Samsung xuất khẩu 30 tỷ, Việt Nam hưởng lợi gì?

Thứ năm, 05/11/2015, 10:25
Năm 2015, Samsung đặt mục tiêu xuất khẩu sản phẩm tại Việt Nam đạt hơn 30 tỷ USD. Vậy nền kinh tế Việt Nam được hưởng lợi gì từ con số khủng trên?

Giá trị gia tăng thấp, hãy tự trách mình

Tổng cục Thống kê cho biết, 10 tháng, kim ngạch xuất khẩu điện thoại và linh kiện đạt 25,8 tỷ USD, tăng 32,7%. Trong đó, đóng góp lớn nhất thuộc về Samsung Việt Nam với hai tổ hợp sản xuất điện thoại và linh kiện tại Bắc Ninh và Thái Nguyên.

Được biết, năm 2014, Samsung xuất khẩu 26,3 tỷ USD (tương đương khoảng 17,5% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam) và dự kiến hết năm 2015, xuất khẩu hơn 30 tỷ USD.

Tổng vốn đầu tư của Samsung cho hai nhà máy tại Bắc Ninh (SEV) và Thái Nguyên (SEVT) lần lượt là 2,5 và 5 tỷ USD, ngoài ra Samsung Điện tử đã khởi công tổ hợp sản xuất hàng Điện tử Gia dụng (SEHC) tại Khu Công nghệ cao TP HCM ngày 19/5 với tổng số vốn 1,4 tỷ USD.

Chưa kể những hiệu ứng phát triển kinh tế dịch vụ xã hội tại địa phương, chỉ tính riêng về thu hút lao động, hai nhà máy của Samsung điện tử tại Bắc Ninh và Thái Nguyên hiện đang sử dụng khoảng 112 nghìn lao động Việt Nam với mức thu nhập khởi điểm khoảng 6 triệu đồng/người/tháng.

Hiện, nhân lực Việt Nam đang sản xuất ra hơn 30% các sản phẩm di động thông minh của Samsung Điện tử trên toàn cầu. Tất cả các sản phẩm mới nhất, hiện đại nhất của Samsung Điện tử như Galaxy S6, Galaxy S6 Edge, Galaxy Note 5, Galaxy S6 Edge Plus,... đều được sản xuất tại Việt Nam.

Song, sau 20 năm đầu tư tại Việt Nam, tỷ lệ nội địa hóa linh kiện sản xuất của Samsung hiện mới đạt khoảng 36%. Chính con số này đã khiến giá trị gia tăng trong sản phẩm xuất khẩu của Samsung vẫn đang ở mức thấp.

Tuy nhiên, theo TS. Lê Đăng Doanh, sẽ là không công bằng nếu chúng ta chỉ đánh giá mức đóng góp của Samsung cho nền kinh tế Việt Nam qua giá trị gia tăng.

“Chúng ta phải tự trách mình. Bởi lẽ, từ lâu Samsung đã sẵn sàng hợp tác và kêu gọi DN trong nước đóng góp 117 chi tiết của họ, nhưng chúng ta đã không đáp ứng được. Vì vậy, Việt Nam cần phải nỗ lực hợp tác cùng Samsung để nâng cao giá trị gia tăng trong sản phẩm xuất khẩu”, ông Lê Đăng Doanh nêu quan điểm.

Việt Nam đâu mất gì?

Từ con số xuất khẩu của Samsung, theo TS. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Vốn đầu tư nước ngoài (FDI), ngoài giá trị gia tăng cần có góc nhìn rộng, mới thấy được Việt Nam đang hưởng lợi những gì?

Ông Mại phân tích, kim ngạch xuất khẩu cao sẽ mang lại ba lợi ích rõ nét cho nền kinh tế: “Tôi được biết Samsung hiện đã tạo khoảng 30% giá trị gia tăng ở Việt Nam, trong đó bao gồm giá trị từ linh - phụ kiện sản xuất tại Việt Nam, thu nhập lao động, hoạt động cung ứng dịch vụ... Như vậy, nếu năm nay Samsung xuất khẩu 30 tỷ USD sẽ tạo ra ở Việt Nam từ 9-10 tỷ USD. Đó là lợi ích dễ thấy nhất”, ông Mại nói.

Về xuất khẩu, hiện Samsung nằm trong số DN FDI xuất siêu trong 10 tháng qua. Trong khi đó, DN trong nước lại đang ở thế nhập siêu. “Rõ ràng nếu không có những DN FDI xuất siêu như Samsung để bù lại, thì tỷ lệ nhập siêu của Việt Nam sẽ tăng cao. Điều này sẽ giúp tăng dự trữ ngoại hối Nhà nước và ổn định tỷ giá”.

Ngoài ra, ông Mại cho rằng, những DN quy mô lớn, vốn đầu tư mạnh như Samsung đang góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

“Tôi đã từng nói chuyện với Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên và được biết, thu ngân sách của tỉnh năm nay về trước kế hoạch tới bốn tháng là nhờ có sự đóng góp đáng kể từ khu vực DN FDI, với hơn 1 nghìn tỷ đồng, chủ yếu là từ Nhà máy Samsung Thái Nguyên và các nhà thầu. Không còn phải đối mặt với thất nghiệp, vấn đề đặt ra cho chính quyền tỉnh hiện nay là phải phát triển dịch vụ xã hội để đáp ứng nhu cầu về nhà ở, khu giải trí vui chơi... của người lao động”, ông Mại nhận xét.

Nhìn về tương lai phía trước để trả lời cho câu hỏi: Việt Nam thu lại được bao nhiêu từ nguồn lợi của Samsung, ông Mại làm phép tính:

Hiện Bắc Ninh, vài năm nữa sẽ tới Thái Nguyên, khi đã qua giai đoạn ưu đãi ban đầu, bắt đầu thụ hưởng từ việc thu thuế DN của Samsung. “Cứ tính mức xuất khẩu của Samsung là hơn 30 tỷ USD, với mức lợi nhuận đạt khoảng 15% là khoảng 5 tỷ USD. Vậy chỉ cần áp 5% thuế thu nhập DN, ngân sách cũng có thể thu được cỡ 250 triệu USD/năm. Ở mức thuế 10%, ngân sách thu khoảng 500 triệu USD. Nếu tính giá trị thu về từ tiền sử dụng đất, hiện Hà Nội cũng mới chỉ đạt 200 triệu đồng/ha/năm, tương đương hơn 9 nghìn USD. Trong khi đó, nếu tính trên diện tích đất mà Bắc Ninh và Thái Nguyên dành cho Samsung (320ha), giá trị thu về do Samsung mang lại từ 8-16 triệu USD/ha/năm! Như vậy mình được chứ mất gì đâu?”, ông Mại đặt vấn đề.

Về nền sản xuất trong nước, Samsung đang sản xuất mặt hàng mà không có DN cạnh tranh. Thậm chí, họ còn đang muốn ký kết với 150 DN phụ trợ của Việt Nam song tới nay mới 86 DN dự định tham gia. Được biết, Samsung đang triển khai chương trình rất lớn hỗ trợ kỹ thuật cho DN phụ trợ của Việt Nam.

Theo Báo Giao Thông

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích