Dệt may Việt Nam: Ai thực sự hưởng lợi?

Thứ sáu, 06/11/2015, 13:03
Ngành dệt may Việt Nam được hưởng lợi từ TPP, FTA Việt Nam - EU ra sao? Ai được hưởng lợi nhiều nhất? Và phải làm gì để Việt Nam thực sự được hưởng lợi thế đó?
May xuất khẩu lệ thuộc quá lớn vào nguồn nguyên, phụ liệu nhập khẩu, mà chủ yếu không phải từ các nước TPP.

Gần đây, khi FTA Việt Nam - EU và Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) kết thúc đàm phán và sắp được ký kết, người ta hay nhắc đến ngành dệt may, một ngành được cho là hưởng lợi nhiều nhất từ TPP, FTA Việt Nam - EU.

Theo các thông tin được công bố, các bên tham gia TPP đều nhất trí xóa bỏ thuế quan với hàng dệt may, một số mặt hàng nhạy cảm sẽ xóa theo lộ trình, còn lại hầu hết sẽ được xóa ngay. Điều kiện để được hưởng thuế suất 0% là đáp ứng các quy tắc xuất xứ từ sợi trở đi tại nước xuất khẩu hoặc được tính toán cộng gộp từ nội khối, trong khi FTA Việt Nam - EU quy định xuất xứ từ vải.

Với thuế suất đang áp dụng cho hàng dệt may Việt Nam xuất khẩu vào Mỹ từ 17-18%, vào EU từ 8-12% thì khi TPP, FTA Việt Nam - EU có hiệu lực, dường như Việt Nam sẽ được hưởng lợi rất lớn, vì nhiều nước TPP, EU đang là các đối tác nhập khẩu hàng dệt may chủ yếu của Việt Nam như Mỹ (chiếm 40%), EU (13,7%), Nhật Bản (10,6%). Vậy ngành dệt may Việt Nam được hưởng lợi từ TPP, FTA Việt Nam - EU ra sao?

Bất cập của dệt may Việt Nam

Bất cập lớn nhất của dệt may Việt Nam trong chuỗi cung ứng là khâu cung cấp nguyên, phụ liệu đầu vào, hiện chỉ đáp ứng được chưa tới 1% nhu cầu về bông, 30% nhu cầu xơ. Sản lượng sợi đạt trên 1 triệu tấn/năm, trong đó gần 70% xuất khẩu. Sợi sử dụng trong nước chủ yếu nhập khẩu (tương đương lượng sợi xuất khẩu, nhưng chất lượng cao hơn ) từ Trung Quốc 43%, Hàn Quốc 20%, Đài Loan 15%, các nước TPP chỉ 9,7%.

Khâu dệt vải tạo ra khoảng 1,5 tỉ mét vải/năm (chiếm 18% nhu cầu). Trong khi đó nhập khẩu vải tới 6,7 tỉ mét, chiếm trên 80% nhu cầu, chủ yếu nhập từ Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc, các nước TPP chỉ chiếm 5,3%.

Thế mạnh của dệt may Việt Nam là ở công đoạn may. Tuy nhiên, phương thức gia công xuất khẩu (CMT) là chủ yếu: 70%, phương thức FOB I và FOB II (mua nguyên liệu, bán thành phẩm theo khách hàng chỉ định hoặc tự khai thác) khoảng 20%, ODM (sản phẩm bao gồm cả thiết kế) 9% và OBM (sản xuất và tiếp thị bán hàng trực tiếp tại các trung tâm thương mại nước ngoài) chỉ 1%. Vì thế, hiệu quả thấp và giá trị tăng thêm của hàng dệt may xuất khẩu chỉ chiếm trên 50%.

Như vậy, may xuất khẩu lệ thuộc quá lớn vào nguồn nguyên, phụ liệu nhập khẩu, mà chủ yếu không phải từ các nước TPP. Giả sử TPP có hiệu lực ngay lúc này thì với quy tắc xuất xứ của TPP, dệt may Việt Nam hầu như không được hưởng lợi bao nhiêu từ các ưu đãi thuế quan mang lại.

Các doanh nghiệp FDI chiếm ưu thế vượt trội

Tính đến nay tổng số vốn FDI vào ngành dệt may Việt Nam khoảng 10 tỉ đô la Mỹ. Với các dự án đã đi vào hoạt động khu vực FDI đang chiếm trên 60% tỷ trọng trong tổng kim ngạch xuất khẩu của dệt may cả nước. Khi quá trình đàm phán TPP và FTA Việt Nam - EU dần đi vào giai đoạn kết thúc thì làn sóng đầu tư vào dệt may trở nên mạnh mẽ hơn. Riêng năm 2014 đã có 83 dự án FDI với vốn đăng ký 1,64 tỉ đô la Mỹ. Sáu tháng đầu năm 2015 đã có 1,12 tỉ đô la Mỹ đầu tư vào dệt may, trong đó có dự án của Công ty TNHH Hyosung (Hàn Quốc) tới 660 triệu đô la Mỹ tại Đồng Nai là dự án có mức đầu tư cao nhất từ trước tới nay.

Đặc biệt, xu hướng chuyển dịch sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam đã dần được rõ nét. Trước năm 2012 chỉ có 57 dự án với số vốn đăng ký là 191,2 triệu đô la Mỹ, thì gần đây hàng loạt dự án lớn của nhà đầu tư Trung Quốc được triển khai. Có thể kể đến dự án 400 triệu đô la Mỹ vào khu công nghiệp dệt may tại Nam Định, dự án 300 triệu đô la Mỹ của Texhong tại Quảng Ninh và dự án 200 triệu đô la Mỹ của TAL tại Hải Dương...

Nguyên nhân các nhà đầu tư nước ngoài đổ vốn vào ngành dệt may chủ yếu do (i) Giá nhân công của Việt Nam tương đối thấp, thu nhập của người lao động dệt may Việt Nam chưa bằng 50% thu nhập của người lao động Trung Quốc; (ii) Việt Nam lại đang ở thời kỳ “cơ cấu dân số vàng” với nguồn lao động dồi dào. Đây cũng là “cơ hội vàng” để phát triển các ngành thâm dụng lao động như dệt may; (iii) TPP quy định sản phẩm xuất khẩu phải có xuất xứ từ sợi và FTA Việt Nam - EU phải từ vải mới được hưởng mức thuế suất 0%. Trường hợp phải nhập nguyên liệu thì chỉ nhập trong nội khối của TPP, đối với FTA Việt Nam - EU thêm trường hợp ngoại lệ là Hàn Quốc. Trong khi các thị trường cung cấp nguyên liệu chủ yếu cho dệt may Việt Nam đến nay là Trung Quốc, Đài Loan, Hồng Kông lại không tham gia TPP.

Do tiềm lực về vốn, công nghệ, quản trị còn hạn chế các doanh nghiệp trong nước đang bị các doanh nghiệp FDI lấn lướt và họ (các doanh nghiệp FDI) mới chính là người hưởng lợi nhiều nhất khi TPP có hiệu lực.

Các doanh nghiệp trong nước cũng đã tập trung đầu tư vào các khâu sản xuất sợi, dệt nhuộm, tiêu biểu là tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex). Từ năm 2013 Vinatex đã đầu tư 51 dự án, trong đó có 14 dự án sợi, 15 dự án dệt, 15 dự án may... với tổng mức đầu tư trên 8.000 tỉ đồng. Tuy nhiên, do tiềm lực về vốn, công nghệ, quản trị còn hạn chế các doanh nghiệp trong nước đang bị các doanh nghiệp FDI lấn lướt và họ (các doanh nghiệp FDI) mới chính là người hưởng lợi nhiều nhất khi TPP có hiệu lực.

Để Việt Nam thực sự được hưởng lợi từ TPP, FTA Việt Nam - EU

Là nước đi sau có trình độ phát triển thấp và tiềm lực hạn chế, Việt Nam không có cách nào khác là phải dựa vào đầu tư nước ngoài để phát triển lĩnh vực sản xuất nguyên, phụ liệu dệt may. Đầu tư nước ngoài đương nhiên được hưởng lợi từ các FTA và TPP mà Việt Nam tham gia, song cũng giúp Việt Nam giải quyết được một số vấn đề mấu chốt:

- Giải quyết việc làm, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp thông qua phát triển mạnh ngành công nghiệp thâm dụng lao động như dệt may, da giày. Thúc đẩy phát triển các ngành phụ trợ, dịch vụ.

- Tận dụng được lợi thế “cơ cấu dân số vàng”, để đưa đất nước phát triển trở thành nước công nghiệp như kinh nghiệm của Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc...

Tạo điều kiện để các doanh nghiệp trong nước học hỏi kinh nghiệm quản lý, nắm được công nghệ, bí quyết, đồng thời cọ xát, cạnh tranh để phát triển.

Tăng nguồn thu ngân sách để đầu tư phát triển các lĩnh vực khác như giáo dục, y tế, giao thông, an sinh xã hội.

Để TPP, FTA thực sự mang lại lợi ích cho các đối tác tham gia phát triển ngành dệt may và để phần hưởng lợi của Việt Nam tăng dần theo thời gian, cần triển khai một số giải pháp như:

Nhà nước quy hoạch các khu công nghiệp sản xuất dệt may lớn tại ba miền Bắc, Trung, Nam để thu hút đầu tư vào lĩnh vực sợi, dệt, nhuộm - hoàn tất. Hỗ trợ đầu tư xử lý nước thải tại các khu vực này.

Có chính sách thu hút công nghệ tiên tiến, hạn chế các thiết bị, công nghệ lạc hậu để tránh Việt Nam trở thành bãi rác công nghiệp.

Tăng cường công tác quản lý các cơ sở dệt may ngăn ngừa việc xả thải chưa qua xử lý gây ô nhiễm, ảnh hưởng đến môi trường sống của người dân.

Quản lý tốt lao động nước ngoài làm việc trong các doanh nghiệp FDI. Không để lao động nước ngoài làm việc trái phép quá nhiều như có nơi đã xảy ra.

Kiểm soát, ngăn ngừa tình trạng chuyển giá, nếu không lợi ích của Việt Nam sẽ không còn lại bao nhiêu. Kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp trốn nộp, chậm nộp bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động.

Các doanh nghiệp mạnh trong nước cần phối hợp triển khai một số dự án lớn tại các trung tâm dệt may của cả nước, tạo ra đối trọng trong khu vực về quan hệ lao động, thu nhập, bảo vệ môi trường, nghĩa vụ với Nhà nước, địa phương...

Theo TB KTSG

Các tin cũ hơn