CafeBiz xin trân trọng giới thiệu series bài viết về "Các doanh nghiệp châu Á nổi bật". Kỳ này chúng tôi xin giới thiệu về Aeon - Đại gia bán lẻ Nhật Bản có lịch sử hơn 250 năm.
Được thành lập từ năm 1758, Aeon khởi đầu là một cửa hiệu chuyên cung cấp các chất liệu, phụ kiện may kimono ở Yokkaichi do ông Sozaemon Okada điều hành.
Với lịch sử trên 250 năm như vậy, Aeon được biết đến là một trong những nhà bán lẻ lâu đời nhất tại Nhật Bản.
Aeon hiện là một trong những tập đoàn thương mại bán lẻ lớn nhất trên thế giới với 179 liên doanh trong và ngoài nước Nhật Bản, hhoạt động trong nhiều lĩnh vực kinh doanh bao gồm cả bán lẻ hàng tiêu dùng, dịch vụ tài chính, bán lẻ thuốc… Số liệu thống kê trong năm 2013 cho thấy, tổng doanh thu hợp nhất toàn tập đoàn đạt 58,6 tỷ USD.
Tập đoàn này có tổng cộng 420.000 nhân viên tại 14 quốc gia khắp thế giới bao gồm: Malaysia, Thái Lan, Hồng Kông, Trung Quốc, Việt Nam, Indonesia, Lào, Myanmar, Hàn Quốc, Philippines, Ấn Độ, Campuchia, Kazakhstan.
Dưới đây là bảng thống kê số lượng các trung tâm mua sắm và văn phòng, tính cả các công ty con phụ thuộc và các công ty góp vốn cổ phần tại các quốc gia mà Tập đoàn Aeon đang điều hành quản lý:
Aeon đang làm gì ở Việt Nam?
Tại Việt Nam, Aeon chính thức bắt đầu hoạt động từ năm 2009 dưới hình thức Văn phòng Đại diện (01/12/2009 – 10/07/2012).
Ngày 07/10/2011, Công ty TNHH AEON Việt Nam chính thức được thành lập, đầu tư cho các hoạt động về xây dựng, tổ chức, quản lý và kinh doanh các mô hình Trung tâm thương mại, Trung tâm bách hóa tổng hợp và Siêu thị hiện đại. Đây được xem là phương hướng kinh doanh chủ đạo.
Ngoài ra Aeon còn thực hiện các hoạt động kinh doanh khác liên quan đến xuất nhập khẩu, thương mại và nghiên cứu. Tính đến năm 2013, Aeon Việt Nam có tổng cộng 550 nhân viên.
Hiện tại, Aeon hiện đã rót 500 triệu USD vào Việt Nam cho 3 trung tâm mua sắm gồm có:
- Trung tâm mua sắm AEON – Tân Phú Celadon tại Tp.Hồ Chí Minh, khai trương vào tháng 01/2014. Với tổng vốn đầu tư 100 triệu USD, đây là trung tâm thương mại đầu tiên của Aeon tại Việt Nam và nó thu hút được 13 triệu lượt khách mỗi năm.
- Trung tâm mua sắm AEON – Binh Dương Canary tại Tình Bình Dương, khai trương tháng 10/2014. Với diện tích hơn 70.000m2, thiết kế gồm 1 tầng trệt và 2 tầng lầu, Trung tâm mua sắm AEON MALL Bình Dương Canary có 143 cửa hàng bày bán các sản phẩm chất lượng cao, 40 gian hàng đến từ những thương hiệu Nhật Bản, 18 gian hàng lần đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam.
- Mới đây nhất, Aeon Việt Nam đã “bắc tiến” thành công với việc khai trương Trung tâm bách hóa tổng hợp đầu tiên của Aeon tại Hà Nội – Aeon Long Biên. Đây là trung tâm mua sắm thứ 3 trong cả nước và là trung tâm đầu tiên tại thủ đô Hà Nội của nhà bán lẻ Nhật Bản này.
Kế hoạch của Aeon tại Việt Nam.
Cách thành phố khoảng 20 phút lái xe, Aeon Long Biên trở thành một trong những tổ hợp thương mại lớn nhất tại Hà Nội với diện tích rộng 96.000 m2. Tổ hợp này bao gồm một khu vui chơi, rạp chiếu phim có 10 phòng chiếu và một trung tâm thể hình.
Được biết, những trung tâm mua sắm mới mở gần đây của Aeon tại Việt Nam nằm trong chiến lược lược trung hạn 2014-2016. Theo đó, Tập đoàn này đề ra phương châm “Dịch chuyển sang châu Á”, với việc tăng cường hoạt động tại khu vực ASEAN và Trung Quốc.
Bản thân ông Yukio Konishi – chủ tịch và Tổng giám đốc Aeon Mall Việt Nam cho rằng họ nhận thấy có rất nhiều tiềm năng phát triển tại đây. “Chúng tôi có thể sẽ mở thêm 20 cửa hàng tại cả Hà Nội và TP Hồ Chí Minh”, ông tuyên bố trong Lễ khai trương siêu thị mới hôm 3/9.
Ôm mộng "xưng vương" trong thị trường bán lẻ Việt Nam?
Trong bối cảnh Việt Nam đang chứng kiến sự bùng nổ chi tiêu tiêu dùng. Doanh số của những cửa hàng lớn trong nước đã tăng 10,1% trong 8 tháng đầu năm 2015, từ mức 7,8% cùng kỳ năm ngoái. Việc các hãng bán lẻ lớn như Aeon mở rộng hoạt động đầu tư tại thị trường này là không quá ngạc nhiên.
Tuy nhiên, điều này đồng nghĩa với việc cạnh tranh sẽ trở nên gay gắt hơn bao giờ hết.
E-mart – một chuỗi siêu thị lớn của Hàn Quốc đang lên kế hoạch mở cửa hàng đầu tiên tại Việt Nam trong tháng 12 tới với tổng đầu tư 60 triệu USD tại TP Hồ Chí Minh.
Trong khi đó, nhà bán lẻ hàng đầu Hàn Quốc là Lotte Mart cũng đã tiến quân vào thị trường Việt Nam từ năm 2008 và hiện đang vận hành 10 siêu thị tại đây. Họ đang nhắm đến mở rộng mạng lưới của mình lên con số 60 trong năm 2020.
Với riêng Aeon, ngoài việc mở các trung tâm mua sắm, tập đoàn này còn đầu tư vốn và liên kết với một số hệ thống siêu thị trong nước như Fivimart và Citimart nhằm phát triển chuỗi bán lẻ trên toàn quốc.
Đến thời điểm này, cuộc chơi trong thị trường bán lẻ Việt Nam vẫn chưa thể ngã ngũ. Tuy nhiên, có vẻ như Aeon đã khôn ngoan hơn khi kết hợp mở rộng quy mô trực tiếp (xây mới các đại siêu thị) và gián tiếp (hợp tác & liên kết với các chuỗi siêu thị nhỏ).
Theo Tri Thức Trẻ