Bán hàng qua mạng: Chi phí nhỏ, lợi nhuận lớn

Thứ ba, 03/11/2015, 10:07
Bỏ ra một khoản chi phí để quảng bá bán hàng qua mạng, doanh nghiệp sẽ thu về lợi nhuận lớn hơn nhiều.
Thương mại điện tử đã làm giảm chi phí giao dịch, giảm thiểu các khâu trung gian và tạo ra sân chơi bình đẳng, giúp doanh nghiệp có thể tiếp cận khách hàng nhanh nhất.

“Phép màu” từ thế giới mạng

Khi bắt đầu kinh doanh đặc sản cá trắm kho Làng Vũ Đại, suốt cả năm 2009, ông Trần Bá Luận, chủ Cơ sở sản xuất cá kho Làng Vũ Đại (tỉnh Hà Nam) chỉ bán được 257 niêu cá kho. Sau đó, với việc xây dựng website bán hàng cakhotranluan.com và sử dụng quảng cáo trực tuyến CaKhoHaNam, số lượng đơn hàng tăng mạnh qua các năm và đến năm 2013, số lượng sản phẩm bán ra tăng lên hơn 5.300 niêu. Hiện tại, đơn vị này đã có đại lý ở Hà Nội và TP.HCM.

Giống ông Luận, khi bắt đầu kinh doanh, Đỗ Tiến Hiếu chỉ dựa vào website cung cấp dịch vụ vệ sỹ, nhưng chỉ sau 2 năm, doanh nghiệp này đã trở thành một trong những nhà cung cấp dịch vụ bảo vệ hàng đầu phía Nam, với gần 1.000 nhân viên và đang tiếp tục mở rộng thị trường.

Chủ website www.thanhlyhangcu.com là ông Nguyễn Minh Phúc thì khởi nghiệp từ việc… bị phá sản và lập website chuyên mua lại những đồ đạc đã qua sử dụng, tân trang lại rồi bán. Hiện website này hoạt động trên cả nước, với một đội xe tải và nhà xưởng có diện tích hơn 3.000m2.

Một trường hợp khác là Công ty Nhà Việt chuyên kinh doanh dịch vụ vệ sinh nhà cửa, vệ sinh khu công nghiệp tại TP.HCM, Đồng Nai, được thành lập từ năm 2011...

Trong nửa năm đầu tiên đi vào hoạt động, Công ty không sử dụng dịch vụ quảng cáo trực tuyến, mà chỉ theo phương thức truyền thống. Việc này tuy tiết kiệm chi phí, nhưng không hiệu quả. Sau đó, nhờ việc doanh nghiệp bắt đầu quảng cáo trên mạng và website www.nhavietco.com, doanh thu đã đạt mức tăng trưởng 100% mỗi năm. Hiện chi phí mỗi tháng để duy trì quảng cáo trực tuyến của công ty là 12 triệu đồng, chiếm 10% doanh thu.

Những ví dụ trên cho thấy, thương mại điện tử đã làm giảm chi phí giao dịch, giảm thiểu các khâu trung gian và tạo ra sân chơi bình đẳng, giúp doanh nghiệp có thể tiếp cận khách hàng, thị trường trong và ngoài nước một cách sâu rộng.

Năm 2015, thị trường thương mại điện tử Việt Nam được dự báo đạt doanh số khoảng 4 tỷ USD. Dự báo đến năm 2020, thị trường thương mại điện tử B2C (giao dịch giữa doanh nghiệp với khách hàng) sẽ tăng 25%/năm, đạt 10 tỷ USD; giá trị mua sắm online đạt 400 USD/người.

Độ mở của thị trường còn được cộng hưởng khi số lượng người dùng Internet ở Việt Nam mới đạt khoảng 40 triệu người và đang có xu hướng tăng nhanh. Dự báo đến năm 2020, sẽ có thêm 20 triệu người dùng Internet, trên tổng số 92 triệu dân. Đây thực sự là một nền tảng tuyệt vời để các doanh nghiệp nhỏ và vừa nắm bắt cơ hội khởi nghiệp và phát triển thị trường.

Khơi thông việc bán hàng qua mạng cho doanh nghiệp

Khẳng định thương mại điện tử giúp doanh thu và lợi nhuận của các doanh nghiệp nhỏ và vừa tăng trưởng nhanh chóng, giảm chi phí thuê địa điểm kinh doanh, song ông Nguyễn Đình Chúc, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển bền vững vùng (thuộc Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) cho rằng, một trong những rào cản đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa “lên mạng bán hàng” là chi phí thương mại điện tử vẫn khá cao (chiếm khoảng 20% doanh thu) và nạn hàng nhái, hàng giả còn khá phổ biến.

Nhìn một cách tổng thể, số lượng doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Việt Nam khai thác thương mại điện tử không ít, nhưng hiệu quả chưa cao. Những tồn tại được nhìn nhận là do cạnh tranh không lành mạnh; nạn hàng nhái, hàng giả; nhiều doanh nghiệp còn chưa thực hiện đầy đủ các yêu cầu khi mở website bán hàng trực tuyến. Bên cạnh đó, sự thiếu vắng các giải pháp thanh toán đồng bộ cũng khiến việc mua hàng của người dùng chưa thực sự tiện lợi.

Ông Trần Kim Chung, phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, thương mại điện tử ở Việt Nam còn ở dưới mức tiềm năng. Giá trị thương mại điện tử hàng năm hiện mới bằng 0,3% tổng giá trị bán lẻ. Do vậy, Chính phủ nên thiết lập môi trường pháp lý thuận lợi cho thị trường số phát triển, đảm bảo các giao dịch thương mại điện tử an toàn.

Chia sẻ vấn đề này, TS. Lê Đăng Doanh khuyên rằng, trong bối cảnh chi phí đầu vào tăng, doanh nghiệp cần đổi mới công nghệ, nâng cao hiệu quả, năng suất lao động và triệt để tiết kiệm để cạnh tranh. Một trong những hướng cạnh tranh mới cho doanh nghiệp là tiếp cận marketing thông qua các sàn giao dịch thương mại điện tử, bởi đây là sân chơi lớn cho sự sáng tạo, năng động, luôn đổi mới, không bị giới hạn về địa lý, với chi phí thấp.

Theo Báo Đầu Tư

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích