Ngày 2.11, Trung Quốc đã nâng tỷ giá đồng nhân dân tệ với mức tăng lớn nhất trong một thập kỷ qua. Theo thông cáo của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC), tỷ giá trung bình của đồng nhân dân tệ so với đồng USD được điều chỉnh tăng 0,54%. Trung Quốc đã cho phép nhà đầu tư giao dịch đồng nhân dân tệ dao động với biên độ +/-2% so với tỷ giá do ngân hàng trung ương ấn định hàng ngày đối với thị trường ngoại hối nội địa. Với mức tăng giá đồng nhân dân tệ thêm 0,5%, 1 USD đổi được 6,3154 nhân dân tệ.
Đây là mức tăng mạnh nhất từ tháng 7.2005, khi Trung Quốc bắt đầu chấm dứt chính sách neo vào USD (thả nổi tỷ giá giữa đồng nhân dân tệ với đồng USD) và tuyên bố sẽ quản lý tỷ giá theo một rổ tiền tệ.
Động thái trên diễn ra chỉ 3 tháng sau khi Bắc Kinh bất ngờ phá giá đồng nhân dân tệ gây chấn động thị trường toàn cầu. Trước đó, hồi tháng 8, Bắc Kinh đã điều chỉnh đồng nhân dân tệ giảm gần 5% chỉ trong vòng một tuần và cho rằng đây là một phần nỗ lực nhằm tăng cường sự linh hoạt tỷ giá nhân dân tệ.
Nhìn nhận diễn biến của đồng nhân dân tệ hiện nay, ông Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, PBOC tăng giá đồng nhân dân tệ lần này chỉ là “những bước đi tạm thời” bởi xu hướng của nước này là tự do hóa thị trường, thả nổi đồng nhân dân tệ. “Đồng nhân dân tệ tăng giá so với USD là do biến động cung-cầu trên thị trường nước này. Nếu có can thiệp thì Chính phủ Trung Quốc chỉ bình ổn tạm thời. Bởi Trung Quốc sẽ để thả nổi đồng nhân dân tệ” - ông Hiếu nhận định.
Về tác động của động thái này tới đồng tiền Việt Nam và khả năng diễn biến của tỷ giá VNĐ/USD tới đây, ông Hiếu cho rằng sẽ có nhiều tác động vì Việt Nam làm ăn với Trung Quốc lớn. “Chúng ta nhập hàng hóa của Trung Quốc nhiều. Giá hàng Trung Quốc vào Việt Nam thanh toán bằng USD tăng lên sẽ giúp chúng ta hạn chế nhập khẩu hàng Trung Quốc vào Việt Nam. Ngược lại, hàng của ta xuất sang Trung Quốc sẽ rẻ hơn và thúc đẩy Trung Quốc mua nhiều hơn” - ông Hiếu nói.
Ông Hiếu nhận định rằng, “trước đây khi Trung Quốc giảm giá đồng nhân dân tệ thì hàng hóa và đồng tiền của Việt Nam đã bị ảnh hưởng mạnh theo hướng bất lợi. Do vậy Trung Quốc tăng giá đồng tiền của họ chắc chắn là có tác động tốt hơn”.
Trái ngược với đồng nhân dân tệ tăng giá so với USD, đến chiều 2.11, tỷ giá VNĐ/USD niêm yết tại hầu hết các ngân hàng thương mại đồng loạt giảm giá, tuy nhiên biên động dao động không đáng kể, trong khoảng 10 – 20 đồng/USD. Ngân hàng Vietcombank niêm yết tỷ giá USD/VND tại mức mua vào là 22.265 đồng/USD và bán ra là 22.345 đồng/USD, giảm 15 đông/USD ở cả hai chiều mua vào và bán ra. Tương tự, ngân hàng Vietinbank cũng điều chỉnh giảm 15 đồng/USD ở cả hai chiều mua và bán, USD được mua vào và bán ra ở ngưỡng 22.260 – 22.340 đồng/USD. Tỷ giá giao dịch bình quân trên thị trường ngoại tệ liên ngân hàng của USD/VND tiếp tục được Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước áp dụng cho ngày 2.11 là 21.890 VND/USD.
Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong, tỷ giá VNĐ/USD đã không biến động quá mạnh gần đây. Trên thị trường, tỷ giá Việt Nam thường bị tác động bởi yếu tố tâm lý. Ngân hàng Nhà nước đã có những động thái tốt ổn định tâm lý này và giảm đầu cơ vào đồng USD. Tuy nhiên, yếu tố khách quan sẽ còn tác động khá mạnh đến tỷ giá từ nay tới cuối năm, đó là nhu cầu thanh toán bằng USD, trả nợ tăng lên. Biến động tiền tệ thế giới, đặc biệt là động thái điều chỉnh đồng nhân dân tệ còn tiếp diễn và khả năng tăng lãi suất của Mỹ có thể vào tháng 12 tới, sẽ tiếp tục là những áp lực cho tỷ giá, chủ yếu với đồng USD ở trong nước.
Theo Dân Việt