Liên quan đến việc quảng cáo máy lọc nước Kangaroo có thể ngăn ngừa mỡ máu, ngày 3.11, trao đổi với báo Lao Động, bà Vũ Thị Hường - đại diện truyền thông của Công ty CP điện lạnh, điện máy Việt - Úc - Kangaroo cho biết: “Hiện tại, Kangaroo đã gỡ bỏ tất cả các quảng cáo máy lọc nước ngăn ngừa mỡ máu trên trang web chính thức của công ty (Kangaroo.vn)”.
Cũng theo bà Hường, phía công ty đang liên hệ để nhiều các trang bán hàng khác, các đại lý có phân phối các sản phẩm của Kangaroo điều chỉnh thông tin máy lọc nước có thể ngăn ngừa mỡ máu.
“Kết quả thử nghiệm” lọc khuẩn được quảng cáo trên trang web của Tập đoàn Kangaroo. |
Mặc dù việc quảng cáo các loại máy lọc nước Kangaroo đều thể hiện rõ: Máy lọc nước Kangaroo có công nghệ diệt khuẩn Nano silver duy nhất có tại máy lọc nước Kangaroo, có thể loại bỏ được các loại khuẩn nguy hiểm như amip ăn não người, trùng mủ xanh, ecolly...
Tuy nhiên, lý giải về điều này bà Hường lại cố ngụy biện rằng: “Chúng tôi đều quảng cáo dựa theo kết quả kiểm nghiệm của cơ quan chức năng. Công nghệ lọc khác với việc diệt bằng kháng sinh. Máy lọc nước Kangaroo có thể loại bỏ vi khuẩn ra khỏi nguồn nước chứ không phải là diệt khuẩn.
Trên trang web chính thức của chúng tôi không bao giờ quảng cáo là diệt khuẩn. Chúng tôi chỉ nói là loại bỏ vi khuẩn. Các trang web khác cũng đều ghi rõ là loại bỏ amip ăn não người. Người ta nói là loại bỏ chứ đâu có nói là diệt?”.
Bà Hường cũng chỉ ra phiếu kết quả kiểm nghiệm mẫu nước lọc từ các sản phẩm máy lọc nước Kangaroo KG 104-103-102 của Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia. Kết quả cho thấy không phát hiện khuẩn amip ăn não người trong nước này. Tuy nhiên, khi PV đề nghị bà Hường cung cấp, thậm chí đề nghị cho PV chụp lại phiếu kết quả kiểm nghiệm này thì bà Hường không đồng ý rồi vội vàng cất đi.
Phiếu kết quả kiểm nghiệm mẫu nước lọc từ các sản phẩm máy lọc nước KG 104- 103-102 của Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia. |
Tuy vậy, từ việc quảng cáo về máy lọc nước “thần” của Tập đoàn Kangaroo, người tiêu dùng có thể nhận thấy rõ trên kênh bán hàng chính thức của Kangaroo, các sản phẩm máy lọc nước vẫn được ghi rõ là: “Máy lọc nước RO diệt khuẩn- tạo khoáng: KG102, KG103, KG104, KG105”.
Tìm hiểu thêm, độc giả còn có thể thấy “amip ăn não người” là loài vi sinh đơn bào có tên khoa học là Naegleria fowleri, sống trong môi trường nước ngọt, thường có trong sông, hồ, bể bơi không được vệ sinh, sát khuẩn thường xuyên… và xâm nhập vào não theo đường mũi. Nguy cơ cao nhiễm ký sinh trùng này là khi nhảy xuống nước, lặn đầu xuống nước hay các hoạt động có liên quan đến nước có nguy cơ làm nước xộc mạnh vào mũi.
Theo các chuyên gia về vệ sinh dịch tễ, chỉ cần tiệt trùng theo đúng phương pháp nước ở bể bơi là có khả năng tiêu diệt ký sinh trùng “amip ăn não người” này. Như vậy, nhiều người tiêu dùng đặt ra câu hỏi rằng khả năng của máy lọc nước Kangaroo cũng không khác các loại máy lọc nước ở bể bơi hoặc phải chăng nên đưa máy lọc nước Kangaroo vào sử dụng cho bể bơi?
Amip ăn não người cũng ít khi xuất hiện trong nguồn nước uống và cũng không xâm nhập vào cơ thể qua hệ tiêu hóa. Như vậy, việc Kangaroo quảng cáo máy lọc nước của hãng này có thể diệt được khuẩn amip ăn não người dường như không có ý nghĩa lắm đối với người tiêu dùng.
Kangaroo quảng cáo sai thì phải thu hồi giấy phép! Đại tá Phạm Trường Dân, Phó Giám đốc Công an tỉnh Quảng Nam (ĐBQH tỉnh Quảng Nam) cho rằng: Việc quảng cáo của Kangaroo như vậy thì ngành y tế phải vào cuộc để làm rõ vấn đề này để có kết luận chính thức, không làm hoang mang cho người dân và làm rõ xem có hay không việc Kangaroo đang lừa dối người tiêu dùng. Nếu Cty này quảng cáo không đúng vi phạm quy định của pháp luật thì đề nghị tịch thu giấy phép. Trao đổi với LĐ về vấn đề này bên lề Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son cho biết: Việc quảng cáo sản phẩm để chữa bệnh đúng hay không là do Bộ Y tế thẩm định, kiểm tra. Và việc quảng cáo sản phẩm anh phải dựa vào những xác nhận của cơ quan chức năng nếu anh quảng cáo sai trong lĩnh vực văn hóa quản lý thì sẽ do Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch xử lý theo quy định. Còn nếu cơ quan truyền thông mà đăng tin quảng cáo sai thì Bộ Thông tin và Truyền thông xử lý. |