Đón khách du lịch tàu biển |
“Người khổng lồ” đã đến
Giới du lịch thường nói về thị trường Nga như là một ví dụ điển hình về sự thâm nhập của doanh nghiệp nước ngoài vào thị trường Việt Nam. Từ quy mô rất nhỏ, chỉ trong vài năm, Nga đã nhảy lên là một trong những thị trường hàng đầu với hơn 360.000 lượt khách vào năm ngoái. Gương mặt đứng đằng sau sự tăng trưởng vượt bậc đó là tập đoàn du lịch đa quốc gia Pegas Touristik.
Đúng như dự đoán của giới doanh nghiệp về sự tham gia sâu vào thị trường Việt Nam của tập đoàn này, chỉ vài năm sau khi hợp tác với đối tác trong nước để làm dịch vụ cho khách Nga tại Việt Nam, Pegas Touristik đã tự thành lập công ty tại Việt Nam để điều hành mọi hoạt động lữ hành. Thậm chí, tập đoàn này còn mở cả công ty quản lý khách sạn chuyên lo chuyện ở cho khách Nga và mới đây còn cho biết kế hoạch lập hãng hàng không để đưa khách du lịch sang. Chuỗi cung ứng dịch vụ của Pegas Touristik ngày càng khép chặt.
“Với thị trường Nga, doanh nghiệp trong nước thua hẳn bởi không thể đủ mạnh để lấy khách tại nguồn mà chỉ làm vài dịch vụ được doanh nghiệp nước ngoài thuê lại”, ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hội Lữ hành thành phố Đà Nẵng, nói.
Câu chuyện về một vài thị trường khác như Hàn Quốc, Trung Quốc cũng diễn ra tương tự.
Du khách Trung Quốc đến bằng máy bay thuê bao cũng đã tăng lên ở các điểm đến như Nha Trang, Đà Nẵng... Đằng sau sự tăng trưởng ấy vẫn là bàn tay của doanh nghiệp nước ngoài. Những công ty này gom khách, thuê máy bay đưa đến, thậm chí đặt cả khách sạn, xe và chỉ thuê doanh nghiệp trong nước thực hiện vài dịch vụ mà luật chưa cho phép tham gia như hướng dẫn khách du lịch.
Người Hàn Quốc điều hành gần như tất cả dịch vụ, thậm chí còn mở nhà hàng, mở spa... để phục vụ cho khách Hàn Quốc ngay tại Việt Nam. |
Tình hình còn trầm trọng hơn với thị trường Hàn Quốc, nơi doanh nghiệp trong nước thực sự “trắng tay”, không thể tham gia vào chuỗi cung ứng dịch vụ cho du khách. Người Hàn Quốc điều hành gần như tất cả dịch vụ, thậm chí còn mở nhà hàng, mở spa... để phục vụ cho khách Hàn Quốc ngay tại Việt Nam.
“Đối tác nước ngoài chỉ cần đến doanh nghiệp trong nước trong thời gian đầu nhưng một khi đã quen thị trường thì tự làm hoặc chỉ nhờ đến khi gặp những trường hợp khó, chẳng hạn như khách sạn không cho trả sau”, ông Từ Quý Thành, Giám đốc Công ty Du lịch Liên Bang Travelink, nói.
Doanh nghiệp nước ngoài đã góp phầm mang đến nguồn khách lớn cho du lịch Việt Nam nhưng cũng đặt doanh nghiệp Việt Nam trước một cuộc cạnh tranh khốc liệt. Rất ít doanh nghiệp có thể tự tin cạnh tranh ngang ngửa với đối thủ nước ngoài. Khi đã không tự mang khách đến, không có những điểm đặc sắc để buộc đối tác phải ràng buộc lâu dài thì doanh nghiệp sẽ rất khó khăn khi đối tác quay lưng hoặc khi thị trường có biến động. Câu chuyện về hàng loạt khách sạn, nhà hàng, điểm cung cấp dịch vụ du lịch... ở Nha Trang, Phan Thiết lao đao do vắng khách Nga trong thời gian qua là một trong những dẫn chứng về việc này.
Xoay xở cách nào?
Từ trước đến nay, các doanh nghiệp lữ hành trong nước đóng vai trò điều hành dịch vụ địa phương. Tuy nhiên, hiện tại do quy mô phát triển toàn cầu, áp lực cạnh tranh tại thị trường nguồn, khai thác lợi nhuận, chuẩn hóa dịch vụ hệ thống... nên các doanh nghiệp lữ hành nước ngoài có xu hướng triển khai điều hành dịch vụ trực tiếp. Việc doanh nghiệp nước ngoài tham gia sâu vào thị trường nội địa cũng là xu hướng tất yếu, không thể không có trong xu thế hội nhập.
Vấn đề hiện nay là doanh nghiệp trong nước phải tăng cao sức cạnh tranh bằng cách tăng cường năng lực điều hành tại chỗ để tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu trong hoạt động kinh doanh lữ hành quốc tế thay vì chỉ yên tâm “làm thuê”, và phải lấy khách tại nguồn.
Ông Võ Anh Tài, Tổng giám đốc Công ty Dịch vụ lữ hành Saigontourist, cho rằng “Nếu doanh nghiệp tại địa phương nâng cao năng lực, đáp ứng các yêu cầu cần thiết của đối tác nước ngoài, mang được hiệu quả hợp tác cho hai bên thì quan hệ hợp tác mới kéo dài”.
Thực tế, cũng như Saigontourist, đã có một số công ty trong nước như Tập đoàn Thiên Minh đầu tư cho các văn phòng đại diện ở nước ngoài cùng hệ thống bán dịch vụ trực tiếp nhằm thu hút khách hàng tại nguồn. Tuy nhiên, với quy mô vừa và nhỏ của đa số doanh nghiệp du lịch Việt Nam hiện nay thì ước mơ lấy khách tại nguồn là rất xa vời vì không đủ tài chính, kinh nghiệm và thương hiệu mạnh để thực hiện. Vì thế, cách mà một số công ty chọn là chủ động xây dựng những sản phẩm riêng có để doanh nghiệp nước ngoài không thể không sử dụng khi vào nội địa.
“Phần lớn các trang web của doanh nghiệp chỉ làm được phần giới thiệu thông tin, khách (chủ yếu là các bạn hàng) cần sẽ gửi e-mail đặt hàng, chứ chưa bán và thanh toán được cho khách lẻ qua trang web. Vì thế, doanh nghiệp phải có những sản phẩm đặc biệt. Chẳng hạn, chúng tôi đang đầu tư mạnh vào các tour trực thăng, là sản phẩm mà doanh nghiệp nước ngoài có vào thì cũng phải sử dụng”, ông Dũng, cũng là thành viên của Công ty Vietnam TravelMart, nói.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp du lịch cho rằng, trong cuộc cạnh tranh mới, không chỉ có phía doanh nghiệp mà cơ quan nhà nước cũng phải tham gia, bằng việc phát triển và quảng bá Việt Nam thành điểm đến hấp dẫn.
Thêm vào đó, cơ quan quản lý cần phải quản lý chặt những doanh nghiệp hoạt động bất hợp pháp để bảo đảm môi trường cạnh tranh lành mạnh và doanh nghiệp trong nước cũng phải có bản lĩnh để từ chối những mối lợi ngắn hạn để đảm bảo cho sự phát triển lâu dài.
Ông Phan Xuân Anh, Chủ tịch Công ty Du lịch Viet Excursions, cho biết có hãng tàu nước ngoài vào, không lập công ty, không đóng thuế, chỉ thuê hai nhân viên ngồi tại Việt Nam điều hành và sẵn sàng phá giá để lấy khách cho hãng rồi thuê lại công ty trong nước làm. Có nhiều tour chỉ lời 50 cent (hơn 10.000 đồng) họ cũng chấp nhận làm để lấy hợp đồng, chiếm lĩnh thị trường bằng mọi giá rồi sau đó tính sau.
“Khi giá quá thấp, chất lượng quá tệ thì du khách sẽ quay lưng không chỉ với doanh nghiệp mà với cả điểm đến nên những dịch vụ này cần phải được quản lý. Chúng tôi đã từ chối những hợp đồng có giá quá rẻ vì làm tour đó là phải cắt chất lượng mới có thể có lời. Mình phải giữ chất lượng thì mới có thể tồn tại trước chứ không nên ham số lượng nhất thời”, ông Anh nói.
Theo TB KTSG