đưa về dung lượng tối thiểu khoảng 128-156 Kb/s. Còn để dùng liên tục thì vốn băng thông là rất lớn.
Theo tôi, với giá tiền như vậy, nhà mạng để người dùng sử dụng với một mức bình quân nhất định. Vì thực tế hiện nay, các ứng dụng trên 3G như xem video, dịch vụ đa phương tiện trên 3G của mình không nhiều. Đại đa số người dùng 3G hiện tại thường check mail, vào web,.. rất ít người tải file dung lượng lớn.
70.000 đồng một tháng cho 500 Mb tốc độ cao là tạm đáp ứng được. Còn thực sự có tốc độ cao như quảng cáo thì phải kèm các điều kiện khác như giá cước phải khác đi, tối ưu hóa mạng lưới phải tăng lên.
- Giá cước 3G tại Việt Nam cao hay thấp so với với mặt bằng các nước trong khu vực? Vì sao?
- Giá cước 3G tại Việt Nam là rất thấp. Việt Nam đang là thị trường cạnh tranh. Các nhà mạng có cả doanh nghiệp Nhà nước lẫn doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Và đương nhiên, càng cạnh tranh, các đơn vị sẽ đưa ra mức giá khác và càng giảm.
- Theo ông, trong tương lai giá cước 3G sẽ tăng hay giảm so với hiện tại?
- Tôi cho rằng, giá cước 3G hiện tại đang ở mức ngưỡng. Nhìn nhận theo đầu vào của các nhà mạng, nếu nhân công, chi phí vận hành (nguồn điện, xăng dầu…) tăng lên thì đương nhiên chi phí doanh nghiệp sẽ tăng.
Nếu muốn duy trì mức giá, nhà mạng phải tăng quy mô, cung cấp dịch vụ cho nhiều khách hàng hơn. Nếu không phụ thuộc vào khách hàng, họ sẽ buộc phải tăng giá.
- So sánh với những gì nhà mạng quảng cáo như “ra giữa biển vẫn lướt 3G ầm ầm”, “đi trên ôtô tốc độ 30 Mb”, “dùng 70.000 đồng là thoải mái cả tháng không lo chi phí” thì cảm nhận người dùng về 3G khác hẳn. Ông nghĩ gì về điều này?
- Họ quảng cáo như vậy là không sai. Bởi trên lý thuyết, tốc độ 3G đạt được như thế. Tuy nhiên, trong thực tế, do yếu tố người dùng, mức độ phủ sóng của trạm và nhiều yếu tố khác nhau thì nó sẽ không được như lý thuyết. Nhưng khi quảng cáo, các nhà mạng sẽ luôn đưa ra mức lý tưởng nhất có thể đạt được.
Khi tôi xem quảng cáo, tất cả các lĩnh vực – ngành nghề đều đưa ra mức lý tưởng và đạt được 70-80% là tốt rồi.
- Liệu điều đó có phản ứng ngược khi nhiều người cho rằng các nhà mạng đang “nói quá?”
- Thực sự những người quan tâm nhiều đến chất lượng và rất căn ke vào các chỉ tiêu kỹ thuật, người ta sẽ không coi 3G hoặc truyền dẫn vô tuyến là phương thức tối ưu. Vì không bao giờ truyền dẫn vô tuyến so sánh được với truyền dẫn có dây. Đặc biệt, yếu tố phụ thuộc vào băng rộng sẽ không bao giờ truyền dẫn vô tuyến có thể thay thế được.
Do đó, người dùng sẽ có một cảm nhận nhất định là miễn sao tốc độ 3G phù hợp với đa số người dùng. Thực tế, các nhà mạng quảng cáo là dung lượng 20 Mb hay 40 Mb có thể xem được truyền hình HD. Song tôi cho rằng, nhiều người sẽ không xem truyền hình HD trên di động. Và họ sẽ cảm thấy hài lòng nếu tốc độ 3G nhanh khi lướt web, check mail, xem các đoạn video ngắn trên Youtube.
Còn khi so sánh tải một đoạn video trên Youtube chỗ này mất 10s, chỗ khác mất 20s thì khách hàng này phải là người cực kỳ khó tính, và họ chắc chắn có nhu cầu cao thực sự.
- Xin cảm ơn ông!
Theo Zing